Đại Nghĩa không ngại bị khán giả nói chảnh, khó gần vì không thể sống giả tạo.
Đàn ông nên vào bếp!
Công việc bận rộn như vậy, dạo này Đại Nghĩa có còn giữ thói quen tự vào bếp nấu ăn cho
- Từ nhỏ, tôi phải thường xuyên nấu ăn khi ba mẹ bận việc. Hơn nữa, ba mẹ tôi là người nấu ăn rất giỏi nên tôi cũng được thừa hưởng một chút tài lẻ đó. Dần dần, chuyện bếp núc trở thành một trong những sở thích của tôi. Sau này, khi sống tự lập, tôi nấu ăn vì nghĩ nếu mình không lo cho mình thì ai lo cho mình đây? Hơn nữa tôi ăn chay nên muốn tự tay làm những món ăn mình thích.
*Vì sao đến giờ Đại Nghĩa vẫn chưa lập gia đình, khi đó, anh sẽ có vợ nấu nướng, chăm lo?
- Tôi từng nói khó có người phụ nữ nào chấp nhận được cái nghề của tôi. Đến giờ, tôi vẫn độc thân cũng có thể đó là một phần “cái giá” tôi phải trả cho công việc của mình. Nhưng dù có vợ đi nữa, tôi cũng thích vào bếp nấu ăn chứ không giao hẳn trách nhiệm đó cho người phụ nữ.
Chắc do xưa nay người ta quan niệm bếp núc là chuyện của phụ nữ nên họ ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông vào bếp. Nhưng tôi nghĩ hình ảnh một người đàn ông đeo tạp dề, tay cầm dao thái thịt hay lụi cụi nấu nướng cũng tuyệt vời đó chứ!
Đại Nghĩa cho rằng đàn ông vào bếp là bình thường
*Nhưng xưa nay người ta vẫn quan niệm “bếp núc là chuyện của phụ nữ”…
- Đó là quan niệm xưa cũ của ông bà ta còn ngày nay phụ nữ đâu chỉ có mỗi nhiệm vụ bếp núc, họ phải tham gia nhiều công việc ngoài xã hội. Tôi nghĩ phụ nữ nào cũng thích người đàn ông của mình biết nấu ăn để cùng nhau san sẻ. Xã hội bây giờ hiện đại, phụ nữ có thể làm những việc của đàn ông và đàn ông cũng có thể xắn tay vào bếp như phụ nữ. Chuyện đó hết sức bình thường!
Tôi là người lãng mạn
*Được biết, ngoài nấu ăn, Đại Nghĩa còn biết làm thơ. Anh có nhớ bài thơ đầu tiên mình từng viết không?
- Từ lúc biết đọc, biết viết tôi đã làm thơ rồi. Bây giờ, tôi vẫn còn giữ lại một tập thơ lúc còn nhỏ. Tôi nhớ bài thơ đầu tiên là bài Tình bạn có mấy câu như thế này: “Bạn là viên bi. Tôi là hạt cát. Chúng ta không sợ chia ly. Vì viên bi nằm trên hạt cát”. Bài thơ gần nhất đây tôi làm ca ngợi những người lính, cảm xúc dâng trào khi tôi nghe được tâm sự của họ về lý tưởng chiến đấu, sự hy sinh thầm lặng. Tôi không ngờ rằng khi mình là nghệ sĩ, được khán giả tặng những lời khen, được tung hô hằng ngày thì có những người lính vẫn thầm lặng mà ít khi nào được nhắc đến.
*Anh là người lãng mạn đúng không?
- Nghệ sĩ như tôi cần phải có một chút lãng mạn mới làm nghề được. Riêng trong cuộc sống, đôi khi tôi cũng lãng mạn đến bất ngờ như thích đi dưới mưa chẳng hạn. Thật ra lúc đó mình sẽ cảm nhận được rất nhiều điều thú vị xung quanh.
Đại Nghĩa làm thơ từ lúc còn nhỏ
*Người lãng mạn như vậy hẳn sẽ thích một cô gái dịu dàng, mỏng manh như hình ảnh của Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng chẳng hạn...
- Phụ nữ yếu đuối rất dễ làm đàn ông “gục ngã” ngay từ lần đầu tiên vì đàn ông bao giờ cũng thích cảm giác được che chở. Nhưng về lâu dài, đàn ông lại thích người phụ nữ có chút mạnh mẽ. Một cô gái yếu đuối, khi gặp chuyện gì xảy ra sẽ không tự mình giải quyết được, khóc lóc và dựa dẫm đàn ông thì anh ta cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi cần một người phụ nữ ngoan hiền như con mèo nhưng có lúc phải mạnh mẽ như một con hổ. Tôi từng chết hụt nhiều lần
*Biến cố nào trong cuộc sống ảnh hưởng đến anh nhiều nhất?
- Đó là ngày ba tôi mất! Tôi đã từng trải qua cảm giác đau đớn tột cùng trong lòng nhưng phải diễn hài cho bộ phim chiếu Tết.
*Nghe nói lần đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời anh thấy ba khóc là lúc anh bị té cầu thang suýt chết?
- Tôi nhớ có lần cả nhà đi chơi ở Vũng Tàu vào dịp cuối năm bằng tàu cùng với anh chị em công nhân trong xưởng may của bà ngoại tôi. Không may chiếc tàu bị lật, ba tôi đã kịp cứu được tôi và mẹ thoát nạn. Nhưng chị họ của tôi ra đi vĩnh viễn trong tai nạn đó. Một lần khác là năm tôi lên 5, 6 tuổi gì đó, có lần tôi bò lên cầu thang sắt, bị hụt chân lọt xuống khe giữa 2 bậc cầu thang. May mà lúc đó ba mẹ tôi phát hiện và kịp thời bồng tôi xuống. Ba tôi hú vía, ông đã khóc sau khi biết tôi không sao.
Phút suy tư của Đại Nghĩa ngoài đời
*Điều gì ý nghĩa nhất anh học được từ ba là gì?
- Ba không chỉ dạy tôi làm nghề mà còn dạy tôi làm người. Ông dạy chuyện nhân nghĩa trong cuộc sống, cách đối nhân xử thế, lẽ phải ở đời. Tôi đã học cách lắng nghe, quan sát nhiều hơn là nói vì vốn dĩ chúng ta có đến 2 con mắt, 2 cái tai mà chỉ có một cái miệng.
*Chính vì vậy mà hình ảnh Đại Nghĩa ngoài đời hoàn toàn khác với trên sân khấu. Anh lạnh lùng và ít nói như vậy không sợ khán giả nghĩ mình quá chảnh sao?
- Tôi dành hết năng lượng để nói, đề cười, để khóc cho từng vai diễn của mình trên sân khấu nên đâu còn sức để cười cười nói nói khi trở về với cuộc sống hằng ngày. Nói đùa vậy thôi, tôi cũng biết nhiều khán giả gặp tôi ngoài đời đã “sốc”. Nhiều em thiếu nhi cũng băn khoăn: “Anh Đại Nghĩa với cá mặt ngu, con lươn nhí nha nhí nhảnh trên sân khấu là đây sao?". Tôi nghĩ nếu khán giả thích một Đại Nghĩa vui nhộn, hài hước thì cứ đến sân khấu sẽ gặp. Còn ngoài đời, tôi không thích sống giả tạo. Đó là cách tôi tôn trọng khán giả.
Vai diễn Cá mặt ngu từng làm nên tên tuổi của anh
*Đại Nghĩa nghĩ sao khi có một số người nhận xét anh thuộc dạng “ngây thơ nhưng lại nham hiểm”?
- Ngây thơ thì đôi khi có nhưng tôi có làm gì đâu mà nham hiểm. Tôi sống rất tử tế với chính tôi và tất cả moi người, mình không làm gì xấu với người khác, người ta cũng không ghét mình được.
*Trải qua thăng trầm trong cuộc sống, hiện nay, phương châm sống của anh là gì?
- Ngày xưa tôi thích sống cho mình, có tiền là thích mua quần, áo. Nhưng trải qua nhiều biến cố, giờ tôi muốn sống cho người khác. Tôi muốn sống theo kiểu “cho đi mà không cần nhận lại”.
Thật ra hạnh phúc không phải là có tiền mua được những gì mình mong muốn mà chính là sự tự tại, an nhiên trong tâm hồn điều không có tiền bạc nào có thể mua được. Tôi là một Phật tử nên tôi tin theo giáo lý nhà Phật. Khi mình giúp đỡ một người nào đó dù mình không muốn được đền đáp lại nhưng sự may mắn sẽ tự nhiên đến. Ở đời, luật nhân quả rất màu nhiệm.
Cảm ơn Đại Nghĩa!