Nằm trong số các Hoa hậu thành đạt, giờ Thu Thủy đã là mẹ của hai "công dân".
Nằm trong số các Hoa hậu thành đạt, giờ Thu Thủy đã là mẹ của hai công dân. Tuy nhiên đã có lúc Thủy “bỏ rơi” con cho ông bà ngoại. Đến khi nhìn lại, chúng có triệu chứng của hội “cậu ấm, cô chiêu” và “cuộc chiến” đào tạo lại con của Hoa hậu bắt đầu...
Kinh nghiệm 1: Xử lý thói hống hách
Cậu cả Alez từ lúc sinh ra đã được hưởng sự chăm sóc đặc biệt của hai Osin “nhỡ nhỡ”. Ngoài nhiệm vụ chơi với cậu, các Osin tất nhiên, làm mọi việc để Alez không khóc nhè.
Alez 5 tuổi, mẹ Thủy nhận thấy cậu bắt đầu tỏ ra hống hách và không chịu làm gì. Chế độ Osin bị cắt bỏ. Cùng lúc đó Thủy mang bầu bé thứ hai. Alez bị hụt hẫng về tình cảm, sinh ra phản ứng chống đối mẹ.
7 giờ sáng, hai mẹ con cùng ra khỏi giường. Quần áo, ăn uống chỉnh tề, ra xe để đi học thì Alez bắt đầu nôn. Sự việc kéo dài làm Thủy rất bức xúc, nhưng không biết cách nào điều trị Alez.
Chuẩn bị vào lớp 1, Alez học trường Tây, các giáo viên rất tâm lý mà cũng không đối thoại được. Họ phải gặp riêng Thủy bảo: Con chị chắc gặp vấn đề gì về tâm lý, vì đến lớp nó không chơi với ai, chống đối tất cả những yêu cầu cô giáo đề ra.
Thủy lao vào đọc sách, tìm hiểu trên mạng những câu chuyện liên quan đến vấn đề của Alex. Biết đó là chứng phản kháng của trẻ con, một cách vô thức với sự cô đơn và hụt hẫng khi nếp sinh hoạt đột nhiên bị thay đổi, Thủy dành thời gian cho con nhiều hơn. Trò chuyện, đọc sách và xem phim hoạt hình cùng Alez.
Thu Thủy dạy con khá nghiêm khắc.
Tình hình biến đổi rất chậm chạp. Alez vẫn nôn. Nước cùng, mỗi buổi sáng, lúc bắt đầu ăn, Thủy để cạnh Alez một cái bát không, yêu cầu nếu nôn thì con cho vào đây... Alez phản đối, không chịu được mùi thức ăn bị tống ra từ dạ dày. Thủy vẫn rất kiên quyết không nhượng bộ. Dần dần chứng nôn biến mất.
Sự phản kháng tạm bị dẹp bỏ nhưng thói hống hách không biến mất. Alez đã quen với việc được phục vụ tận chân răng nên bắt đầu làm việc gì với cậu cũng rất khó.
Thủy phải tập lại từ cách bóp kem đánh răng ra bàn chải, cách tự làm vệ sinh cá nhân, cách giật nước bồn cầu... Tất cả những bài học đó hôm nay Alez làm, mai lại quên như thường.
Nhất là lúc dạy cậu học, chữ nghĩa vào tai này lập tức trôi tuột ra tai kia. Có những lúc Thủy gần như phát điên. Cô lao ra ngoài cho khỏi bức xúc, rồi từ từ bình tĩnh lại, tiếp tục bài học với Alez.
Sáu tháng liền ròng rã, Thủy gần như bỏ hết mọi việc để uốn nắn con.
Kinh nghiệm 2: Bài học độc lập
Để loại bỏ hoàn toàn thói quen “phải có người hầu hạ” cho Alez, Thủy quyết định ra ở riêng, để ông bà ngoại “khuất mắt trông coi”, khỏi xót cháu mỗi lúc mẹ áp dụng biện pháp mạnh.
Alez phải bắt đầu lại từ đầu gần như mọi việc. Việc nào cũng gian nan và mất nhiều thời giờ. Thủy thống nhất với con, từ khi con vào lớp một, mọi việc sinh hoạt cá nhân và ăn uống con phải tự làm.
Thu Thủy dạy con bài học độc lập.
Có hôm Alez ăn một bát phở mất sáu giờ đồng hồ. Thủy ngồi làm việc bên cạnh, bác bỏ mọi mè nheo và nước mắt. Trời mùa đông, bát phở nhanh chóng nguội và đông lại. Thủy đứng lên ngồi xuống cho vào lò vi sóng hâm lại không biết bao nhiêu lần.
Chỉ đến khi Alez ăn hết cô mới “ok, giờ con được tự do”. Biện pháp ấy tỏ ra khá hiệu quả, vì sau đó Alez ăn “đâu vào đấy”, đến bà ngoại cũng phải ngạc nhiên.
Rút kinh nghiệm từ trường hợp cậu cả, khi sinh Azzura, con đầy tháng là Thu Thủy cho ngủ riêng. Có một chị hộ lý quen dạy Thủy cách mát-xa cho bé trước khi tắm và dạy bé đứng từ khi mới lọt lòng.
Nhờ thế, Azzura cứng cáp hơn những đứa trẻ bình thường. Một tháng đã ngẩng được đầu, hai tháng biết lẫy, sáu tháng biết bám men giường đi chập chững.
Trong giường của Azzura, không có bất kỳ loại gối nào để phòng trường hợp bé bị ngạt. Thủy đặt riêng một bộ chăn ở nước ngoài, khi quấn Azzura cái chăn sẽ tạo thành tư thế nằm trong bụng mẹ, rất an toàn.
Lần sinh đẻ này, Thủy đã tìm hiểu khá kỹ về các kỹ năng nuôi con. Trẻ con chỉ khóc tối đa đến 17 phút và chúng phản ứng như vậy là để “thử” người mẹ.
Khi Azzura có dấu hiệu “ăn vạ”, người giúp việc cứ định lao vào bế ẵm, nựng nịu rồi đốt vía, Thủy xua ra hết. Để yên như thế đến lần thứ ba thì cô nàng chán và quay ra ngủ ngon lành.
Bây giờ, lịch sinh hoạt của Azzura rất khoa học. Ăn, ngủ đúng giờ. Trông thấy mẹ cũng không bám hay “hẹ hẹ” đòi. Thủy nhàn trông thấy, con mới bảy tháng đã rảnh rang làm việc. Trong nhà có trẻ sơ sinh mà khá yên tĩnh, đến nỗi hàng xóm nhiều người không biết là Thủy mới có em bé.
Thu Thủy bên hai thiên thần nhỏ.
Kinh nghiệm 3: Nói với con về tình yêu
Khi có Azzura, Alez phải đối diện với việc tình cảm mẹ dành cho mình bị chia sẻ. Như tất cả những đứa trẻ khác, cậu bị hẫng và trở nên đa cảm.
Có những đêm, Thủy mở cửa phòng đi vệ sinh, thấy Alez ngồi thu lu bên ngoài mà rớt nước mắt. Đọc sách, Thủy thấy rằng nếu để tình trạng này kéo dài có thể Alez sẽ nảy sinh phản ứng ghét em hoặc lui vào vỏ ốc của sự cô đơn.
Cô tìm mọi cơ hội để kéo hai anh em lại gần nhau. Sinh xong, Alez đến thăm mẹ ở bệnh viện, trông thấy em tự nhiên cậu khóc. Thủy cũng khóc theo và yêu cầu người nhà ra ngoài hết.
Khi chỉ còn ba mẹ con, Thủy hỏi: "Có phải con khóc vì thương em không? Con thấy em bé bỏng, yếu ớt, con có cảm giác muốn che chở cho em đúng không? Alez mặc dù chẳng hiểu vì sao mình khóc nhưng cũng gật". Thủy nghĩ: "Muốn con trẻ biết yêu thương và chia sẻ thì phải dạy chúng, phải nói với chúng về tình yêu".
Về nhà, bất cứ việc gì có thể gắn kết hai anh em là Thủy kéo Alez vào. Cô nhờ Alez mang tã cho em, để mắt đến em khi mẹ ra ngoài. Azzura có biểu hiện gì hay hay cô cũng bảo: "Tại em thích Alez". Alez hình thành thói quen thích mang em đi khoe với bạn.
Ở lớp Alez, mỗi tuần lại có một buổi thảo luận chung, các học sinh tự nói về một chủ đề mình thích, và với Alez bao giờ cũng là Azzura kèm một món đồ của em: có khi là cái yếm, một món đồ chơi hoặc bình sữa ở nhà. Azzura trở nên nổi tiếng trong lớp của Alez. Khi có hội trường, Azzura còn đỏ hỏn Thủy cũng bế đến để Alez khoe em với các bạn.
Nói về Alez bây giờ, Thu Thủy không giấu được vẻ tự hào: “người đàn ông đích thực của mẹ Thủy đấy”!