Những "trò cười" khi trả lời ứng xử sẽ còn tiếp diễn?
Xem kỳ 1: Lạc vào cường quốc... loạn hoa hậu
Trong cuộc họp báo giới thiệu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, một phóng viên đã hỏi trưởng BTC một câu khá “éo le”: “Trong thời buổi có quá nhiều cuộc thi Hoa hậu như hiện nay, ông có sợ rằng nguồn tài nguyên nhan sắc của chúng ta đang bị khai thác triệt để? Ông có sẵn lòng để các thí sinh đã từng dự thi lại đi thi thêm một lần nữa không?”.
Vị trưởng BTC tỏ ra đầy lạc quan với câu trả lời: “Chúng ta nên tự hào về vẻ đẹp của người con gái Việt Nam”. Quả đúng như vậy, nhan sắc Việt Nam xưa nay không thiếu, bằng chứng là có rất nhiều cuộc thi Hoa hậu, mỗi năm lại có thêm vài người đẹp "xách" vương miện về nhà. Hành trình thay đổi cuộc đời của các cô gái không quá vất vả, gian nan mà thường dựa vào nhan sắc trời phú cộng thêm một chút may mắn.
Bởi các cuộc thi chưa từng nhắm đến mục tiêu vươn ra ngoài biển lớn, nên các thí sinh cũng không cần quá lo lắng trang bị cho mình thể lực, ngoại ngữ hay trí tuệ để đọ tài với bạn bè năm Châu. Rõ ràng, để thi thố trong nước, thì nhan sắc đã là điều kiện cần và đủ để biến một cô gái trở thành biểu tượng sắc đẹp quốc gia.
Chẳng có “lò đào tạo” nào cả
Nếu như trong thể thao, một vận động viên muốn đặt chân tới sàn thi đấu quốc tế có thể sẽ phải đánh đổi nhiều năm tháng tuổi trẻ của mình để trau dồi, luyện tập, thì ở một số quốc gia “cuồng” sắc đẹp, các cuộc thi nhan sắc cũng tương tự. Chúng ta từng nghe những câu chuyện về các bé gái 12 tuổi đã vào học tại các trung tâm đào tạo Hoa hậu ở Venezuela; hay những bậc "phù thủy nhan sắc" nổi tiếng toàn cầu như Osmel Sousa (Venezuela), Lupita Jones (Mexico) hay Ines Ligron (Pháp) - đã làm nên thương hiệu cá nhân nhờ thành tích mà “gà” của họ đem về.
Hoa hậu Việt Nam thường chỉ chuẩn bị trong... vài ngày để thi Miss World.
Việt Nam có thể nói là khá non trẻ trên đấu trường sắc đẹp thế giới, vì chúng ta mới chỉ thường xuyên cử người đẹp tham dự các cuộc thi quốc tế từ đầu thập niên 2000 đến nay. Tuy vậy, khó có thể phủ nhận Việt Nam cũng là vùng đất “cuồng” sắc đẹp với sự bùng nổ các cuộc thi Hoa hậu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đi kèm với khái niệm “loạn Hoa hậu” từ năm 2007 đến nay. Truyền thông Việt là một minh chứng rõ rệt cho độ “cuồng” khi cập nhật cả những cuộc thi nhan sắc bị Châu Âu coi nhẹ như Miss World, Miss International.
Nhưng "xôm tụ" hơn cả chính là những sự kiện sắc đẹp quốc tế có sự hiện diện của người Việt, mà tiêu biểu là cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ luôn chiếm vị trí ưu tiên trên các trang mạng. Sức hấp dẫn của cuộc thi không chỉ đến từ người đại diện của quốc gia, mà đây còn được coi là một cuộc đua quốc tế, nơi quốc kỳ của mỗi đất nước giương cao khiến bao trái tim thổn thức.
Đáng tiếc, các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam hiện nay không tìm kiếm người đẹp phục vụ cho mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia, nên điều đó đồng nghĩa với việc không có “lò đào tạo” chuyên nghiệp nào cả. Ngoại từ công ty Unicorp - đơn vị giữ bản quyền Miss Universe tại Việt Nam , nhưng cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam do đơn vị này tổ chức lại chỉ được cấp phép một lần duy nhất năm 2008.
Những nhan sắc "chín ép"
Hình dung chuẩn mực về các người đẹp Việt đăng quang Hoa hậu luôn luôn là: tuổi từ 18 đến 21, có theo học một trường Đại học hoặc Cao đẳng và có nhan sắc trong sáng, tinh khiết nhưng hơi mỏng manh. Trong khi giới hạn tuổi của Hoa hậu là từ 18 đến 27, đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Philippines Mary Jean Lastimosa - vừa đăng quang hồi tháng 4 năm nay - cũng đã 26 tuổi. Sự chênh lệch tuổi lớn giữa các thí sinh khiến khoảng cách về kinh nghiệm, kiến thức, sự từng trải trở nên rõ ràng hơn khá nhiều. .
"Loạn hoa hậu" là khái niệm được giới truyền thông Việt sử dụng kể từ năm 2007 để miêu tả sự lan tràn của các cuộc thi hoa hậu trong nước. Có quá nhiều cô gái đăng quang ngôi vị hoa hậu trong khi trình độ và nhan sắc chưa thuyết phục. Quy chế tổ chức các cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia sau đó được thắt chặt, nhưng các cuộc thi quy mô nhỏ vẫn tiếp tục ra đời và gây nhiều ấn tượng không đẹp trong mắt công chúng. |
Một ví dụ cụ thể là Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy, đăng quang khi vừa đỗ Đại học. Năm nay cô 26 tuổi, là một nhan sắc lộng lẫy với trí tuệ và bản lĩnh tỏa sáng khó có thể địch lại. Rõ ràng cô hoàn thiện mình rất nhiều so với khi mới đăng quang, bởi đã có một quãng thời gian đủ dài để học tập, rèn luyện và tích lũy. Hoa hậu Thùy Dung cũng là một trường hợp tương tự.
Việc cử những nhan sắc quá trẻ đến đấu trường quốc tế không phải là vấn đề đáng bàn, tuy nhiên bản thân các cô gái trẻ chưa chắc đã ý thức được mình cần chuẩn bị kỹ lưỡng ra sao để “chiến đấu” thật tốt. Thực tế đã chứng minh các Hoa hậu Việt Nam luôn đến trễ tại nhiều kỳ Miss World, không có thời gian chuẩn bị váy áo chứ chưa nói đến rèn luyện hình thể. Duy nhất Unicorp là đơn vị có sự đầu tư bài bản cho người đẹp dự thi quốc tế, nhưng những người được lựa chọn đa phần đã có bản lĩnh vững vàng trước ánh đèn showbiz.
Tại Philippines – đất nước láng giềng của Việt Nam, cũng là một cường quốc sắc đẹp mới nổi của thế giới, có đến 3 trung tâm đào tạo Hoa hậu uy tín và chuyên nghiệp là Aces and Queens, Kagandahang Flores và John De La Vega. Tất cả các cô gái muốn trở thành Hoa hậu đều phải được huấn luyện kỹ lưỡng tại các trung tâm này. Các khóa đào tạo bao gồm rèn luyện hình thể, kỹ năng catwalk (điều luôn bị các cuộc thi Hoa hậu Việt xem nhẹ), tạo dáng, nói trước ống kính, ngoại ngữ, ngôn ngữ cơ thể, kiến thức xã hội, văn hóa giao tiếp… Kết quả, 4 năm liền Philippines đã có 4 Á hậu Hoàn vũ, 1 Hoa hậu và 1 Á hậu Thế giới cùng vô số danh hiệu tại các cuộc thi lớn bé khác.
Bỗng dưng thành Hoa hậu
Hai tiêu chí được đánh giá cao nhất với các Hoa hậu Việt Nam là gương mặt và câu trả lời ứng xử. Giữa một dàn thí sinh có chiều cao tương đương, những người có gương mặt đẹp luôn thu hút sự chú ý của các BGK và chỉ cần trả lời trôi chảy, có nội dung một chút là rất dễ “ẵm” vương miện.
Nhưng cũng chính vì nguồn “tài nguyên” nhan sắc quá dồi dào mà nhiều cô gái buộc phải “chín ép” khi chưa lĩnh hội đủ tri thức và bản lĩnh. Nhiều câu trả lời ứng xử khiến người nghe cười ra nước mắt, dù thời gian trả lời thoải mái và các câu hỏi của BGK luôn được “phím” từ trước để các thí sinh đỡ lúng túng trên sân khấu.
Những câu trả lời ứng xử "ngô nghê" sẽ còn tiếp diễn?
Sự dài dòng trong màn chào hỏi (duy nhất cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 khắc phục được hạn chế này), tốn thời gian “lăng-xê” nhà tài trợ cộng với gu trang điểm, làm tóc đi ngược với xu hướng thế giới chính là điểm trừ dễ nhận thấy của các cuộc thi quốc gia hiện nay. Trong số 13 Hoa hậu Việt Nam từng đăng quang, có tới 12 cô gái đều búi tóc “củ tỏi”. Nhưng sau đó, nếu có dịp đi thi quốc tế, họ lại đều xõa tóc cho duyên dáng?
Tồn tại những sự khác biệt này là do tôn chỉ, mục đích của các cuộc thi nhan sắc trong nước khác xa so với tiêu chuẩn quốc tế hiện nay. Thế nên các cô gái Việt hầu như không có sự chuẩn bị lẫn xác định tư tưởng rằng mình sẽ trở thành Hoa hậu, chứ chưa nói đến việc trở thành một đại sứ sắc đẹp toàn cầu.
(Đón xem Kỳ 3: Cuộc “khủng hoảng” sắc đẹp quốc tế năm 2014)