Sân khấu hội tụ của 5 nữ danh ca hàng đầu là Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương, Mỹ Linh, Trần Thu Hà hiện đang gây “sốt”.
Lật lại lịch sử ngắn ngủi và miêu tả đầy ngắn gọn về nhạc nhẹ, người ta gọi Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà là 4 Diva của làng nhạc Việt, dù nó mang tính chất về ý thức và cảm tính nhiều hơn.
Thu Phương khi đó vướng phải những biến động cuộc sống làm người ta xao nhãng sự tập trung vào giá trị nghệ thuật, và cô bỏ lỡ cơ hội bước vào “ngôi đền” danh giá. Một cách duy tâm có logic, dù dựa trên yếu tố chuyên môn và hấp lực trên sân khấu, tâm lý người Việt dễ bị đóng đinh với con số “4” chắc chắn, tựa sự vững chãi của 4 cây cột trống trong một “ngôi đền” ý thức.
5 nữ danh ca hàng đầu Việt Nam: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần, Thu Phương.
Ngay trước khi chương trình The Master of Symphony diễn ra, hàng trăm fan khắp nơi tại Việt Nam đã gửi những bức tâm thư chia sẻ về tình cảm, sự hoài vọng lớn lao cũng như chờ đón phần trình diễn từ các nữ danh ca nổi tiếng. Họ đã cùng chia sẻ tâm sự của mình trong những cuộc thi nhỏ để “viết về thần tượng” ngay trước khi chương trình The Master of Symphony diễn ra, và rất đặc biệt khi đa số đều là fan nữ. Họ gây bất ngờ với những chia sẻ chân thành.
Một fan nữ cho biết: “Tôi bắt đầu nghe nhạc từ năm lớp 8. Chị họ tôi là một fan lớn của chị Mỹ Linh và tôi bắt đầu nghe dòng nhạc của các Diva do ảnh hưởng từ chị. Ngày đó đĩa xịn là một điều xa xỉ, toàn dân nghe đĩa sao, chị em tôi thường phải tích cóp để có thể mua một số ít đĩa xịn của các ca sĩ yêu thích. Tôi vẫn nhớ chiếc đĩa xịn đầu tiên tôi mua là đĩa “Made in Vietnam”. Tôi một đĩa, chị tôi một đĩa.
Có những niềm yêu thích mà nhất định ta phải có và giữ cho riêng mình.Tôi nghe nhạc chị Linh đầu tiên nhưng người ca sĩ mà sau này tôi yêu thích nhất lại là chị Hà. Giọng hát độc đáo, cách xử lý tinh tế của chị làm người ta quên đi những khuôn mẫu cũ về ngoại hình và nhan sắc”.
Thanh Lam và Hồng Nhung.
Còn một dòng tâm trạng khác về chị Bống Hồng Nhung: “Không biết tự khi nào, nhạc Trịnh với tôi như hơi thở vậy. Từ nhỏ, khi mà còn chưa hiểu một ca từ nào, ba tôi đã cho nghe nào là "Diễm xưa", nào là "Một cõi đi về"... Đến khi lớn hơn, tôi biết đắm mình trong những giai điệu triết lí nhân sinh ấy qua tiếng hát cô ca sỹ Khánh Ly, thương cái giọng ca khàn khàn, bè bè của cô. Rồi một ngày, đọc một title trên tờ báo nào ấy tôi không nhớ rõ, cũng không chính xác nhưng đại ý là Khánh Ly - người đàn bà phản bội. Tôi hết thương cô, không hiểu lắm nhưng chắc kiểu trẻ con, nó như vậy.
Sau này tôi biết đến cô Hồng Nhung, cũng khá muộn, những năm cấp 3. Tình yêu nhạc Trịnh cũng theo cô mà sống dậy, tôi tìm hết những ca khúc cô hát và nhận ra một điều cho riêng mình: với tôi, Hồng Nhung là người hát nhạc Trịnh hay và chân thành nhất. Tiếng hát của cô không chỉ xuất sắc về kỹ thuật thanh nhạc mà còn trọn vẹn cái thần của cảm xúc”.
Hà Trần - Mỹ Linh - Thu Phương.
Với tính cách mạnh mẽ và quyết liệt của mình, Thu Phương cũng làm sống lại cộng đồng fan của cô tại quê nhà: “Thu Phương - một cái tên nghe đã buồn man mác. Thu Phương cất tiếng hát, như tiếng lòng, vỡ òa và lắng đọng. Nhắc đến Thu Phương, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những tình khúc tự sự thấm đẫm nỗi buồn hay các bài hát gắn liền với mùa thu Hà Nội. Những sâu lắng trong suy nghĩ của người nghệ sĩ tài hoa đã khiến cô viết nên những xúc cảm trong từng giai điệu, qua từng cách hát.
Không ai có thể quên “Dòng sông lơ đãng” đầy khắc khoải, nồng nàn nỗi lòng sâu xa của người con gái. Không chỉ thế, âm nhạc Thu Phương từ “dòng sông” trở thành tâm sự chất chứa nỗi lòng người con gái về những điều “Chưa bao giờ”. Giữ lại hạnh phúc lại là sự tinh tế, góp nhặt trong từng câu chữ chất chứa nỗi niềm của tâm hồn đầy yếu đuối. Phải chăng dư âm của cuộc sống vẫn còn lưu trong âm điệu lời ca”.