2 ngày sau khi “nhậm chức”, NSND Lê Khanh vẫn chưa có vẻ gì là “oai phong”.
Hai ngày sau khi “nhậm chức” (tân Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ), Lê Khanh vẫn chưa có vẻ gì là “oai phong” cả: vẫn kiểu vấn khăn làm bờm đặc thù, vừa giản dị vừa cầu kỳ, vẫn kiểu cười xòa dễ gần mà không dễ hiểu, và cả… nước mắt. Có giọt nước mắt là lo cho sức khỏe của bố (NSND Trần Tiến) vì “cụ yếu lắm”. Có giọt nước mắt là nhớ Lê Hùng (NSND Lê Hùng)…
Thực sự là tôi hết sức bất ngờ khi thấy trong danh sách 3 phó giám đốc mới của NH Tuổi Trẻ thời “hậu Lê Hùng” lại có tên chị - phương án trước đó chưa từng thấy được nhắc đến và bản thân chị cũng từng nói rằng: Đó là do chị “trốn”, dù hẳn hoi là được các đời lãnh đạo ưu ái. Vậy vì sao tới lúc này chị lại không “trốn” nữa?
- Thế đấy, đã “thoát” rồi thì chớ! Mà còn “thoát” tới tận 5 đời giám đốc. Mà cái này điểm lại cũng vui lắm nhé, nó gần như là “truyền thống” của nhà mình rồi: Hết bố Trần Tiến hồi ở NH Kịch VN cũng đã từng được cất nhắc lên chức phó đoàn, trưởng đoàn gì đấy, cũng từng thử dăm ba phen vác cặp đi vác cặp về, lại có hẳn một người đi theo “ốp” ông cụ cho đúng giờ đúng giấc, vậy mà được một thôi, lại vẫn phải về lại với con người nghệ sĩ của mình. Đơn giản là thấy không quen.
Đến chị Lê Vân, hồi ở NH Ca múa nhạc VN cũng vậy, cũng được cô Quỳnh (NSND Chu Thúy Quỳnh – nguyên Giám đốc NH) đặt nhiều kỳ vọng lắm. Cả Lê Vy cũng thế. Túm lại, cả ba chị em ở ba “nhà” đều được ở trên tin tưởng lắm, nhưng rồi toàn “phụ lòng tin”. Chỉ vì chỉ muốn làm nghề thuần túy. Còn giờ thì, hẳn là vì đã đến lúc không thể trốn được nữa vậy! Cũng như con gái lớn trong nhà, đến tuổi thì phải đi lấy chồng thôi, phải lo toan gánh vác việc gia đình. Lại đang lúc “nhà trống”: Anh Lê Hùng về hưu, anh Tú, anh Vinh qua NH Kịch, rõ ràng là trống quá còn gì! Cũng may, cũng là lúc các con đã lớn (Hến 18, Thóc 16 – P.V) nên ít nhiều, mẹ cháu cũng bắt đầu được rảnh tay hơn...
5 đời lãnh đạo, nhưng nhiều trong số họ là được may mắn chứng kiến sân khấu Việt thời hoàng kim. Còn lúc này, là một bức tranh chung không mấy sáng sủa và luôn thách thức những người đứng mũi chịu sào như chị?
- Đã là thực tế thì mình phải đối diện thôi, chứ không thể áp đặt theo kiểu thật thà như ngày xưa được. Giả hạn như tôi có thể dám chắc rằng, lúc này không ai có thể dám hy sinh cái quãng tuổi đẹp nhất của một đời nghệ sĩ là từ 16 – 26 tuổi trước một lĩnh vực đẹp và hấp dẫn như điện ảnh để định hình một phong cách sân khấu như tôi đã từng. Chuyện xưa vì vậy có chăng chỉ là một lộ trình để chúng ta chứng minh rằng: Khi được đặt lòng tin thì ta sẽ phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn ở mình mà đôi khi chính mình cũng không nhận biết được. Nghệ sĩ thời nào thì cũng vậy thôi, trước hết và trên hết vẫn phải là lòng tin. Và để có lòng tin lúc này, tôi nghĩ mềm dẻo, linh hoạt thì sẽ hiệu quả hơn là áp đặt.
Nhưng biết đâu là, khi cái cardvisit của chị nếu chỉ gồm 4 chữ NSND thì tiếng nói của chị sẽ dễ lọt tai anh em hơn? Những vai diễn nặng ký luôn được trao cho chị chẳng hạn - trước đây thì là một nhẽ, nhưng từ đây, biết đâu sẽ có lời ra tiếng vào?
- Không biết được, vì chuyện đó chưa xảy ra. Có chăng chỉ có thể nói rằng, với ai thì đó có thể là những điều khiến họ “lợn cợn”, “lăn tăn”, nhưng với tôi thì lại không bao giờ thành vấn đề. Làm nghề mấy chục năm, quan niệm làm nghề của tôi rất hồn nhiên. Đôi khi vì thế mà phần nào tôi mới được mọi người yêu mến chăng, và cũng ít gặp va chạm. Cuộc sống thì luôn không ngừng đặt ra những câu hỏi, đôi khi chỉ vì người ta thấy không quen. Nên thôi thì, thế mới là cuộc sống!
Vậy, đặt giả thiết, nếu tới đây, có một vai diễn trong mơ, và hết sức vừa vặn với Lê Khanh, thì bà tân phó giám đốc có… chịu nhường?
- Có nhất thiết phải nhường? Có nhất thiết làm quản lý là phải hy sinh nghiệp diễn? Đó là một khát vọng chính đáng chứ, sao phải né tránh! Vấn đề là mình có thể đảm đương nổi nó hay không. Hay là nó quá lố? Biết tôi nói với những người tin tưởng tôi thế nào không: “Em đồng ý nhận giúp gánh vác công việc, với điều kiện: Vẫn phải được diễn thì em mới làm!”. Đấy, lại có cả chữ “giúp”! Cũng may, anh em trong nhà người ta quá hiểu mình nên mới không tự ái! Và điều này thì tôi mới ngại này, vì đã từng chứng kiến: Đó là một số nghệ sĩ sau một thời gian làm quản lý thì đến khi diễn nó cứ giống… một nhà quản lý, nó cứ là lãnh đạo diễn, không vô tư, không toàn tâm toàn ý… Thế thì ngại thật!
Lúc này, khi “bão đã tan”, chị có thể giải thích điều này được không: Thời điểm tất cả mọi mũi dùi đều chĩa về Lê Hùng, trong đó có cả những đồng nghiệp cùng thế hệ với chị, lúc ấy Lê Khanh đứng ở đâu? Sự im lặng đó là vì Lê Khanh quá coi trọng tình thầy trò, hay vì bản tính “dĩ hòa vi quý”? Hay ngay lúc ấy, chị cũng đã hiểu quản lý nghệ sĩ có cái khó của nó?
- Là người trong nhà, cho phép tôi không bàn luận gì về việc này. Còn nếu nhắc đến, và đúng với con người tôi nhất, thì đó là lúc nào tôi cũng cảm thấy nhớ anh Hùng. Và điều đó rõ ràng đến nỗi lắm lúc khiến tôi không đừng được phải nói ra mồm là nhớ ông anh quá. Dù có chỗ thì mình tiện nói ra, có chỗ không tiện. Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần đến nhà hát là nhớ. Hồi đầu phải nói là nhớ ông anh khủng khiếp. Thấm thoắt thế mà đã gần một năm rồi (khóc).
Dào ôi, có cái tật mau nước mắt là vẻ như “vô phương cứu chữa” nhỉ? Chả ra dáng lãnh đạo gì cả!
- Ừ đấy, chán nhỉ! Cố gắng vậy.
Cảm ơn Lê Khanh!