NSƯT Kim Xuân: Chồng tôi không biết ghen

Ngày 04/11/2013 10:00 AM (GMT+7)

"Có lẽ anh ấy thấy tôi cực quá nên mới thương người phải chịu cực".

Trong khi nhiều nghệ sĩ trẻ than vãn cuộc sống hôn nhân mong manh thì cô đào chính xinh đẹp Kim Xuân của ngày nào lại rất biết thỏa mãn với hạnh phúc gia đình mình đang có. Phải chăng Kim Xuân khéo léo lo toan, biết an phận nên giữ được lửa tổ ấm? Hay còn có lý do nào nữa?

Khi được Kim Xuân sắp xếp cuộc phỏng vấn ở một quán cà phê gần nhà, tôi cứ ngỡ chị làm vậy để tiện đi bộ ra. Nhưng sát giờ hẹn, chị lại được chồng chở đến bằng xe gắn máy, cẩn thận dặn dò chị gì đó trước khi chạy đi. Nền nã, quý phái trong bộ đầm màu tím, trông Kim Xuân khác xa với những vai diễn lam lũ, đa đoan vốn đã được các đạo diễn đóng khuôn cho chị trên sân khấu và trên màn ảnh. Nghe tôi nói vậy chị cười hiền: “Bên ngoài thì tôi như vậy, nhưng một khi đã đóng vai khổ thì không ai khổ bằng tôi”.

Không ai được phép xúc phạm nghệ thuật trước mặt tôi

Được biết ba chị là một nghệ sĩ cải lương, sao chị không nối nghiệp ông mà rẽ sang con đường diễn viên?

Ba tôi ngày xưa hát cải lương ở đoàn hồ quảng Minh Tơ, ông ca cải lương hay lắm, không thua gì bác Út Trà Ôn. Đến đời tôi, dù có hơi nhưng yếu lắm. Mà ngộ là nghe giọng tôi hay, ấm nên ai cũng nghĩ tôi sẽ ca hay, nhưng không, tôi cất giọng lên nghe như con nít ca vậy đó. Không ca được nên tôi đi diễn. Bây giờ, đời con trai tôi không biết gì về cải lương, cũng không đi diễn mà trở thành ca sĩ phòng trà. Tôi không biết tới đời cháu sẽ như thế nào nữa (cười).

Vậy chị đến với nghiệp diễn như thế nào?

Tôi có tham gia một lớp văn nghệ quần chúng ở trường Sân khấu Điện ảnh. Hồi đó, kế bên trường có đoàn kịch Cửu Long Giang, tức đoàn kịch thành phố bây giờ. Lúc ấy, ai học Sân khấu Điện ảnh ra mà thi đậu được vào đoàn kịch Cửu Long Giang là may mắn lắm, rất nhiều người học xong phải bỏ nghề hoặc đi làm phong trào.

NSƯT Kim Xuân: Chồng tôi không biết ghen - 1

Năm 1976, vừa ra trường tôi có mặt trong 12 người may mắn thi đậu, đợt đó còn có NSƯT Minh Hạnh, anh Tấn Thi. Chưa bao giờ tôi hình dung được mình thi một cái là đậu vào đoàn kịch lớn nhất nhì trong nước. 19 tuổi được tuyển vô đoàn, 20 tuổi tôi có vai chính đầu tiên, đó là vở Tình ca của đạo diễn Bạch Lan. Việc này đã trở thành một sự kiện trên báo Tuổi Trẻ lúc đó, lần đầu tiên có một diễn viên trẻ được đứng trên sân khấu chính kịch đóng vai chính.

Khi làm nghề, tôi là người may mắn, không chỉ ở Cửu Long Giang mà sau này về bất cứ đoàn kịch nào tôi cũng được ưu ái cho vai chính. Tôi được mời hợp tác những phim rất dài hơi như Lẵng hoa tình yêu, Mùi ngò gai, Dù gió có thổi...

Nhưng ngày xưa, nhận được nhiều vai chính không có nghĩa là có nhiều tiền. Nghe nói những năm 1980, rất nhiều nghệ sĩ bỏ nghề vì quá sợ cảnh nghèo đói. Chị vẫn nằm trong số ít người chịu khó bám nghề?

Đúng vậy. Có những lúc tôi cũng nghĩ tại sao mình lại dại dột đi theo nghề này. Đâu có điện thoại hay máy nhắn tin gì đâu, sáng sớm là hẹn gặp nhau ở quán cà phê để nhận show. Hôm nào buổi tối trời đổ mưa lại nhìn nhau cười mếu: “Trời ơi, sao cái bóp nó cứ rớt mất hoài”.

Gia đình tôi không giàu, nhưng tôi là người thích mọi thứ từ từ nên không vội bỏ nghề. Khoảng những năm 1980 đói khổ quá, anh Bảo Quốc thấy thương tôi và anh Hữu Châu, cháu của anh ấy, bèn lập một nhóm tấu hài cho chúng tôi tham gia. Đó là cách anh ấy giúp để tôi không bỏ nghề thôi, chứ tôi là kiểu đào đẹp, chạy ra sân khấu nói vài câu thôi chứ đâu biết tấu hài. Tôi đi tấu hài được 3 - 4 năm gì đó thì tác giả kịch bản Huỳnh Phúc Điền và đạo diễn Hoàng Phúc mời tôi tham gia một vở kịch dự liên hoan sân khấu toàn quốc: “Chị ơi, vở này chỉ có 2 người thôi là anh Minh Hoàng và chị, thêm một nhân vật phụ là anh Lê Bình. Chị giúp em, vở này tụi em sẽ đi Quảng Ninh để hội diễn”. Cầm kịch bản của cậu thanh niên mới có hai mấy tuổi tôi đọc một mạch và nhận lời luôn. Khi đó nhóm tấu hài của anh Bảo Quốc đang có show diễn ngoài Đà Nẵng.

Thời đó đi tấu hài xa vậy tiền nhiều lắm, trong khi ở sân khấu kịch 5B tiền cát-sê một đêm diễn chỉ đủ ăn tô phở. Nhiều lắm cũng chỉ được 15.000 đồng, tới nỗi trong đám bạn đứa nào may áo mới là sẽ được mượn qua mượn lại để đi diễn. Diễn chính kịch nghèo vậy đó, vừa tấu hài được vài năm, kiếm được chút tiền tôi lại khát khao trở về chính kịch. May sao, sau đợt hội diễn đó, sân khấu kịch 5B được nhiều người biết tới, rồi có thêm sân khấu kịch Sài Gòn của Phước Sang, sân khấu kịch Idecaf của Huỳnh Anh Tuấn... tôi dần sống được với nghề. Rồi thời bao cấp được xóa bỏ, diễn viên có cơ hội nhận nhiều việc hơn, cả kịch lẫn phim.

NSƯT Kim Xuân: Chồng tôi không biết ghen - 2
NSUT Kim Xuân trên sân khấu.

Chồng chị cũng ủng hộ sự “cố chấp” thà chịu đói khổ chứ nhất định không chịu bỏ nghề của chị?

Lúc Hồng Ánh đám cưới với Thanh Sơn, cô ấy đang niềng răng, ông chồng nói Ánh tháo niềng ra để đám cưới ngoài biển cho đẹp, cổ không chịu. Nhưng khi nữ đạo diễn Nhuệ Giang chuẩn bị làm phim mới và gọi cho Ánh bảo tháo niềng răng để làm phim, cô ấy đi tháo luôn. Tôi kể chuyện này để biết có những nghệ sĩ sống chết vì nghề như chúng tôi, Thành Lộc, Hữu Châu. Chồng tôi cũng hiểu, anh ấy hiểu rằng không ai được phép xúc phạm nghệ thuật trước mặt tôi. Khi nhắc đến nghệ sĩ người ta vẫn gọi bằng thằng này, con nọ. Tôi chưa bao giờ nói như vậy với Luân (con trai duy nhất của Kim Xuân), đó là điều cấm kỵ trong nhà tôi.

Chồng tôi không biết ghen

Đi phỏng vấn gần nhà như vậy mà được ông xã đưa rước, có vẻ anh ấy rất chiều chị?

Có lẽ anh ấy thấy tôi cực quá nên mới thương người phải chịu cực. Đàn ông thương vợ mà thấy vợ hết lòng vì gia đình thì tự nhiên người ta sẽ lo lắng và chăm sóc cho vợ.

Chị và ông xã quen nhau như thế nào?

Tôi với anh ấy học chung lớp kịch nghệ ở trường Sân khấu Điện ảnh. Lúc đó, tôi mới mười mấy tuổi, còn anh ấy đang là công nhân viên của Sở Tài nguyên môi trường. Anh ấy đi học về để đạo diễn cho phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ quan. Sau khi học xong mỗi đứa đi làm một nơi, chỉ có thư từ qua lại. Một thời gian thì đám cưới. Tôi làm dâu người Huế nên cũng vất vả và được dạy nhiều thứ. Vất vả là ở chỗ tôi làm công việc mà một gia đình người Huế khó chấp nhận ở con dâu. Một người nữ đi đêm về hôm, sáng không dậy sớm được. Có những khi tôi đi tập ở đoàn kịch của Phước Sang 2h sáng mới về, thử hỏi nhà nào chịu nổi cảnh đó.

Phải lâu lắm, cha mẹ chồng tôi mới thông cảm, hiểu được cho tôi những nỗi khó khăn đó. Cho tới bây giờ, tôi hạnh phúc mỗi khi nghe mẹ chồng hay chị chồng nói với mọi người trong niềm tự hào rằng, “tôi là mẹ chồng, chị chồng của Kim Xuân”.

Còn chồng chị thì sao, một cô đào chính ắt hẳn thường xuyên phải đóng cặp với một kép chính đào hoa, đẹp trai. Anh ấy có ghen bao giờ không?

Chồng tôi hổng biết ghen, hay là tại ghen mà hổng nói (cười).

Nhưng nếu lỡ bão không đến từ chồng mà đến từ trong lòng chị thì sao, bấy nhiêu nam diễn viên, bao đạo diễn tài hoa, làm mỗi phim đi hàng tháng trời. Lửa gần rơm không lẽ không thấy... nóng?

Bởi ai cũng nghĩ vậy nên đi phim ngày xưa lời ong tiếng ve nhiều lắm. Nhưng trước mặt tôi luôn có những tấm gương kiểu như khi bắt đầu quay một bộ phim nhựa, cô diễn viên cặp với ông đạo diễn, 6 tháng sau đoàn phim giải tán, ông đạo diễn trở về với gia đình, còn cô diễn viên lủi thủi một mình với tiếng xấu phá hạnh phúc gia đình người khác. Cho nên tôi luôn dặn lòng rằng, đối với môi trường này, đừng bao giờ thả mồi bắt bóng.

Thương Tín và ông Nguyễn Chánh Tín ngày xưa rất đẹp trai, tôi hay ghẹo mấy ổng rằng “mấy ông là quá ghê đi, đào hoa gái theo hàng đàn, may sao chồng tôi cũng không thua mấy ông” (cười lớn). Ông Việt Anh ổng nghe rồi cười hoài, ổng nói ngày xưa chồng bà Xuân đẹp trai lắm, hơn thằng Luân bây giờ nhiều, bởi đâu dễ gì lấy được cô đào chính của một đoàn kịch.

NSƯT Kim Xuân: Chồng tôi không biết ghen - 3

Với lịch diễn như vậy, thời gian đâu chị giữ ấm cho cái tổ của mình?

Phải nói, hiếm hoi lắm tôi mới có thời gian dành cho gia đình. Bây giờ Luân lớn rồi nên hiểu, chứ lúc nhỏ Luân buồn tôi nhiều lắm. Vì có khi tôi đi quay phim cả tháng hay nửa tháng trời.

Lúc Luân còn nhỏ, nhiều người nói với tôi, mẹ đi nhiều như vậy mà Luân không hư hỏng, hay thật. Tôi nói vì tôi không giàu, cũng không có điều kiện để ôm ấp, chiều chuộng nên từ bé Luân phải quen với việc mẹ vắng nhà, tự lo cho mình. Tôi đi xa nhưng giống như công an khu vực vậy đó, ngày nào cũng điện thoại hỏi han con. Đến cuối tuần nếu tôi quay ở gần như Long An, Long Hải, Long Xuyên... mà Luân không phải đi nhà trẻ thì chồng tôi lại chở con tà tà chạy ra thăm mẹ. Thấy thương hai cha con lắm, một tình cảm, một gia đình như vậy không gì có thể đánh đổi được.

Bây giờ có điều kiện hơn tôi cũng hay “lợi dụng” thời gian quay phim để cả gia đình đoàn tụ đi chơi. Như quay ở Đà Lạt thì lấy xe nhà rồi cả gia đình đi, có cả má tôi và các cháu. Thời gian tôi quay ít thì tôi tháp tùng mọi người đi chơi.

Tôi thấy chị khen con dâu rất nhiều, giữa chị và con dâu có bao giờ xảy ra những đụng chạm kiểu mẹ chồng - nàng dâu?

Chắc có lẽ vì là diễn viên, tôi được trao rất nhiều vai con dâu và cả vai mẹ chồng, thành ra tôi hiểu sâu mối quan hệ đó hơn những người khác, những người chỉ có một cuộc đời. Tất cả những trải nghiệm đó giúp tôi biết được cái gì là hợp lý và cái gì không hợp lý. Cho nên khi cưới vợ cho con trai, tôi tâm niệm phải để cho chúng được sống thoải mái. Vì người phụ nữ mới bước chân về nhà chồng thấy cái gì cũng mới, phải làm quen, phải sống cho vừa lòng mọi người.

Tôi không nề hà gì với Phương (vợ Luân). Ngày Phương sinh con, tôi cùng ba mẹ Phương túc trực ở bệnh viện từ sáng cho đến khi Phương sinh xong. Tôi nhìn thấy từng sợi lông tay lông chân của Phương dựng lên trong mỗi cơn đau, thấy Luân quỳ xuống chắp tay lạy trời lạy Phật cho mẹ tròn con vuông. Tôi thương Phương lắm và dặn mình sau này phải nói với Suri rằng không bao giờ được quên ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Tôi cũng nhủ mình sẽ bỏ qua cho Phương nếu con bé mắc phải lỗi gì đó, nhưng tôi chưa làm được vì Phương không mắc lỗi gì cả (cười).

Cuộc sống gia đình chị có xáo trộn nhiều từ ngày có con dâu mới?

Nhà tôi 3 người là 3 không gian riêng. Luân cố thủ ở lầu 2, 2 vợ chồng tôi ở lầu 1 nhưng người ở phòng khách thì người trong phòng ngủ, không ai đụng tới ai. Nhà tôi nuôi 4 con chó nhưng bước vô nhà thì thấy im ru, tĩnh lặng tới mức đôi khi tôi thấy thú vị tại sao ở giữa thành phố này lại có một nơi như vậy. Nhưng từ khi có con dâu, rồi cháu nội, mọi thứ bỗng nhiên xáo trộn, cả nhà lúc nào cũng bận tíu tít. Một sự xáo trộn của hạnh phúc như vậy hỏi ai có thể khó chịu.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

NSƯT Kim Xuân

Sinh năm 1956, bắt đầu sự nghiệp với những vai diễn ấn tượng trên sân khấu kịch. Kim Xuân từng đoạt 3 danh hiệu diễn viên phụ xuất sắc do Hội Điện ảnh (1992), tạp chí Điện ảnh (1993) và TFS (Hãng phim truyền hình TP.HCM-2001) trao tặng. Huy chương vàng Diễn viên sân khấu xuất sắc 1991, Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu mùa thu 1998, giải Mai vàng năm 1997.

Chị đã đóng những phim: Tấm Cám, Xương rồng đen, Người tìm vàng, Ngọn cỏ gió đùa, Cái chết của nhà tỉ phú, Sài Gòn xa xăm...

Những vở kịch Kim Xuân từng tham gia: Cõi tình, Đôi bông tai, Tiếng nổ lúc không giờ, Người cần được bảo vệ, Đời chỉ có một lần...

Theo Thùy Dung (Mốt & Cuộc Sống)
Nguồn:

Tin liên quan