Nghệ sĩ Công Lý cho biết chính anh là người đã đề xuất xây dựng hình tượng Bắc Đẩu đanh đá, chua ngoa.
Sự việc nhân vật Bắc Đẩu do nghệ sĩ Công Lý thủ vai trong chương trình Táo Quân bị cho là "miệt thị" cộng đồng LGBT đang nóng lên trong dư luận. Các Táo liên tục gọi Bắc Đẩu bằng các ngôn từ có phần chỉ trích như "trông như con cave già chuyển giới hỏng" hay "nam không ra nam nữ không ra nữ", "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa"... đã khiến cho nhiều người bức xúc.
Bắc Đẩu là nhân vật gây sự chú ý trong chương trình Táo Quân.
Từng nói về nhân vật Bắc Đẩu, nghệ sĩ Công Lý cho biết chính anh là người đã đề xuất xây dựng hình tượng Bắc Đẩu đanh đá, chua ngoa như vậy. Nam nghệ sĩ chia sẻ rằng Nam Tào và Bắc Đẩu là nhân vật dân gian, không có thật. Do vậy, Bắc Đẩu có tính cách, diện mạo như vậy hoàn toàn là ý tưởng cá nhân.
"Có người bảo Bắc Đẩu là nam giả nữ, tôi bảo không phải như vậy. Nói Bắc Đẩu đang được tạo hình là một nhân vật đanh đá thì đúng vì phải đanh đá như vậy thì mới khơi được những vấn đề xã hội trong năm", Công Lý nói.
"Vấn đề tạo hình nhân vật là do tính cách nhân vật - một nhân vật xỉa xói, chất vấn, thậm chí moi móc các vấn đề xã hội. Quan trọng là qua 15 năm, nhân vật Bắc Đẩu đã nhận được tình cảm của khán giả, đó là lý do ra đường nhiều người cứ gọi tôi là Bắc Đẩu, rồi cô Đẩu", anh nhấn mạnh.
Công Lý khẳng định rằng tính cách nhân vật Bắc Đẩu do chính anh chọn lựa.
Nhân vật Bắc Đẩu chọn cho mình giới tính và tính cách như vậy không hề sai, nhưng theo nhiều người nội dung của chương trình Táo Quân luôn nhắm tới giới tính của Bắc Đẩu để gây cười thì lại chưa đúng.
Nói về điều này, tác giả kịch bản của Táo Quân 2018 - Song Hà cho hay: "Dù không viết thoại cho phân đoạn của Bắc Đẩu nhưng tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đừng nên nghiêm trọng hóa. Bản chất Táo Quân là một vở hài kịch gây cười nên những chi tiết đó không phải để làm nặng nề vấn đề. Điều Táo Quân muốn hướng tới là những câu chuyện, vấn đề trong xã hội chứ không chỉ nhằm vào chế nhạo hay lôi những người LGBT ra làm trò cười. Nếu như cộng đồng LGBT cho rằng việc lôi hình ảnh Bắc Đẩu ra chế nhạo là xúc phạm họ thì những tác phẩm kinh điển như Chí Phèo của nhà văn Nam Cao mô tả Thị Nở xấu xí một cách thậm tệ lại là sự xúc phạm tới phụ nữ hay sao?".
Tác giả Song Hà - biên kịch Táo Quân 2018.
Trong khi đó, Hoa khôi chuyển giới 2016 La Lam bày tỏ bức xúc: "Là một khán giả luôn theo dõi các chương trình Táo quân vào mỗi dịp Tết đến xuân về bên gia đình, tôi rất yêu thích chương trình. Nhưng năm nay với nội dung đề miệt thị cộng đồng người chuyển giới, tôi cảm thấy thực sự thất vọng và không thoải mái để có thể thư giãn với một sản phẩm hài mang hạt sạn như vậy được".
La Lam, Hoa khôi chuyển giới 2016 lo ngại rằng chương trình sẽ ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ về giới tính.
"Các sản phẩm giải trí có ảnh hưởng đến giao tiếp và nhìn nhận của mọi người vì thế câu hỏi làm sao để làm ra sản phẩm giải trí mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống cần được phải trả lời nghiêm túc hơn"- người đẹp nhấn mạnh.
Nam ca sĩ Hoàng Bách ủng hộ thư ngỏ của cộng đồng LGBT.
Nam ca sĩ Hoàng Bách cũng lên tiếng về chuyện Táo Quân và hình ảnh Bắc Đẩu, anh ủng hộ cộng đồng LGBT lên tiếng về việc này. "Đồng ý với phản đối này của đại diện cộng đồng LGBT. Bất cứ ai, ngay cả mình, trong phạm vi bạn bè, gia đình cũng thỉnh thoảng trêu đùa nhau như vậy. Rất trân trọng cố gắng của ekip để giữ Táo Quân sau bao năm, nhưng mang lên sóng quốc gia, lại trong khuôn khổ một chương trình vào những giờ khắc quan trọng như Táo Quân, rất cần cẩn trọng và cân nhắc hơn về những vấn đề mà ngày xưa, có thể không ai để ý, nhưng sau nhiều năm, câu chuyện đã khác...".