"Trong xã hội Việt Nam, khi cực chẳng đã bị đẩy đến nước đường cùng người phụ nữ mới công khai chuyện tình ái với người khác giới. Để bảo vệ mình, cô ấy phải công khai "hợp đồng tình ái" với ông Mỹ chứng tỏ cô ấy đã không còn một con đường nào".
Qua 2 ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dư luận xã hội đang tiếp tục nóng lên bởi sự quan tâm đặc biệt với nhiều tình tiết xung quanh vụ án. Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ, cử nhân Tâm lý học Trương Xuân Thiên - người theo dõi vụ án mà anh cho là "đặc biệt kì khôi" hơn một năm qua.
Thưa anh, vụ án Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản 16,5 tỷ đồng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhận định của cá nhân anh thế nào?
- Tôi có theo dõi vụ án này từ hơn một năm nay. Có thể nói đây là một vụ án đặc biệt kì khôi, chưa có tiền lệ trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Nó đặc biệt bởi bị cáo là một Hoa hậu và bị đơn là một doanh nhân được gắn mác đại gia - người mà dư luận khẳng định là người tình của cô ta. Vì thế nó là tâm điểm của dư luận. Ngoài ra, đây là một vụ án rất phức tạp, với nhiều tình tiết khó đoán, các mối quan hệ tiền bạc, tình ái đan xen chằng chịt khiến toà án đã phải tạm dừng và chỉ được xét xử trở lại sau hơn một năm trời.
Theo dõi phiên toà và dư luận xã hội xung quanh vụ án, tôi cho rằng, đằng sau những chứng cứ hay lời khai được trưng ra trước toà còn rất nhiều uẩn khúc. Những uẩn khúc đó có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết. Và tôi cho rằng, ngay cả sau khi bản án được toà tuyên thì dư luận vẫn đầy hồ nghi và bàn tán. Câu hỏi: Đâu mới là bản chất sự việc, đâu mới là sự thật duy nhất? vẫn sẽ còn là vấn đề gây tranh cãi kịch liệt.
Nhà thơ Trương Xuân Thiên
Ông Cao Toàn Mỹ tố Hoa hậu Phương Nga lừa tiền còn cô ấy cho rằng giữa hai người có "hợp đồng tình ái", anh thấy ai mới là người đáng tin?
- Tôi nghĩ, chắc chắn tồn tại một thoả thuận tình ái ở đây. Đó là điều dường như ai cũng thấy rõ như ban ngày. Còn vấn đề lừa đảo hay không lại là câu chuyện khác. Việc xác định Phương Nga có tội hay không là thẩm quyền của chủ toạ phiên toà.
Tuy nhiên, "hợp đồng tình ái" rõ ràng là một sự biến thái của thời đại. Nói cho cùng đó là một hợp đồng mua bán tình dục, hay dễ hiểu hơn là mua dâm số lượng lớn. Pháp luật Việt Nam không công nhận mua bán dâm nên nó hoàn toàn vô hiệu trước toà.
Điều đáng nói ở đây là bên A, bán "tình ái" lại là một Hoa hậu, một người của showbiz, của truyền thông. Còn bên B, bên mua "tình ái" lại là một thương gia, một người đàn ông đang có gia đình vợ con đuề huề. Chuyện cặp bồ, ngoại tình công khai hoá, văn bản hoá như thế không một ai có thể chấp nhận. Nó hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống dân tộc, với luân thường đạo lí. Với chuẩn mực xã hội.
Tất nhiên, suy cho cùng, để phải lôi nhau ra toà như thế này cũng là "tại anh tại ả, tại cả đôi bên". Kẻ háo sắc, lừa dối vợ con. Người tham tiền đánh đổi danh dự và phẩm hạnh.
Phương Nga là một Hoa hậu, cô ấy là thiên sứ của cái đẹp. Đó là sự tôn vinh của cả cộng đồng. Vì thế lối sống thực dụng của cô ấy làm vấy bẩn vương miện mà người ta trao cho cô. Xưa nay, là Hoa hậu, chỉ cần một phát ngôn không đúng mực hay một dáng ngồi thiếu ý tứ đã tạo nên một làn sóng phản ứng chỉ trích dữ dội. Nói gì việc cô ta cặp bồ với người đã lập gia đình.
Còn về ông Mỹ, trẻ con cũng nhận ra ông ấy nói dối khi phủ nhận quan hệ bất chính với Phương Nga. Phủ nhận mối quan hệ ấy bị dư luận đánh giá là dám làm không dám chịu. Trong con mắt người đời, việc đại gia "đòi quà" người đẹp bị cho là tủn mủn, hèn hạ. Đưa người tình của mình vào vòng lao lý hẳn nhiên là "cạn tàu ráo máng", ngay cả khi họ đã chấm dứt quan hệ.
Vì thế, trong mối quan hệ "mèo mả gà đồng" này, dù sao Phương Nga, một người con gái đẹp vì chọn nhầm đại gia mà vướng vòng lao lí cũng tạo được sự cảm thông của dư luận. Trong con mắt nhiều người cô ấy đáng thương hơn đáng giận.
Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga mỉm cười trước khi hầu tòa
Hình ảnh Phương Nga trước tòa liên tục mỉm cười, sử dụng "quyền im lặng" trong khi ông Mỹ lúng túng, liên tục xin lỗi tòa gợi cho anh suy nghĩ gì?
- Tôi bị ám ảnh bởi nụ cười của Phương Nga trước toà. Đó như nụ cười đầy cam chịu, mỉa mai, chua chát. Trong ánh mắt cô ấy, có sự khinh bỉ người đàn ông một thời đã là người tình. Trong xã hội Việt Nam, khi cực chẳng đã bị đẩy đến nước đường cùng người phụ nữ mới công khai chuyện tình ái với người khác giới. Để bảo vệ mình, cô ấy phải công khai "hợp đồng tình ái" với ông Mỹ chứng tỏ cô ấy đã không còn một con đường nào.
Đối lập với Phương Nga, việc ông Mỹ lúng túng, lắp bắp, xin lỗi chứng tỏ ông ấy đang nói dối. Ông ta càng lên giọng, càng hùng hồn kết tội Phương Nga bao nhiêu dư luận càng thấy phản cảm.
Chưa biết bản án cuối cùng của vụ án ra sao nhưng cả bị cáo và bị đơn đều đánh mất tất cả. Ông Mỹ mất tiền, mất hình tượng người cha, người chồng đàng hoàng trong mắt người thân. Ông ấy cũng trở thành đề tài đàm tiếu của dư luận.
Còn Phương Nga, có thể cô ấy sẽ phải trả giá cho lối sống thực dụng của mình bằng những năm tháng cải tạo giam giữ. Thế nhưng, trong thâm tâm tôi vẫn mong cô ấy vô tội và bắt đầu làm lại cuộc đời. Người Việt, bao giờ cũng thế, họ chọn đứng về kẻ yếu, đứng về phe nước mắt... Chỉ cần Phương Nga rút ra bài học thành thật, dư luận và người thân luôn rộng lượng...
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!