Vợ chồng sống với nhau khó tránh khỏi những lúc cãi vã, nhưng nếu nhớ 5 nguyên tắc này thì sau mỗi lần cãi nhau tình cảm giữa hai người sẽ ngày càng tốt đẹp.
Trong đời sống hôn nhân, vợ và chồng cãi nhau là điều không thể nào tránh khỏi, không phải lúc nào cũng êm đềm trong vui vẻ được. Khi tức giận, chúng ta dễ thốt ra những lời nói, hành động xúc phạm và làm đối phương bị tổn thương, hậu quả là sau đó rất khó để hàn gắn lại tình cảm vợ chồng.
Tuy nhiên, nếu nắm chắc 5 nguyên tắc này thì dù vợ chồng có cãi nhau thì việc đó cũng chỉ là “gia vị” của tình yêu, giúp hai người thêm hiểu nhau, cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn.
1. Nếu cãi nhau vì những chuyện vặt vãnh, bạn phải học cách mỉm cười
Đôi bên không thể tránh khỏi bất đồng trong những vấn đề nhỏ nhặt, nhưng làm tổn thương nhau chỉ vì một vài điều nhỏ nhặt như vậy thật không đáng chút nào. Vì vậy, nếu một ngày bạn cãi nhau với nửa kia chỉ vì những điều nhỏ nhặt, thì khi bạn cảm thấy cơn giận của mình gần như biến mất, bạn hãy làm lành với đối phương nhanh nhất có thể.
Hãy dùng nụ cười của mình để “hạ đo ván” đối phương. Mỉm cười là cách thể hiện thiện chí tốt nhất trong lúc này và chắc rằng nửa kia sẽ không thể tiếp tục giận dỗi, tức bạn vì chuyện nhỏ mới xảy ra đâu.
Nếu cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt không đáng có, khi cảm xúc bình tĩnh lại thì bạn nên mỉm cười làm lành với đối phương. (Ảnh minh họa)
2. Hãy bình tĩnh ngồi lại và thảo luận
Không ai là hoàn hảo cả nên trong cuộc sống hôn nhân, có lúc chúng ta sẽ phạm phải một số sai lầm. Khi cảm thấy lỗi lầm của đối phương là không thể bỏ qua và cần phải sửa chữa thì bạn nên kiểm soát cảm xúc của mình, chờ khi nào nguôi ngoai rồi thẳng thắn trao đổi chuyện này với nửa kia.
Đừng trốn tránh vấn đề vì sợ tranh cãi hay vì lý do nào khác, bởi nếu khúc mắc không được giải quyết triệt để từ sớm thì nó sẽ dần dần bào mòn tình cảm giữa hai vợ chồng, khiến hôn nhân rạn nứt. Vì vậy, thay vì im lặng sau khi cãi nhau, để vấn đề bị bỏ ngỏ thì bạn nên đợi cho cả hai bình tĩnh lại, cùng nhau ngồi nói chuyện, phân tích vấn đề cho nửa kia hiểu, từ đó tìm ra tiếng nói chung.
3. Tìm người trung gian và làm cầu nối để giảm bớt xung đột
Cho dù vợ hay chồng thì đều có cái tôi của mình. Mỗi lần cãi nhau mà không ai chịu “xuống nước” trước, không chịu bỏ cái tôi của mình đi thì chắc chắn chiến tranh lạnh sẽ xảy ra khiến cuộc sống gia đình nặng nề và ngột ngạt.
Nếu cả hai vợ chồng đều không muốn cúi đầu trước đối phương, nhưng không muốn chiến tranh lạnh kéo dài thì tốt hơn hết bạn nên nhờ bên thứ 3 đứng ra hòa giải. Đây là một giải pháp rất đơn giản, nhưng nó có thể giải quyết hiệu quả vấn đề mà hai vợ chồng đang gặp phải, giúp hai người nhìn nhận rõ vấn đề hơn.
Khi vợ chồng chiến tranh lạnh, bạn có thể nhờ người thứ 3 đứng ra hòa giải. (Ảnh minh họa)
4. Dùng một số hành động nhỏ để giải quyết vấn đề
Đôi khi, chúng ta cảm thấy thật khó khăn để nói ra hai từ “xin lỗi”. Nếu vậy, bạn có thể thử dùng một số hành động nhỏ để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như chủ động làm giúp phần việc của nửa kia, mua một món quà nho nhỏ,…
Những hành động nhỏ đó sẽ thay bạn nói với đối phương rằng, bạn quan tâm đến nửa kia nhiều như thế nào, cả hai hãy làm lành với nhau đi. Dù không nói bằng lời nhưng những hành động đó có sức ảnh hưởng lớn lắm đấy nhé.
5. Tuyệt đối không đe dọa nhau bằng ly hôn
Trong lúc kích động, chúng ta khó tránh sẽ nói ra những lời khó nghe, đưa ra sự lựa chọn sai lầm khiến bản thân hối hận cả đời. “Ly hôn” là hai từ nhạy cảm nhất, rất nguy hiểm nếu bạn bất cẩn nói ra 2 từ này. Nó sẽ phá vỡ mối dây liên kết tình cảm giữa vợ chồng đấy.
Thậm chí, nếu thường xuyên nói ra, một ngày nào đấy đối phương sẽ cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân này rồi thì họ sẽ thực sự nghĩ tới lời đề nghị của bạn đó. Lúc đấy bạn có hối hận cũng không kịp đâu.