Các cao ốc này được đánh giá dựa vào những tiêu chí như thiết kế hướng tới tương lai, công nghệ xây dựng tiên tiến, gắn liền với sự phát triển đô thị và sử dụng chi phí hiệu quả.
Trang Archdaily đưa ra danh sách 5 công trình lọt vào vòng chung kết giải Cao ốc quốc tế 2014 (IHA). Đứng sau các công trình này là các kiến trúc sư Rem Koolhaas, Steven Holl, Jean Nouvel và Stefano Boeri. Phần thường dành cho công trình chiến thắng là 50.000 euro.
Deutsches Architekturmuseum (DAM) và DekaBank, đơn vị tổ chức giải thưởng, sẽ công bố công trình giành chiến thắng vào tháng 11 tới. Các cao ốc này được đánh giá dựa những tiêu chí như thiết kế hướng tới tương lai, công nghệ xây dựng tiên tiến, gắn liền với sự phát triển đô thị và sử dụng chi phí hiệu quả.
“Kiến trúc sư giỏi là người luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro và mong muốn thử những thứ mới mẻ. Các công trình lọt vào vòng chung kết đều được tạo ra theo cách này, sẽ không thể có sự cải tiến nếu không thử nghiệm”, Christoph Ingenhoven, chủ tịch hội đồng giám khảo nhận xét.
1. Bosco Verticale, Milan, Italy
Đơn vị thiết kế: Boeri Studio
Theo ban giám khảo cuộc thi, tòa nhà “rừng” này là ví dụ ấn tượng về sự kết hợp giữa kiến trúc và thiên nhiên. Cao ốc phủ cây xanh này được thiết kế theo hình chữ nhật đơn giản với các tầng có chiều cao khác nhau.
Tất cả 400 căn hộ này đều có mái hiên hoặc ban công nhiều cây xanh. Bao phủ tòa nhà là hàng trăm cây xanh, hòa cùng hàng nghìn bụi cây và dây leo.
2. De Rotterdam, Rotterdam, Hà Lan
Đơn vị thiết kế: OMA
De Rotterdam (tại Rotterdam, Hà Lan) lấy ý tưởng về một “thành phố thẳng đứng” với các khối xếp chồng lên nhau. Khu tổ hợp cao 151,3m này gồm 3 tòa tháp sừng sững như những khối núi nằm bên Wilhelminapier, một cảng cũ của Rotterdam.
Tòa nhà tận dụng không gian một cách hiệu quả, đem lại vẻ đẹp gây ấn tượng với ban giám khảo.
3. One Central Park, Sydney, Australia
Đơn vị thiết kế: Ateliers Jean Nouvel
Tòa nhà One Central Park là kết hợp hài hòa giữa sự cải tiến, bền vững và sử dụng chi phí hiệu quả. Dự án này gồm 2 tòa tháp đứng theo hình thang, cao lần lượt 116m và 65m. Hai tòa tháp được nối với nhau bởi một cây cầu.
Thiết kế này giúp tòa nhà tận dụng được bóng râm và ánh sáng mặt trời tự nhiên. Ngoài ra, tòa nhà được bao phủ bởi màu xanh của cây.
4. Khách sạn Renaissance Barcelona Fira, Barcelona, Tây Ban Nha
Đơn vị thiết kế: Ateliers Jean Nouvel
Tòa tháp này gồm hai khối song song với nhau, là địa bàn của khách sạn Renaissance Barcelona Fira và L’Hospitalet de Llobregat (Barcelona, Tây Ban Nha). Tòa nhà không có cửa sổ với thiết kế thông thường mà thay vào đó là những khoảng mở với hình dáng không theo quy luật giống như lá cọ. Hình dáng của các khối mở này lặp lại, đối xứng nhau, giúp điều chỉnh bóng râm theo góc ánh sáng.
Tòa nhà có khoảng trống ở giữa cùng thiết kế phủ xanh, giúp tận dụng được nguồn không khí thiên nhiên. Đây chính là điều khiến tòa nhà gây ấn tượng với ban giám khảo.
5. Sliced Porosity Block, Chengdu, Trung Quốc
Đơn vị thiết kế: Steven Holl Architects (New York)
Theo giới chuyên gia, tòa nhà Sliced Porosity Block (Chengdu, Trung Quốc) đã thiết lập những tiêu chuẩn mới về quy hoạch đô thị, văn hóa, xã hội. Ở chính giữa khu tổ hợp chung cư, văn phòng này là quảng trường lớn có tên Raffles City, đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho các khu vực xung quanh vào buổi tối, với hiệu ứng của đèn trên bề mặt tòa nhà.
Tòa nhà có không gian công cộng, thể hiện sự nhạy cảm với căn hóa địa phương, yếu tố thường bị bỏ qua trong xây dựng tại Trung Quốc.