Đến nay, nhà Trăm Cột đã trải qua 124 năm với bao thăng trầm lịch sử, thời gian, mưa nắng song vẫn vững chãi. Đặc biệt, các họa tiết trang trí trong nhà vẫn giữ nguyên giá trị xưa cũ. Vì thế ngôi nhà ngày càng được khách du lịch tìm đến tận nơi “mục sở thị”.
Ghé Long Hựu Đông (Cần Đước, Long An) hỏi thăm nhà Trăm Cột – di tích lịch sử cấp Quốc gia ai cũng hay biết. Thậm chí từ già đến nhỏ có thể kể vanh vách những câu chuyện xung quanh ngôi nhà cổ này. “Đây là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng theo lối nhà Rường độc đáo của xứ Huế. Hiện nơi đó là điểm du lịch trọng yếu của địa phương, thu hút hàng triệu khách ghé tới mỗi năm. Chúng tôi rất tự hào khi quê hương có một di tích lịch sử như vậy”, thím Hải (56 tuổi) – người dân ấp Cầu Ngang – nơi tọa lạc ngôi nhà cổ cho hay.
Đây là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng theo lối nhà Rường độc đáo của xứ Huế.
Nhà cổ Trăm Cột có diện tích 882m2, nằm trong khuôn viên rộng 4.4044m2. Và chủ nhân của nó là ông Trần Văn Hoa, tuổi còn trẻ đã là ông Hội đồng quận Cần Đước thuộc tỉnh Gia Định thời Pháp thuộc.
“Ông nội tôi chính là người xây dựng ngôi nhà này vào năm 1898 – đời vua Thành Thái. Ông nội tôi là người tài giỏi, đảm trách chức vụ Hội đồng quận Cần Đước khi vừa 22 tuổi”, ông Trần Văn Ngộ - chủ nhân đời thứ 3 của ngôi nhà cổ cho hay.
Giải thích về lý do của cái tên nhà Trăm Cột, ông Ngộ kể rằng ngôi nhà vốn được xây dựng với nhiều gỗ quý, gồm 68 cột chính và 52 cột vuông nhỏ phụ trợ ở hàng 5, tổng cộng là 120 cột. Người dân quyết định gọi bằng cái tên Trăm Cột cho thân mật, chứ không phải vì ngôi nhà có đúng 100 cột.
Ngôi nhà vốn được xây dựng với nhiều gỗ quý, gồm 68 cột chính và 52 cột vuông nhỏ phụ trợ ở hàng 5, tổng cộng là 120 cột.
Người dân quyết định gọi bằng cái tên Trăm Cột, chứ không phải vì ngôi nhà có đúng 100 cột.
Về kiến trúc của ngôi nhà cổ, ông Ngộ cho hay: “Nhiều nhà nghiên cứu đã đến đây và nhận định nhà có kiểu thức thời Huế và mang dấu ấn rõ rệt của phong cách cung đình Huế. Hồi nhỏ, tôi cũng từng nghe cha tôi từng kể ngày đó ông nội đã thuê 15 nghệ nhân ở một ngôi làng chuyên chạm khắc mộc từ Huế vào để cất dựng ngôi nhà. Hai năm đầu tiên, thợ thuyền dựng nền móng và dành riêng 3 năm để chạm trổ và trang trí”.
Nhà Trăm Cột được xây dựng bằng các loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai… Sau đó lợp bằng ngói ấm dương theo kiểu truyền thống của người Việt. Nền nhà được lát bằng đá tảng cao với mặt nền lát gạch Tàu lục giác.
Nhà Trăm Cột được xây dựng bằng các loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai...
“Nhà tôi được chia thành 2 phần: trước để tiếp khách, sau để ở và sinh hoạt. Vì thế gian thờ tự và tiếp khách là nơi tập trung nhiều giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật nhất. Điển hình như các vách ngăn, bàn thờ, bàn tròn, bàn dài hay đồ đạc trong nhà đều được chú ý với từng nét chạm trổ độc đáo”, chủ nhân ngôi nhà cho biết.
Qua quan sát, ngôi nhà Trăm Cột mang phong cách tả thực khéo léo, tỉ mỉ và gò bó trong khuôn khổ cổ điển kết hợp với sự phóng khoáng, nhỏ nhã… Chính điều này đã tạo nên nét riêng biệt cho ngôi nhà. “Ngôi nhà của gia đình tôi được xây dựng trong bối cảnh Nam Bộ thời thuộc Pháp nhưng lại mang cảm hứng của xứ Huế. Vì thế nó có nét tiểu dị trong trang trí, thành thử ra mang nét độc đáo, thể hiện thời điểm giao thời của lịch sử.
Qua quan sát, ngôi nhà Trăm Cột mang phong cách tả thực khéo léo, tỉ mỉ và gò bó trong khuôn khổ cổ điển kết hợp với sự phóng khoáng, nhỏ nhã…
Nhiều khách du lịch am hiểu về kiến trúc, nghệ thuật ghé đến đây cũng thường thắc mắc như vậy? Họ hỏi tôi tại sao trong nhà có nhiều nét dị dị, không hẳn là nhà Rường Huế. Tôi đành giải thích cho họ hiểu vấn đề”, ông Ngộ nói.
Đến nay, nhà Trăm Cột đã trải qua 124 năm với bao thăng trầm lịch sử, thời gian, mưa nắng song vẫn vững chãi. Đặc biệt, các hoạ tiết trang trí trong nhà vẫn giữ nguyên giá trị xưa cũ. Vì thế ngôi nhà ngày càng được khách du lịch tìm đến tham quan và “mục sở thị”.
“Có lẽ xưa, ông nội tôi không bao giờ ngờ có ngày ngôi nhà do ông xây dựng trở thành điểm du lịch, đón tiếp bao vị khách đến tham qua như thế này. Đây chính là một công trình kiến trúc mà ông nội tôi dành cho con cho cháu và dành cho tất cả. Gia đình tôi vinh hạnh vì điều đó”, ông Ngộ bộc bạch.