Đồ gốm sứ để trưng hoặc sử dụng lâu ngày thường bám các vết bẩn nhìn không đẹp. Dưới đây là một cách dễ dàng làm sạch lại đồ gốm, sứ cũ.
Thông thường, các sản phẩm bằng gốm sứ sau thời gian dài sử dụng sẽ bị cáu bẩn, xuất hiện các mảng bị ố vàng trên bề mặt cũng như bên trong sản phẩm. Có nhiều người vẫn dùng nước ấm để xử lý sản phẩm khi xảy ra vấn đề này. Hiệu quả có cao hay không thì vẫn còn tùy nhận xét từng người. Nhà đẹp sẽ hướng dẫn các bạn thêm một vài cách khác để tẩy rửa sản phẩm gốm sứ khi gặp phải các vấn đề trên bằng một cách rất đơn giản và nhanh chóng.
Dụng cụ cần thiết:
- Bàn chảy đánh răng cũ
- Giẻ rửa bát loại mềm
- Chất tẩy rửa (có thể là nước rửa chén, xà phòng,...), kem đánh răng, men bột mỳ, dấm, chanh tươi...
- Nước ấm
Đồ dùng bằng gốm sứ rất được người Việt Nam yêu thích, tuy nhiên, chúng rất dễ bị xỉn màu trong quá trình sử dụng.
Làm mới đồ sứ xỉn màu
- Sử dụng men bột mỳ: Với cốc uống nước, bình, lọ, lấy men bột mỳ dùng làm bánh mì pha với nước, lau qua một lần lên bề mặt. Một lúc sau dùng giẻ mềm lau lại. Đồ dùng sẽ sáng bóng trong nhiều tuần lễ.
- Sử dụng hỗn hợp vỏ trứng, chanh và giấm: Nếu bạn muốn tìm lại sự sáng trong như ban đầu thì cách tốt nhất là nên dùng vỏ trứng, chanh và giấm bằng cách vò nát khoảng 6 vỏ trứng vào đồ dùng cần làm sạch sau đó vắt hai quả chanh hoặc một nửa cốc giấm. Ngâm qua một đêm đủ thời gian để cho vỏ trứng tan trong nước chanh hoặc giấm, rửa đồ dùng bằng nước nóng và úp khô.
Có rất nhiều phương pháp làm mới đồ dùng bằng gốm sứ dễ dàng và hiệu quả lâu dài.
- Sử dụng kem đánh răng: Đầu tiên, nhúng sản phẩm gốm sứ các bạn muốn làm sạch vào thau nước ấm và ngâm khoảng 5 phút. Sau khi ngâm, dùng bàn chải với kem đánh răng chà đều bề mặt sản phẩm. Cuối cùng rửa lại sản phẩm bằng nước sạch. Với phương pháp này, gốm sứ sẽ giữ được độ sáng bóng, đồng thời các vệt ố vàng trên sản phẩm cũng sẽ biến mất, trả lại cho bạn những sản phẩm như mới ra khỏi cửa hàng.
Làm sạch vết cáu bẩn
- Sử dụng giấm và muối: Với vết ố trên bình sứ, bạn lấy một ít dấm và một ít muối trộn với nhau, sau đó dùng khăn và cọ. Sau 5 phút, bình trà sẽ sạch ngay những vết ố.
- Sử dụng nước cốt chanh: Vì rất khó có thể cọ rửa được bên trong nên phải mất công một chút: pha nửa ly nước cốt chanh đổ vào bình trà, sau đó rót nước sôi cho đầy bình rồi ngâm để qua đêm, đến sáng hôm sau súc lại, bình trà sẽ sạch boong.
Các nguyên liệu gần gũi hàng ngày như chanh, giấm, bột mỳ, muối hột... có tác dụng tẩy rửa hoàn hảo đối với đồ gốm sứ và rất thân thiện với con người.
- Sử dụng cát hoặc muối hột: Cho một ít cát hoặc muối hột vào bình dơ. Đổ đầy dung dịch nước có pha nước rửa chén hoặc chế một chút dấm cũng được và lắc đều. Để cách đêm, sau đó súc sạch.
- Sử dụng nước oxy già và amoniac: Với những vết bẩn cứng đầu hơn cần được rửa sạch bằng cách đổ vào trong chậu 3/4 nước, 1/4 nước oxy già và một vài giọt amoniac. Trước tiên cần làm ẩm vết bẩn bằng vòi nước sau đó lấy khăn thấm hỗn hợp chất trong chậu quét lên bề mặt vết bẩn. Cho vật dụng vào trong một túi nhựa buộc kín miệng, sau nhiều giờ nếu vết bẩn vẫn chưa hết bạn hãy làm lại thao tác từ đầu.
Khôi phục đồ sứ bị xước
- Sử dụng muối và giấm: Đối với các vết bẩn ở đồ sứ thông thường là do bị xước, lâu ngày bám bụi thành vết bẩn trông không đẹp. Bạn lấy muối và giấm hòa theo tỉ lệ 1:1 rồi đem đun nóng cho tan hết muối. Dùng khăn ẩm phủ lên vết bẩn một lúc rồi lấy khăn hơi ráp thấm nước giấm chùi mạnh, vết bẩn sẽ hết.
Đồ gốm sứ rất dễ bị sứt mẻ nên trong quá trình sử dụng cần chú ý tránh va chạm mạnh hoặc chồng, đặt chèn lên nhau.
- Sử dụng xà phòng giặt: Với đồ sứ nhám, bạn hòa xà bông với nước, thả đồ sứ vào và dùng bàn chải mềm để chà vết bẩn.
Để chữa một vết nứt hoặc vết mẻ trên đồ gốm, trước tiên cần phải rửa vật dụng (thật cẩn thận và nhẹ tay) bằng nước rửa (tính chất tẩy rửa nhẹ), sau đó làm khô bằng máy sấy tóc. Nếu là đồ gốm dày, rạch thêm một chút vết nứt sau đó dán chúng lại bằng êpoxit, tiếp theo lau khô bằng một chiếc khăn tẩm cồn. Cột chặt vết rạn nứt bằng dây ít nhất 24 giờ.
Cách tốt nhất để bảo quản và vệ sinh đồ gốm sứ bền lâu là tránh xa các thiết bị nhiệt lớn như máy rửa bát và chất tẩy rửa cực mạnh như nước Javel.
Lưu ý:
- Tuyệt đối không nên sử dụng máy rửa chén bát để rửa những đồ dùng bằng gốm, sành, sứ có hoa văn trang trí dễ bị phai.
- Không nên sử dụng vải có thấm nước Javel để rửa sạch đồ dùng hoặc đồ vật trang trí bằng gốm sứ hiện đại, chúng sẽ bị xước dài.
Chúc các bạn thành công với phương pháp này và cùng chia sẽ thêm nhiều mẹo hay khác nhé!
Xem thêm mẹo gia đình hữu ích tại Nhà đẹp!