Ngôi nhà gỗ ở đảo Hòn Sơn (Kiên Giang) của đạo diễn Nguyễn Đức Tú nằm trên đường lên đỉnh núi Ma Thiên Lãnh khiến nhiều người phải thích thú với không gian trong xanh của mây trời, của đại ngàn và biển khơi.
Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang được coi là một trong những hòn đảo tuyệt đẹp, một hòn ngọc lấp lánh sắc màu, chưa có dấu vết của sự khai phá.
Nhìn thấy được vẻ đẹp hoang sơ, bình dị của hòn đảo này, đạo diễn Nguyễn Đức Tú – vị đạo diễn nổi tiếng trong lĩnh vực quảng cáo đã quyết định bỏ phố thị về nơi đây hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống bình dị, ấm áp, hít hà vị của rừng xanh, vị của biển trong ngôi nhà gỗ trên vách núi cheo leo.
Ngôi nhà gỗ thơ mộng, chan hòa thiên nhiên trên đảo Hòn Sơn của đạo diễn Nguyễn Đức Tú.
Chia sẻ về ngôi nhà gỗ của mình, đạo diễn Nguyễn Đức Tú cho biết, anh thích nơi đây bởi đó là một thiên đường của trẻ thơ, nơi chúng được kết nối lại với thiên nhiên và trở thành những người tự tin, mạnh mẽ trong tương lai.
Nhiều năm về trước, anh đã có ý tưởng rời xa nhịp sống thành thị và dự định mua đất ở nhiều nơi khác nhau trên khắp cả nước. Thế nhưng vì nhiều lý do mà ý tưởng đó của anh dang dở cho tới khi tìm được mảnh đất ở đảo Hòn Sơn. Vậy là từ đó anh bắt tay vào hoàn thiện dự định mà nhiều người cho rằng “điên rồ”.
Anh tự mình thiết kế và tiến hành xây cất ngôi nhà với sự hỗ trợ của 2 người thợ.
Khi thiết kế, anh luôn đặt vấn đề tôn trọng thiên nhiên lên hàng đầu. Chính bởi vậy, anh mất thời gian khá lâu để nghiên cứu mảnh đất với những phương án vật liệu phù hợp và thời gian thiết kế ngôi nhà. Đối với anh, yếu tố thẩm mỹ luôn được cân nhắc cuối cùng.
“Cây cối phần lớn mình mua của người dân ở đó, chỉ có những thứ không thể dùng bằng vật liệu tự nhiên như mái tôn, kính, bồn cầu, tủ lạnh, ... mình mới vác lên.
Về thiết kế ở địa hình núi, mình phải ngắm nghía mọi chỗ xem hướng nắng sáng, nắng chiều, nước chảy qua nơi định dựng nhà như thế nào và quan sát côn trừng, mối muỗi. Chính vì thế, nếu lấy view đẹp sẽ có rất nhiều chỗ ở mảnh đất mình mua dựng được nhà nhưng vị trí xây nhà hiện nay mình đã cân nhắc hợp lý hết các yếu tố, cộng với tính an toàn khi gió bão.
Thực thế chứng minh, căn nhà đầu tiên mình xây nép sau 2 tàng cây lớn, dọc theo trục gió thổi mạnh nhất đã chắn bớt sức gió bão rất nhiều”, anh Tú chia sẻ.
Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng, ngôi nhà được hoàn thiện trong vòng 1 năm.
Được biết, 2 ngôi nhà gỗ của anh nằm trên đường lên đỉnh núi Ma Thiên Lãnh, cao hơn 250 mét so với mặt nước biển. Vì ở trong rừng sâu nên anh phải tận dụng tất cả mọi thứ. Trong quá trình xây cất, anh phải nhờ một người thợ mộc già và một người thợ đóng ghe ở đó làm cùng mình. Và sau 1 năm, anh mới hoàn thiện được 2 ngôi nhà gỗ với đầy đủ nội thất.
Anh bảo, nhờ có 2 người thợ đó, anh học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm như đục lỗ mộng phải đục từ cả 2 mặt gỗ qua lại hay học cách ghép 2 miếng ván khít lại với nhau chỉ bằng vài cái đinh bấm đứt đầu tù đi, rồi anh hiểu hơn về các loại gỗ khác nhau phải bào, cưa, đục đẽo như thế nào. Và nhờ sự kĩ lưỡng, chỉn chu với từng chi tiết đóng lên căn nhà mà 2 ngôi nhà của anh được khen ngợi.
Đặc biệt, nhờ dành thời gian tìm hiểu mảnh đất, loại đá, kết cấu địa tầng, cây cỏ để mà đưa ra phương án xây dựng phù hợp nhất mà anh hạn chế tối đa bê tông hoá, cưa chặt cây, làm ảnh hưởng nguồn nước. Thậm chí, nhờ tìm hiểu đặc điểm của cây rừng mà ngôi nhà của anh vẫn đứng vững trước gió bão.
Nhờ tìm hiểu mà ngôi nhà của anh vẫn trụ vững trước gió bão.
Chia sẻ thêm, anh Tú cho biết, mặc dù ở giữa rừng có nhiều rắn, trăn, rết, nhện nhưng rất may những con rắn ở đây không độc. Ngoài ra, trên đảo có trạm xá có thể sơ cứu, khâu vết thương, thở oxy hay có phòng quân y của bộ đội biên phòng nên có thể kịp thời ứng biến trong những trường hợp khẩn cấp.
Anh Tú tâm sự, mục đích chính khi lên rừng của anh chính là để tìm ra một cách giáo dục trẻ hiệu quả hơn. Mặc dù, kết quả (hoặc hậu quả) đối với công việc giáo dục trẻ, không ai có thể đo lường hay đánh giá một cách hiệu quả được.
Những điều trẻ con học được sẽ tạo ra nhân cách của chúng sau này và thành "một con người" hay "một robot mắt xích của hệ thống" và điều đó phần lớn là do sự giáo dục mà chúng nhận được.
Để giáo dục các con tốt, anh đã cho các con có những trải nghiệm tuyệt vời trong những ngày ở đảo với bố. Và sau một tuần, các con anh đã quen dần với nhịp sống ít tiện nghi, trở nên thích thú với bùn đất, cây cỏ, vẽ vời, trăng sao. Không những vậy, khả năng quan sát tự nhiên một cách tinh tế của các bé được phát triển hơn.
Ngôi nhà ở đảo cũng là nơi để con trai anh trải nghiệm, học hỏi sự vật, sự việc.
“Bé Dưa có 9 ngày hè cuối cùng trải nghiệm cũng thay đổi từng ngày. Ngày đầu tiên, bé rất hào hứng nhưng cái gì cũng sợ, con gì cũng sợ. Đến ngày 2, bé đã than chán vì có lẽ nhịp sống cũ vẫn còn vương vất. Sau khi sự hào hứng với những điều mới mẻ qua đi, bé ngồi xếp lego ra những hình tầm thường.
Ngày 3, bé bắt đầu lấy việc vẽ để giải khuây nhưng ngày thứ 4 đã bắt đầu quan sát thiên nhiên, sử dụng ống nhòm để quan sát tàu bè, quan sát bố làm việc và đi lại trong khu đất thoải mái hơn. Sau đó là một chuỗi ngày của sự tự tin khám phá, quan sát và học hỏi việc xây nhà, băn khoăn về bản chất của các sự vật, sự việc.
Giờ con đã có thể đi xuống từ viên đá trơn dốc bằng mông khá thiện nghệ, leo bậc đá cao cũng rất giỏi. Con cũng đỡ sợ các con vật trong tự nhiên, bắt đầu sưu tầm bướm, bắt đầu ăn rau, uống latte, thử các món ăn mới khá hào hứng.
Mình thấy tư duy logic, hình học của con tốt, trí tưởng tượng về mỹ thuật kể chuyện sáng tạo, đùa hóm cũng tốt hơn. Và ngôi nhà đảo đã trở thành 1 niềm cảm hứng nho nhỏ đối với con”, anh Tú cho biết.
Đây cũng là cách để anh giúp con có một tuổi thơ tuyệt đẹp và giáo dục con.
Đối với anh, ngôi nhà gỗ trên vách đá cheo leo, giữa đại ngàn xanh thẳm, xa xa là biển trời mênh mông không chỉ là nơi để các con được trải nghiệm, là nơi để anh tìm cách giáo dục con hiệu quả, là nơi mang lại một tuổi thơ tuyệt đẹp cho các con mà còn là nơi để anh bình tâm, thỏa sức sáng tạo, tìm hiểu bên trong con người mình.
“Theo mình để sáng tạo được thì phải bình tâm, mà muốn làm gì tới nơi tới chốn cũng cần có một cái tâm thật tĩnh. Thị thành thì lại không phải một nơi tốt để có thể tĩnh. Và một ngôi nhà tạo ra cảm giác bình yên, hoà vào thiên nhiên, yên tĩnh là một nơi tốt để tìm hiểu bên trong của mình”, anh Tú tâm sự.
Anh hạn chế tối đa nhất việc tác động vào thiên nhiên khi xây cất ngôi nhà.
Cây cối làm nhà anh mua của người dân ở đảo, còn những gì không thể dùng bằng vật liệu tự nhiên anh mới mang vác lên để xây dựng.
Không gian thơ mộng bên trong ngôi nhà.
Nơi đây giúp anh bình tâm, tìm hiểu con người bên trong bản thân mình.