Vì lá xanh quanh năm, hoa có màu đỏ rực nên hoa son môi rất phù hợp với những người mệnh Mộc và mệnh Hỏa.
Trầu bà được mệnh danh là cây “bất tử” vì cành chạm đất sẽ bén rễ, có thể trồng trong đất cũng như trong nước. Đặc biệt, cây không cần tốn nhiều công chăm sóc vẫn có thể phát triển tốt. Tuy nhiên, cây chỉ có lá khiến nhiều người cảm thấy đơn điệu. Vì vậy, nhiều người muốn tìm một loại cây cảnh dễ trồng nhưng đẹp hơn trầu bà. Nếu vậy, bạn có thể tham khảo cây cảnh son môi.
Loại cây này còn có tên gọi khác là lan son môi, tên tiếng Anh là Lipstick Chlorophytum, tên khoa học là Aeschynanthus lobbiana, có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới Đông Nam Á. Đây là cây dây leo, có thể dài tới 1m, mọc rủ xuống nên rất thích hợp trồng trong các chậu treo để trang trí ở ban công, hiên nhà. Khi đó, nó sẽ tạo thành một bức rèm hoa đung đưa trong gió rất đẹp mắt.
Lá cây có màu xanh ngọc trông tràn đầy sức sống. Hoa son môi nở quanh năm không kể ngày tháng. Hoa có hình dáng đặc biệt, trông giống như thỏi son nên mới có cái tên là hoa son môi.
Tùy thuộc vào giống, màu sắc của hoa có thể từ đỏ tía đến vàng hoặc cam, nhưng màu đỏ tươi là phổ biến nhất. Không chỉ đẹp, mùi hương của loài hoa này còn khá nồng nàn.
Không chỉ có giá trị làm cảnh cao, cây son môi còn có khả năng hấp thụ các chất gây ô nhiễm trong không khí như formaldehyde, benzen và xylene. Điều này giúp cải thiện chất lượng không khí, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe con người.
Trong phong thủy, hoa son môi tượng trưng cho tấm lòng son sắt, thủy chung trong tình yêu và tình bạn. Không những vậy, loài cây cảnh này còn tượng trưng cho sự may mắn và vĩnh cửu, trường tồn, trồng trong nhà sẽ giúp gia đình bình yên, sung túc cho gia đình. Vì lá xanh quanh năm, hoa có màu đỏ rực nên hoa son môi rất phù hợp với những người mệnh Mộc và mệnh Hỏa.
Cách trồng và chăm sóc cây son môi
Cách nhân giống phổ biến nhất với cây son môi là giâm cành. Hãy tìm cây son môi khỏe mạnh, dùng kéo cắt tỉa những cành dài khoảng 15cm, vặt bỏ bớt lá và chỉ giữ lại khoảng 2-4 lá. Nhúng đầu cắt vào dung dịch kích thích ra rễ rồi cắm cành vào đất là được.
Giữ đất ẩm nhẹ, khoảng 2 tuần sau cành giâm sẽ ra rễ. Khi cành giâm đã bén rễ, hãy đem trồng trong chậu có kích thường phù hợp.
Mặc dù dễ chăm sóc nhưng muốn cây son môi đẹp và nở hoa nhiều thì bạn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng:
Cây son môi thích đất màu mỡ, khả năng thoát nước tốt, nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng tích tụ nước. Bạn có thể trồng trong đất hơi chua, đất pha cát để trồng cây son môi.
Loại đất này giúp cành dễ bén rễ hơn, cây cũng sẽ phát triển tốt, giúp chúng nở những bông hoa đẹp hơn.
- Ánh sáng:
Cây son môi là cây ưa sáng, nếu thiếu ánh sáng rất dễ khiến cành dài và mảnh, lá nhỏ, ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể.
Tuy nhiên, ánh sáng không nên quá mạnh. Nếu ánh sáng quá mạnh, màu sắc của lá cây sẽ dễ bị đậm hơn, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hình thức của cây. Không những vậy, lá cây còn có thể bị héo hoặc chuyển sang màu vàng. Do đó, bạn nên che nắng cho cây vào mùa hè.
Lưu ý, cây son môi không chịu được lạnh. Vì vậy bạn phải chuyển cây vào phòng ấm để bảo trì vào mùa đông. Nhiệt độ tốt nhất là khống chế khoảng 20 độ, thích hợp để cây phát triển cành, lá mới.
- Tưới nước:
Cây son môi cần tưới nước thường xuyên vì đây là cây ưa ẩm. Trong mùa sinh trưởng, bạn cần tưới nước cho cây mỗi tuần một lần khi lớp đất trên bề mặt đã khô. Vào mùa đông, nên tuân theo quy tắc thây đất khô hẵng tưới, có thể vài tuần tưới một lần.
- Bón phân:
Cây son môi vẫn cần đủ chất dinh dưỡng để thúc đẩy sự ra hoa trong quá trình sinh trưởng nên chúng ta cần bón phân thường xuyên để cây có đủ chất dinh dưỡng.
Thời điểm bón phân tốt nhất là vào mùa thu. Bón phân vào thời điểm này có thể giúp cây hấp thụ tốt hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển nhanh của cành.
Khi trời lạnh, bạn cần giảm hoặc ngừng bón phân để cây có thể sống qua mùa đông an toàn. Và khi bón phân, bạn nên chọn phân tổng hợp để cây phát triển cân đối, đừng chỉ sử dụng một loại phân duy nhất.
- Cắt tỉa:
Cây cảnh này phát triển nhanh và có nhiều cành. Nếu có cành dài hoặc héo, chúng ta cần cắt tỉa kịp thời để tránh lãng phí chất dinh dưỡng và có nhiều không gian cho thân chính phát triển, từ đó thúc đẩy hoa nở.