Đây là loại cây "đa năng", vừa có giá trị làm cảnh, vừa có thể làm thuốc, lại mang ý nghĩa phong thủy tốt lành, rất thích hợp để trồng trước cửa nhà.
Với diện tích nhỏ hẹp trong vườn nhà, nhiều người rất băn khoăn khi lựa chọn cây trồng. Họ đắn đo không biết nên trồng hoa, cây cảnh để ngắm, trồng rau để ăn hay nên trồng cây thuốc để phòng khi ốm đau. Tuy nhiên có một loại cây có thể đáp ứng được hết những yêu cầu ấy, đó chính là cây đinh lăng.
Có thể nói đinh lăng là một loại cây “đa năng” vì nó vừa có giá trị làm cảnh cao, mang lại không gian xanh mát cho ngôi nhà, vừa được biết đến là một loại rau ăn kèm hoặc dùng kho với cá.
Không chỉ vậy, loại cây này từng được danh y Hải Thượng Lãn Ông gọi là “nhân sâm của người nghèo”. Nguyên nhân là do toàn thân của nó từ lá cây, thân, cho đến rễ và vỏ cây đều là thuốc, có thể chữa được nhiều bệnh như nhức mỏi chân tay, chữa cao huyết áp, sốt siêu vi, mất ngủ, lợi sữa,…
Trong phong thủy, cây đinh lăng mang nguồn năng lượng dồi dào, có thể ngăn chặn khí xấu xông vào nhà, từ đó trấn giữ nguồn năng lượng tốt, giúp tài khí dễ tích tụ, không bị tiêu tán nên nó được coi là “thần giữ của” cho chủ nhà. Chính vì vậy, nhiều người thường trồng cây đinh lăng hoặc đặt cây đinh lăng bonsai trước cửa nhà hay trong phòng khách.
Đặc biệt, cây đinh lăng rất hợp với người mệnh Hỏa và mệnh Mộc. Gia chủ mệnh này nên trồng nhiều cây đinh lăng để thu hút tài lộc vào nhà.
Cách trồng và chăm sóc cây đinh lăng
Đăng lăng là loại cây khá dễ trồng và chăm sóc, thường được trồng bằng phương pháp giâm cành. Cây có thể trồng được vào cả 4 mùa nhưng tốt nhất là nên trồng vào mùa xuân, từ tháng 1 đến tháng 4. Vào mùa hè, muốn trồng cây thì phải giâm hom giống 20-15 ngày cho ra rễ mới đem trồng thì cây mới sống được.
Nên chọn giống đinh lăng nếp, loại lá nhỏ và xoăn, vỏ cây nhẵn, rễ mềm vì loại cây này cho năng suất cao và dễ tiêu thụ. Không nên chọn loại đinh lăng bánh tẻ, loại có bản lá to, vỏ sần vì giống này ra rễ ít, rễ cứng.
- Đất trồng: Cây đinh lăng phát triển tốt ở vùng đất pha cát, tơi xốp, có độ ẩm trung bình. Cho nên trước khi tiến hành trồng cây bạn cần làm tơi đất trước, bón lót bằng phân chuồng hoặc phân NPK. Sau khi trồng, nên phủ rơm hoặc bèo tây lên mặt để giữ độ ẩm, tạo mùn cho đất tươi.
- Tưới nước: Sau khi trồng, cần thường xuyên tưới đủ ẩm để rễ cây nhanh bám đất. Lưu ý, chỉ nên tưới nước vừa đủ, không được để cây bị ngập úng, đọng nước quá lâu nếu không cây dễ bị nấm bệnh tấn công. Nếu gặp mưa lớn phải khẩn trương tháo cạn nước.
- Phòng trừ sâu bệnh: Cây đinh lăng chịu hạn, ít sâu bệnh nên hầu như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Tỉa cành: Từ năm thứ 2 trở đi, bạn cần tỉa bớt lá và cành cho cây. Mỗi năm 2 đợt vào tháng 4 và tháng 9, mỗi gốc chỉ để 1-2 cành to là được.
- Thu hoạch: Thông thường cây đinh lăng từ 3 năm tuổi là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch tốt nhất là vào tháng 10 -12 hàng năm.