Với bàn tay khéo léo cùng cách bố trí hợp lý, chị Bùi Phương Hà Nội đã tạo nên một khu vườn trên sân thượng xanh mướt với đủ loại rau xanh và cây trái.
Mỗi ngày đi chợ, chị Bùi Phương ( Hà Nội) lại cảm thấy không được yên tâm khi mua rau quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Vì thế chị đã quyết tâm tận dụng khoảng diện tích trên sân thượng để trồng rau và cây ăn quả.
Để bắt tay vào kế hoạch trồng rau sạch, chị đã phá mái tôn, làm lại cầu thang, thi công chống thấm, lát gạch và làm một phần mái che. Chị còn tự thiết kế khung sắt và nhờ thợ thi công đặt kệ ở phần mái chéo bê tông để tăng diện tích trồng rau lên.
Tuy nhiên, thời gian mới bắt tay vào trồng, do chưa có nhiều kinh nghiệm chọn giống và chăm sóc nên rau chị trồng cho hiệu quả không cao. Không nản lòng, chị lên mạng học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Hiện tại, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, vườn rau trên sân thượng nhà chị là niềm mơ ước của rất nhiều người.
Có được một vườn rau xanh tốt như vậy là nhờ vào sự tỉ mỉ và chăm chỉ của chị Phương ngay từ những bước đầu tiên. Bí quyết của chị chính là trộn đất thịt lẫn phân bò, phân gà hoai mục, trấu hun và phân trùn quế. Sau khi thu hoạch rau quả, chị lại tiếp tục đổ đất ra trộn thêm vôi bột và phơi khô đất trong khoảng 1 tuần trước khi gieo trồng đợt rau mới.
Khi trồng cây, chị thường đổ hỗn hợp đất đã trộn vào chậu. Đất trồng đổ khoảng 10cm tính từ đáy chậu, sau đó cho vỏ dứa, cọng rau để phân hủy rải đều lên trên và rắc thêm một lượng nhỏ Tricoderma giúp cho cọng rau nhanh phân hủy và chống nấm cho đất. Sau đó lại đổ thêm 10cm đất lên trên mới tiến hành gieo hạt. Sau khi gieo hạt, chị Phường thường rải 1 lớp tro rơm hoặc 1 lớp trấu để hạt đỡ bị trôi khi tưới, đồng thời bổ sung thêm kali cho đất trồng.
Chị còn đầu tư thêm một thùng phi nhựa 200L để ngâm rác hữu cơ để bón cho vườn rau . Chị tận dụng các loại rau quả hỏng, rác nhà bếp, đầu cá, vây cá… cho vào thùng, cho thêm chế phẩm EM để giúp rác phân hủy nhanh hơn, đồng thời giảm bớt mùi khó chịu.
Để tránh sâu bệnh, chị Phương thường ngâm tỏi, ớt, gừng phun lên rau quả theo định kỳ 10 ngày 1 lần. Nếu cây trồng đã xuất hiện nhiều sâu thì chị phun thường xuyên hơn, khoảng 4 đến 5 ngày 1 lần.
Khu vườn nhà chị hay xuất hiện ốc sên, chị thường rắc vôi bột hoặc nghiền nát vỏ trứng rắc lên bề mặt đất xung quanh cây trồng.
Chị Phương trồng trong các thùng nhựa ghép để tiết kiệm được diện tích. Ngoài ra chị còn thiết kế giàn leo cho một số loại cây như mướp đắng, đỗ... để tận dụng tối đa diện tích của sân thượng.
Ai cũng đều phải ngã mũ thán phục trước tài làm vườn của chị.
Nhờ có vườn rau xanh mà đến nay gia đình chị không phải lo về nguồn rau sạch cho những bữa ăn hằng ngày.
Trên sân thượng, chị còn trồng được nhiều loại cây ăn quả từ táo, ổi, hồng xiêm, dưa lê, dưa gang, dâu tây.....
Đối với cây ăn trái, chị thường bón thêm một ít NPK dạng hạt. Để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho các loại cây ăn quả, vì loại cây này cần khá nhiều dinh dưỡng, chị Phương còn đi xin đầu cá, vây cá ở chợ về để lót dưới gần đáy chậu giúp các chất hữu cơ phân hủy nuôi cây.
Chị Phương cho hay, để các loại cây ăn trái có đủ chất dinh dưỡng và sai quả, chị thường bổ sung vài hạt NPK cách gốc cây định kỳ 1 tháng 1 đến 2 lần tùy vào tiến độ sinh trưởng, phát triển của cây.
Khi cây ra hoa, chị bón bổ sung thêm ka li. Khi cây đậu quả thì chị ngừng bón tất cả các loại phân giúp phân đã bón được chuyển hóa hoàn toàn vào cây. Cách làm này cũng là để quả được ngọt hơn, an toàn hơn với sức khỏe của mọi người trong gia đình.
Không gian xanh tươi ngập tràn các loại rau xanh, quả ngọt không chỉ giúp chị Phương và gia đình an tâm hơn về những bữa ăn hàng ngày, mà còn là nơi để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.