Theo chị Nguyệt, nếu trồng hoa quỳnh bằng lá, khoảng 2-3 năm cây sẽ cho hoa.
Ông bố Hà Nội trồng rau, nuôi cá trên mái nhà, chia sẻ bí quyết để có “khu vườn trên mây” vừa đẹp vừa xanh
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí anh đầu tư cho khu vườn vào khoảng 600 triệu.
Trồng rau trên sân thượng, mái nhà đang trở thành xu hướng tại những thành phố lớn. Những “khu vườn trên mây” này không chỉ cung cấp thực phẩm sạch cho mỗi bữa cơm gia đình mà còn là một cách để nhiều người giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau những ngày làm việc vất vả, là cách để gắn kết các thành viên trong gia đình và giáo dục con cái. Và, anh Nguyễn Hà Giang (42 tuổi, sống ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) cũng có một mảnh vườn như thế.
Anh Hà Giang cho biết, anh bắt đầu hành trình trồng rau từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát. Ban đầu, mục đích chỉ đơn giản là tự cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình và tìm chút niềm vui trong khoảng thời gian nghỉ việc vì dịch. Thế nhưng, qua thời gian, việc trồng rau và chăm sóc khu vườn nhỏ dần trở thành niềm đam mê lớn của anh.
Anh Hà Giang.
Khi trồng rau trên sân thượng, chống thấm sàn là một khâu rất quan trọng, vì nếu không cẩn thận có thể làm hỏng mái nhà. Nắm bắt được việc này nên khi bắt đầu lên ý tưởng làm vườn sân thượng, anh Hà Giang đã tháo mái tôn, chống thấm bằng sika cẩn thận, sau đó lát gạch lên bề mặt sàn với độ dốc hợp lý, đảm bảo nước mưa thoát nhanh chóng.
Bên cạnh đó, anh còn tự thiết kế hệ thống trồng cây tuần hoàn, sử dụng bồn kín hoàn toàn. Bằng cách này, nước mưa và nước tưới thừa đều được dẫn thẳng về bể chứa, không hề đọng lại trên sàn. Nhờ đó, không chỉ duy trì được không gian khô thoáng mà còn tránh hoàn toàn nguy cơ ẩm hay thấm xuống trần bên dưới.
"Khu vườn trên mây" của gia đình anh Hà Giang.
“Hệ thống trồng cây mà mình tự thiết kế là một hệ tuần hoàn hoàn chỉnh, ứng dụng phương pháp trồng cây thuận tự nhiên. Điểm đặc biệt của hệ thống nằm ở các bồn trồng cây được liên kết chặt chẽ với bể chứa nước và hệ thống xử lý vi sinh, tự động xử lý vật liệu hữu cơ thành phân bón, tự động tưới nước, và sử dụng giun quế để đảo đất theo phương pháp tự nhiên. Nhờ đó, công việc của mình chỉ còn là trồng cây, chăm sóc và cắt tỉa, mọi thứ khác đều được hệ thống tự động xử lý.
Nhưng, mình đầu tư nhiều nhất là vào phần khung sắt, các bồn composite sợi thủy tinh với thiết kế kín hoàn toàn, cùng hệ thống xử lý vi sinh hiện đại. Tất cả đã tạo nên một khu vườn sạch đẹp và hiệu quả ngay giữa lòng thành phố”, anh Hà Giang chia sẻ.
Và, tính đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí anh đầu tư cho khu vườn vào khoảng 600 triệu.
Anh Hà Giang cho biết, khu vườn trên mái nhà anh có diện tích 50m², được chia thành 2 phần. Phía sau là không gian thư giãn với bể cá, tiểu cảnh và góc ngồi thưởng trà. Phần phía trước dành riêng cho việc trồng rau, củ, quả và các loại cây leo giàn.
Anh trồng rau trong các bồn, phân chia 2 tầng rõ ràng. Theo đó, tầng trên để trồng rau, hoa và cây ngắn ngày; tầng dưới dành cho các loại cây leo giàn, nhờ đó mà anh trồng được rất nhiều loại rau, khu vườn cũng trông gọn gàng, đẹp mắt hơn.
Khu vực tiểu cảnh.
“Với cây leo, mình tạo giàn leo tầm thấp để trồng những loại cây như dưa chuột, dưa lê, mướp đắng, cà chua và các loại đậu. Những giàn leo này được bố trí xen kẽ để không làm cản nắng khu vực trồng rau. Bên cạnh đó, mình còn thiết kế thêm giàn leo tầm cao dành cho các loại cây như bầu, bí, và mướp, tạo sự đa dạng và tận dụng tối đa không gian”, ông bố Hà Nội cho hay.
Bên cạnh đó, anh trồng rau theo mùa vụ. Ví dụ, mùa hè anh trồng rau dền, mồng tơi, rau ngót; mùa đông là các loại cải như cải canh, cải ngọt, bắp cải, su hào, súp lơ, cải thảo. Các loại rau gia vị như tía tô, kinh giới, bạc hà, húng, và rau mùi được trồng quanh năm, nhờ đó gia đình luôn có rau sạch để ăn.
Anh Hà Giang cho biết, anh làm vườn theo triết lý nông nghiệp tự nhiên của Masanobu Fukuoka (một nông nhân và triết gia người Nhật nổi tiếng ở lĩnh vực nông nghiệp tự nhiên và việc phủ xanh đồi trọc), là tập trung vào việc cải tạo đất để tạo nên một hệ sinh thái cân bằng và bền vững. “Khi cây được trồng trên mảnh đất giàu vi sinh, vi nấm và chất dinh dưỡng, chúng sẽ phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn, và cho ra những loại rau, củ, quả hữu cơ với hương vị đậm đà”, ông bố Hà Nội bày tỏ.
Về phương pháp cải tạo đất, anh đã áp dụng 4 nguyên tắc sau:
- Không đào xới đất: Việc đào xới phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất, làm mất vi sinh vật và dinh dưỡng quý giá. Vì vậy, sau mỗi vụ trồng, anh không xới đất mà chỉ bổ sung phân bón lên bề mặt bồn cây. Hệ vi sinh, vi nấm, giun quế sẵn có trong đất, kết hợp với vi sinh từ hệ tuần hoàn của vườn, sẽ tự xử lý và chuyển hóa phân bón thành dinh dưỡng cho cây.
- Không để đất trống, luôn trồng cây che phủ: Để giữ độ ẩm và tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh và vi nấm phát triển, anh Hà Giang luôn gieo thêm cây che phủ ở các khu vực đất trống. Lớp cây này giúp bảo vệ đất khỏi ánh nắng trực tiếp và duy trì độ màu mỡ tự nhiên.
- Trồng đa dạng và không phân luống: Sự đa dạng cây trồng trên cùng một diện tích giúp giảm thiểu sâu bệnh, cải thiện chất lượng đất, và đa dạng hóa hệ sinh thái. Trong vườn, anh trồng xen kẽ các loại rau như bắp cải, su hào, súp lơ, cải cầu vồng, xà lách, và cả hoa. Ngoài ra, anh thường luân phiên trồng cây họ đậu để bổ sung ni tơ tự nhiên cho đất.
- Sử dụng phân bón tự nhiên và tái tạo hữu cơ: Anh Hà Giang cho biết, anh tuyệt đối tránh phân bón hóa học vì chúng gây suy thoái đất và ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, anh sử dụng 100% phân hữu cơ như bã đậu, phân bò, phân gà, và rác nhà bếp. Nhờ phương pháp này, đất luôn giữ được độ màu mỡ, không bị bạc màu hay chua, giúp duy trì hiệu quả lâu dài mà không cần thay đất sau mỗi vụ.
Nhờ áp dụng các nguyên tắc trên, khu vườn của anh không chỉ xanh tốt mà còn trở thành một không gian sinh thái thu nhỏ, mang lại sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.
Không chỉ không sử dụng phân bón hóa học, anh Hà Giang còn không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, thay vào đó anh xây dựng một hệ sinh thái cân bằng, trong đó các loài sinh vật tự điều chỉnh lẫn nhau.
Anh chia sẻ: “Đất khỏe mạnh giúp cây trồng phát triển mạnh mẽ và ít bị sâu bệnh tấn công. Để tăng cường hiệu quả này, mình trồng các cây thu hút thiên địch, như cây có hoa để thu hút ong, bọ rùa, ong ký sinh, chim và các động vật có ích khác.
Vườn nhà mình luôn có sự xuất hiện của các loài thiên địch này, và khi cây bị sâu bệnh tấn công, chúng sẽ giúp kiểm soát vấn đề rất hiệu quả. Thi thoảng, mình cũng dùng lá cây như hành, bạc hà hoặc chế phẩm tự nhiên từ rượu, tỏi, ớt để xua đuổi sâu bệnh”.
Trong vườn, anh Hà Giang trồng các cây thu hút thiên địch để kiểm soát vấn đề sâu bệnh.
Anh Hà Giang cho biết, từ khi bắt đầu làm vườn đến nay, cà chua đã trở thành loài cây mà anh yêu thích nhất, vì chúng không chỉ cho quả sai trĩu mà còn đẹp mắt và thơm ngon.
Mỗi mùa thu hoạch, anh luôn có dư để tặng cho người thân, bạn bè, chia sẻ niềm vui từ những thành quả tự tay mình làm ra. “Chỉ khi tự trồng và chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ, mình mới cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt trong hương vị cà chua: đậm đà, tươi mát, mà không gì có thể sánh được với những quả mua từ chợ hay siêu thị. Chính sự khác biệt ấy càng khiến mình thêm yêu quý và trân trọng từng thành quả từ khu vườn nhỏ của mình”, ông bố Hà Nội bộc bạch.
Cà chua thu hoạch trong vườn nhà anh Giang.
Và giờ đây, “khu vườn trên mây” đó không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm tươi ngon và an toàn cho cả gia đình anh Hà Giang như mục đích ban đầu nữa, mà đó còn là một góc bình yên để thư giãn sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng. “Đây là nơi cả gia đình cùng nhau vun trồng cây trái, thu hoạch thành quả, tạo nên những khoảnh khắc gắn kết đầy ý nghĩa. Khu vườn còn mở ra thế giới thiên nhiên kỳ thú cho trẻ nhỏ khám phá và trở thành một không gian ấm cúng để đón tiếp bạn bè, chia sẻ niềm vui giản dị trong cuộc sống”, anh Hà Giang chia sẻ.
Tin liên quan
Một trong những nhược điểm chính của trần thạch cao chính là dễ nứt, dễ gây sụt, bể trần.
Khu vườn sân thượng nhà chị Thanh thay đổi linh hoạt theo mỗi mùa.
Ngoài hoa hồng, chị Hạnh còn trồng nhiều loại hoa khác như thược dược, hoa dơn,… trong đó phải kể đến cây hoa ly thơm cao tới 2m.
Tin bài cùng chủ đề Vườn xinh của mình
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí anh đầu tư cho khu vườn vào khoảng 600 triệu.