Ngoài khu vườn quanh nhà đậm chất Huế, chị Thảo còn sở hữu thêm 2 mảnh vườn khác có diện tích lần lượt là 1.400m2 và 600m2.
Vốn là một người yêu thiên nhiên, cây cỏ nên chị Nguyễn Phương Thảo (sinh năm 1968, người Huế) luôn ấp ủ ý tưởng được sống trong một căn nhà tràn ngập sắc hoa và cây cỏ. Cũng chính vì thế mà khi rời quê hương sang Hungary lập nghiệp từ năm 17 tuổi, chị Thảo đã mang theo cả tình yêu cây cỏ sang nước bạn định cư.
Và, dù bận rộn với công việc kinh doanh, chăm sóc gia đình nhưng chị Thảo vẫn dành thời gian để trồng hoa, làm vườn. Đến nay, sau hơn 30 năm sống ở Budapest, Hungary, chị đã xây được cho mình 3 mảnh vườn đầy ắp hoa trái, đậm chất Việt.
3 khu vườn của mẹ Việt ở Hungary
Năm 2006, khi có điều kiện, chị Phương Thảo đã xây dựng nhà theo kiến trúc Việt Nam tại Hungary. Căn nhà này được chị thiết kế theo phong cách Huế, có dáng dấp của Đại nội Huế và được chị đặt tên là Ngôi nhà Việt.
Bên trong nhà, chị trưng bày các vật dụng gắn bó, thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người Việt như chiếc chõng tre, đôi quang gánh, cái lu đựng nước mưa,… Những món đồ này được chị cất công sưu tầm, mang từ Việt Nam qua.
Phía ngoài nhà, hai bên lối đi dẫn vào nhà, ngập tràn sắc hoa. Ở các góc vườn, mẹ đảm còn đào ao, bên trên trồng những cây hoa leo. “Mỗi khi đến mùa hoa nở, các bông hoa sẽ đua nở, rủ xuống mặt nước, khung cảnh lãng mạn, nên thơ lắm”, chị Thảo chia sẻ.
Trong vườn, chị Thảo trồng đủ loại hoa như hoa phượng, hoa nhài, hoa sen, tường vi, hoa nhài,… Một số loại được chị mua ở chợ hoa Hungary, một số loại được chị mang từ Việt Nam sang. Nhưng nổi bật nhất vẫn là những giàn hồng leo xuất hiện từ bờ rào, cổng chào tới cạnh bờ ao, chân cầu.
“Số lượng cây hoa trong vườn nhà tôi khá nhiều, có những khoảnh đất nhỏ nhưng có tới 4-5 cây mọc sát nhau. 4 mùa quanh năm vườn nhà tôi đều có hoa nở rực rỡ, nhưng đẹp nhất là vào tháng 4 hoặc tháng 5. Khi đó, cả vườn hoa đua nhau khoe sắc, bông nào cũng nở to khiến cả khu vườn bừng sáng rực rỡ. Nhiều khi không thấy hoa, chỉ thấy lá, tôi phải cắt bớt đi cho đỡ chật chội”, chị Thảo chia sẻ.
Ngoài khu vườn quanh nhà, chị Thảo còn sở hữu thêm 2 mảnh vườn khác có diện tích lần lượt là 1.400m2 và 600m2. Tại những mảnh vườn này, chị vừa trồng hoa, vừa trồng cây ăn trái và rau củ quả. Nhờ đó, vườn nhà chị luôn đầy ắp hoa trái quanh năm.
Mẹ đảm chia sẻ bí quyết chăm sóc hoa hồng
Chiếm vị trí chủ chốt trong vườn nhà chị Thảo chính là hoa hồng. Trong các loài hoa hồng, chị thích nhất là giống hồng Eden của Anh, vì loại hoa này có bông to, hương thơm rất ngọt ngào và lan tỏa xa trong vườn.
Mẹ đảm cho biết, thực ra ban đầu chị trồng với số lượng khá ít ỏi, chủ yếu là những giống hoa hồng phổ thông. Nhưng mỗi năm sau khi có thêm kinh nghiệm, số lượng cây hoa hồng trong vườn nhà mới tăng dần lên và tính đến hiện tại, vườn nhà chị có hơn 30 giống hoa hồng.
Các loài hoa hồng có đủ màu sắc khác nhau từ hồng, tím, vàng, trắng. “Tôi yêu màu tím, vàng, hồng, trắng nên trồng nhiều loại hoa hồng các màu này. Còn với hồng đỏ, mỗi khi ngắm chúng tôi thấy nhớ quê hương nhiều lắm, vì tôi thấy màu hoa này lần đầu tiên ở Việt Nam. Ngắm nhìn những bông hoa hồng nở rực rỡ trong vườn, tôi thấy biết ơn các em đã cho tôi niềm vui tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng”, chị Thảo chia sẻ.
Chia sẻ về bí quyết trồng hoa hồng, mẹ đảm cho biết, để hoa hồng phát triển tươi tốt, hoa nở nhiều thì yếu tố nào cũng quan trọng. Ngay từ lúc đi mua hoa, cần chọn những loại có gốc khỏe, chọn kéo cắt hoa loại tốt bán ở nơi trồng cây giống.
Khi mới mua cây về, trước khi trồng cần cắt tỉa hết những cành lá đã bị dập nát, cành quá dài. Sau đó, đào hố sâu rồi cho một ít đất trồng hoa xuống cùng phân bón cho hoa hồng, tiếp theo mới đặt cây vào hố. Lấy tay ấn mạnh để gốc hồng được chặt đất.
Sau khi trồng xong, nên dùng bình tưới xịt nước vào lá cho thật sạch và xịt vào gốc cây, tưới nhẹ cho cây bắt đầu tiếp xúc với ngôi nhà mới. “Vị trí trồng hoa hồng cũng rất quan trọng. Hoa hồng leo đẹp nhất là để bên cổng nhà, lối ra vào, bên cạnh hồ. Hồng bụi nên trồng ở những nơi bạn có thể ngồi cạnh. Tất cả các loại hồng đều rất cần ánh nắng, do đó cần chú ý chọn chỗ thích hợp cho cây phát triển tốt”, chị Thảo cho hay.
Sau khi trồng được một tuần, chị sẽ bón phân có đạm cao để hỗ trợ cây nảy mầm. Vào đầu vụ, chị sẽ xới gốc, phun thuốc sâu chống nấm cho hồng, cắt tỉa các cành khô và yếu. Bên cạnh đó, chị Thảo còn tưới nước đều mỗi ngày bằng vòi phun nhẹ, nếu trời nắng nóng nên tưới vào buổi sáng sớm và xế chiều, bởi hồng cần đủ nước chứ không cần quá nhiều.
Chị Thảo lưu ý, nếu trồng hoa hồng trong chậu thì sau 6 tháng phải thay đất cho cây. Việc cắt tỉa cho hoa hồng cũng rất quan trọng, vì nó sẽ thúc đẩy vòng sinh trưởng tự nhiên của hoa hồng nhanh hơn. Khi cắt tỉa cho hoa hồng, đầu tiên cần cắt bỏ những cành khô, chết, sau đó tới những cành yếu, những cành không có lợi cho cây.
“Trồng và chăm hồng hoàn toàn không khó, nếu bạn đam mê và thật sự yêu hồng. Chỉ cần vào buổi sáng, bạn ngắm cây theo dõi, dành thêm chút buổi trưa và trước khi đi ngủ để chăm cây”, chị Thảo chia sẻ.