Cây rau nhút không chỉ giúp ông Sành trở thành nông dân tỷ phú mà còn giúp cho nhiều hộ nông dân địa phương đổi đời nhờ có thu nhập ở mức khá cao, quanh năm bán rau có tiền.
Hơn chục năm về trước, ông Phan Văn Sành, 50 tuổi chính là người đầu tiên đưa cây rau nhút về ruộng trồng ở ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cây rau nhút không chỉ giúp ông Sành trở thành nông dân tỷ phú mà còn giúp cho nhiều hộ nông dân địa phương đổi đời nhờ có thu nhập ở mức khá cao, quanh năm bán rau có tiền.
Ông Nguyễn Văn Thảo, chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long rất tự hào kể về một nông dân xuất sắc trong phát triển kinh tế vừa làm giàu cho gia đình lại vừa giúp nhiều hộ lân cận cùng làm giàu một cách bền vững. Người mà ông nhắc đến là ông Phan Văn Sành, 50 tuổi, ngụ ấp Hồi Trinh...
Những cánh đồng rộng trồng rau nhút ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Thảo cho biết: “Hồi đó xứ này chuyên canh lúa nhưng năng suất không cao. Khoảng 10 năm nay, đời sống người dân khấm khá nhanh chóng khi chuyển diện tích trồng lúa sang trồng rau nhút, loại rau “đặc sản” nổi trên mặt nước, có tiếng là lớn nhanh như thổi. Người có công đem rau nhút về đây là anh Sành đó”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà rất to rộng, khang trang, anh Sành kể về mình với thái độ cởi mở và chân tình đầy chất “Hai Lúa” miền Tây. Xuất thân trong một gia đình nghèo đông anh em, từ nhỏ anh Sành đã phải lao động cật lực để mưu sinh và tiếp giúp gia đình. Trong anh luôn suy nghĩ phải tìm những loại trái cây, rau củ độc, lạ có giá trị kinh tế cao; dễ tiêu thụ trên thị trường; không bị rơi vào tình trạng trúng mùa rớt giá. Nghĩ là làm, anh đã đi tham quan rất nhiều mô hình kinh tế ở nhiều địa phương và quyết định chọn mô hình trồng rau nhút để làm cuộc đổi đời.
Gia đình ông Phan Văn Sành đang cắt rau nhút để giao cho thương lái.
Ban đầu, thấy anh Sành khởi động mô hình trồng rau nhút, một mô hình tương đối lạ lẫm với tập quán canh tác của nhiều nông dân bản xứ hàng chục năm qua, nhiều người nghi ngại về hiệu quả kinh tế mang lại. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Hồi Xuân, xã Xuân Hiệp nhớ lại: “Hồi đó thấy “ổng” trồng rau nhút, ai cũng nói ông này “không bình thường”. Vậy mà chỉ một năm sau, “ổng” trúng lớn. Nếu so với làm lúa, tiền lời từ cây rau nhút cao gấp 5 đến 6 lần, trong khi đó không tốn mấy tiền phân thuốc và làm đỡ cực hơn rất nhiều. Vậy là người dân xung quanh cũng trồng rau nhút theo dưới sự hướng dẫn tận tình của anh Sành”.
Chân dung tỷ phú rau nhút Phan Văn Sành, ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Theo kinh nghiệm cá nhân, anh Phan Văn Sành cho biết: Hiện có 2 loại rau nhút đỏ và trắng, trong đó rau nhút trắng có chất lượng và năng suất cao hơn khoảng 10 đến 15% rau nhút đỏ. Tuy nhiên trồng rau nhút trắng đòi hỏi sự chăm sóc, bón phân, thu hoạch kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Trồng loại rau này điều cơ bản nhất là giữ cho được nguồn nước sạch, không ô nhiễm môi trường. Mực nước của ruộng trồng rau nhút phải từ 50 đến 60 cm là tốt nhất. Trước đây gốc rau nhút được cắm thẳng xuống nền ruộng nhưng sau đó đã được cải tiến bằng cách cho bộ rễ nổi trên mặt nước và cố định vào hệ thống ống cao su tạo hình ảnh rất độc, lạ, hiệu quả.
Ông Sành lý giải, trồng kiểu mới này rất đảm bảo môi trường nước vì bộ rễ cây sẽ không làm vẩn đục nguồn nước trong ruộng. Cạnh đó, việc chăm sóc, thu hoạch rau nhút sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nên tiết kiệm chi phí thuê mướn người thu hoạch. Khi muốn cắt bỏ rau cũ để thay lượt rau mới cũng rất nhanh, gọn, không mất nhiều thời gian.
Nhờ trồng vườn cóc cầy bên ruộng nhau nhút đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình ông Sành.
Từ cách làm “ trở gốc lên trời” này, năng suất rau nhút của ông Sành đã tăng hơn 20%, chất lượng rau tươi tốt hơn, màu sắc bắt mắt hơn. Cạnh đó chi phí đầu tư tiết kiệm hơn trước từ 20 đến 25%. Mỗi công cho ông thu nhập xấp xỉ 5 tấn mỗi năm. Với giá bán bình quân 13.000 đồng/ký, mỗi công sau khi trừ hết chi phí còn lãi khoảng 50.000.000 đồng/năm. Với 12 công trồng rau nhút, ông Sành có lãi khoảng 600.000.000 đồng mỗi năm.
Chưa dừng lại ở đây, khi đã có của ăn, của để, năm 2010, ông Sành mua thêm 5 công đất ruộng và lên vườn để trồng 100 gốc cóc cầy-một loại trái cây hiện rất khan hiếm trên thương trường bất chấp lời can ngăn của nhiều người bởi họ cho rằng: cóc cầy không có giá trị kinh tế.
Ông Sành giải thích việc chọn mô hình trồng cóc cầy: “Loại này rất hiếm, trái to, nặng, bán rất có giá, thu hoạch được quanh năm; rất nhẹ công chăm sóc và không hao tốn các khoản phân thuốc...”.
Năm 2016, 5 công cóc cầy của ông bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, mỗi cây cóc cầy cho khoảng 100 ký trái; trọng lượng mỗi trái từ 250-300 gam. Với giá bán từ 27.000 đến 30.000 đồng mỗi ký trái cóc cầy, sau khi trừ hết chi phí đầu tư ông còn lãi mỗi năm trên 250 triệu đồng. Tính cả nuôi cá dưới ao, nuôi heo trên bờ, cộng với tiền lời từ rau nhút, cóc cầy, từ 2017 đến nay ông Sành có lãi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều người dân địa phương và thương lái thường gọi ông Sành là tỷ phú rau nhút.