Có một câu hỏi muôn thuở mà các mẹ bỉm sữa mải miết đi tìm câu giải đáp, đó là "bé sơ sinh đang nóng hay lạnh?".
Nói không "oan" khi việc điều chỉnh nhiệt độ trong phòng sao cho phù hợp hay mặc cho trẻ thế nào mới đúng đã khiến nhiều cặp vợ chồng lục đục, mẹ chồng – nàng dâu không nói với nhau nửa lời và mẹ bỉm sữa thì "stress chồng thêm stress".
Quả thật, các em bé không thể nói "Con nóng quá" hay "Con lạnh quá", để mẹ mặc thêm hay bỏ bớt 1 lớp chăn. Đa phần các mẹ làm việc nào theo cảm tính kết hợp kinh nghiệm, nhưng nếu làm không chuẩn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé.
Đơn giản như mặc cho bé ấm hơn mức cần thiết, không cởi ra kịp thời, bé toát mồ hôi, thấm ngược vào trong, rất dễ dấn đến viêm phổi. Mặc phong phanh cũng khiến bé dễ bị lạnh bụng, cảm lạnh.
Cơ thể bé sơ sinh không dễ dàng điều hòa nhiệt độ như các bé lớn hơn hoặc như người lớn. (Ảnh minh họa)
Thực tế, trẻ sơ sinh sợ cả nóng và lạnh. Cơ thể bé nhỏ của con không dễ dàng lưu trữ nhiệt trong mùa lạnh cũng như tản nhiệt trong mùa nóng. Việc điều hòa thân nhiệt phù hợp phụ thuộc nhiều vào cách mẹ mặc quần áo cho bé. Do đó, mẹ hãy nắm bắt những bí quyết sau, để theo đó, mặc cho bé thật phù hợp.
Khi nhiệt độ thấp hơn 10 độ
Ở nhiệt độ này, bé cần mặc nhiều hơn người lớn 1 lớp quần áo. Nếu người lớn mặc đến 3 - 4 lớp áo mới đủ ấm, thì lúc này, mẹ cần mặc thêm cho bé một lớp nữa mới đảm bảo giữ nhiệt được cho cơ thể bé.
Khi nhiệt độ giao động từ 10 – 22 độ
Ở khung nhiệt độ này, thường vào các thời điểm giao mùa, bạn hãy mặc cho bé đủ lớ quần áo như người lớn. Tuy nhiên nên lưu ý, với loại hình thời tiết có sự chênh lệch lớn về ngày và đêm, vào chiều muộn, tối và sáng sớm, hãy chuẩn bị sẵn cho bé thêm một lớp áo hoặc một chiếc chăn quấn ngoài.
Khi nhiệt độ lớn hơn 22 độ
Với nhiệt độ này, không gian trong phòng riêng thường bắt đấu oi bức và nóng hơn thực tế. Bé dễ đổ mồ hôi và cơ thể khó tản nhiệt. Do đó, bạn có thể mặc cho bé ít hơn 1 lớp so với người lớn, hoặc mặc bằng số lớp áo của người lớn nhưng với đồ mỏng hơn.
Một số lưu ý khi mặc đồ cho bé
Một số bé thường ra nhiều mồ hôi sau khi bú và việc áp vào bầu vú, cơ thể mẹ cũng khiến bé nóng hơn nên khi đó, mẹ có thể bỏ bớt 1 lớp quần áo cho bé.
Bụng, chân và ngực của bé luôn không được để lạnh. Cho dù bất kỳ mùa nào, cũng phải bảo vệ những phần này trên cơ thể bé.
Đọc kỹ các dấu hiệu để biết bé nóng hay lạnh
Như đã nói, rất khó để nắm bắt 100% chuẩn xác bé đang lạnh hay nóng. Tuy nhiên, nếu quan sát làn da, thấy bé bị nổi mẩn, đổ mồ hôi, đó là em bé của bạn đang nóng đấy. Hay khi đã được quấn kỹ hoặc để trong chăn, mà tay, chân bé vẫn lạnh, nghĩa là cả cơ thể bé còn đang lạnh, mẹ phải lập tức điều chỉnh ngay giúp bé.