Mâm cúng thôi nôi tuy đơn giản, nhưng nhìn cực kỳ bắt mắt.
Mỗi gia đình có một hoàn cảnh, lối sống sinh hoạt khác nhau phù hợp với nơi sinh sống. Chính vì thế việc làm tiệc đầy tháng, thôi nôi cho em bé không cần quá nhất thiết cầu kì, miễn sao phù hợp với điều kiện của từng gia đình.
Mới đây trên trang cá nhân, cặp đôi nổi tiếng hotgirl Primmy Trương và ông xã thiếu gia Phan Thành thu hút sự chú ý khi chia sẻ hình ảnh trong buổi tiệc thôi nôi tròn 1 tuổi của cô con gái thứ 2.
Cặp đôi "trai tài gái sắc" lên chức bố mẹ bỉm lần 2 cách đây không lâu.
Tuy không hoạt động Vbiz nhưng Primmy Trương và Phan Thành nhận được sự quan tâm từ nhiều người, bởi cặp đôi “xứng lứa vừa đôi” với gia thế “khủng”. Primmy Trương (Trương Minh Xuân Thảo) được biết đến là beauty blogger, influencer có tiếng tại TP.HCM. Còn Phan Thành là thiếu gia nhà ông trùm bất động sản giàu có nức tiếng Sài thành.
Sau 4 năm về chung 1 nhà, hiện tại cặp đôi có 2 nhóc tỳ đủ nếp đủ tẻ. Dù không chia sẻ nhiều về các con, cũng như cuộc sống làm dâu nhà hào môn, thế nhưng ai cũng biết với điều kiện gia đình dư dả, quý tử và ái nữ của Primmy Trương - Phan Thành hẳn được bố mẹ nuôi dạy không thiếu gì.
Trong hình ảnh mới nhất chia sẻ về bữa tiệc đầy tháng cho cô con gái, cặp đôi khiến nhiều người bất ngờ vì tổ chức khá đơn giản trong căn biệt phủ đắt đỏ của gia đình ở Sài thành. Tuy không quá xa hoa, cầu kỳ nhưng nhìn mâm cúng hội mẹ bỉm đều tròn mắt, trầm trồ trước sự khéo tay, tỉ mỉ của bà xã thiếu gia Phan Thành. Mâm cúng cực hút mắt với sự kết hợp đa sắc màu xanh, hồng và trắng xinh xắn. Cũng giống như mâm cúng thôi nôi truyền thống, mâm cúng Primmy Trương chuẩn bị cho ái nữ có hoa quả, chè, xôi, bánh, trầu cau, nến…
Cô nhóc còn được mẹ cho lên sóng, và công khai tên thật là Thảo Tiên, tuy nhiên diện mạo của bé vẫn chưa được Primmy Trương tiết lộ, mẹ bỉm đã dùng icon che gương mặt con gái. Nhưng nhiều người vẫn nhận ra nhóc tỳ “trộm vía” được bố mẹ chăm mát tay nên trắng trẻo, mũm mĩm với đôi má bánh bao cực yêu, ai nhìn cũng muốn cưng nựng.
Tiệc sinh nhật hay còn gọi là tiệc thôi nôi là một phong tục lâu đời của người Việt, mang ý nghĩa là bé 12 tháng tuổi thôi sử dụng nôi và chuyển sang giường.
Đây là cột mốc đầu tiên trong đời của bé nên bố mẹ rất chú trọng ngày này. Việc cúng thôi nôi là một nghi thức tốt đẹp nhằm cảm ơn Mụ bà chăm sóc bé, và cầu mong những điều tốt đẹp cho bé.
Thôi nôi sẽ bao gồm phần lễ và phần tiệc: Trong phần lễ là có cúng tổ tiên, cúng Mụ bà và nghi thức chọn nghề cho bé. Phần tiệc là phần chiêu đãi quan khách, họ hàng hai họ và bạn bè của bố mẹ. Trong thôi nôi không thể thiếu hai phần này.
Các nghi thức cần có trong phần lễ thôi nôi:
1. Cúng Mụ Bà và Đức Ông
Nghi thức cúng Mụ bà và Đức Ông là nghi thức đặc biệt chỉ có lễ Thôi nôi mới có. Mâm cúng càng chu đáo càng thể hiện sự biết ơn 12 Mụ bà đã chăm sóc và tạo ra đứa trẻ, tạ ơn Đức Ông bảo vệ cho đứa trẻ từ trong bụng mẹ và 12 tháng đầu đời.
Mâm cúng 12 Mụ bà và Đức Ông cần có:
- 1 con gà trống luộc xếp chéo cánh
- 12 chén xôi nhỏ và 1 chén xôi lớn
- 12 chén chè nhỏ và 1 chén chè lớn
- 1 tô cháo lớn
- một đĩa trái cây ngũ quả
- 1 ly rượu nhỏ
- 12 miếng trầu đã được tiêm + 1 lá trầu và 1 quả cau để nguyên
- 1 bình hoa tươi
- 2 cây nến
- 3 cây hương
- 1 bộ vàng mã
Bày mâm cúng Mụ bà phải thể hiện được sự thành kính trong cách trình bày cũng như lễ vật cúng: Tất cả lễ vật cúng Mụ bà được để chính giữa hương án, hoặc có thể để lên trên hương ản. Lễ vật cúng Mụ bà chia thành 12 phần giống nhau và được đặt ở phía trên, hoa quả và vàng mã đặt phía dưới. Mâm cúng Đức Ông đặt cạnh mâm cúng Mụ Bà cách 10cm.
2. Mâm cúng ông Táo, ông Tài và ông Địa
Việc cúng ba ông không chỉ có ngày Thôi nôi mới cúng. Vào mỗi dịp lễ truyền thống hay các ngày lễ quan trọng của gia đình đều cúng ba ông (ông Táo, ông Địa, ông Thần tài).
Mâm cúng ba ông gồm có:
- Mâm trái cây ngũ quả
- 1 chén chè
- 1 đĩa xôi
- 1 đĩa thịt luộc
- 1 đĩa tôm luộc
- 1 đĩa trứng luộc
- 1 ly nước
- 1 ly rượu
- 1 đĩa trầu cau
- Hương và nến
- Vàng mã
Mâm cúng ba ông được đặt ở ngoài trời, hoặc chia ra từng mâm nhỏ đặt ở bàn thờ của mỗi ông.
3. Mâm cúng Ông Bà Tổ Tiên
Mâm cúng Ông Bà Tổ tiên cũng quan trọng như mâm cúng Mụ bà và Đức Ông. Lễ vật trong mâm cúng Ông Bà Tổ tiên sẽ giống như những ngày cúng lễ khác.
Cách bày trí mâm cúng thường được xếp từ cao xuống, tùy theo thiết kế bàn thờ mỗi người.
4. Nghi thức chọn nghề trong thôi nôi
Sau khi cúng Mụ bà là nghi thức chọn nghề cho bé. Đây như là một sự cầu may mắn nhằm giúp bé ổn định sự nghiệp sau này. Nhiều bố mẹ sẽ tin tưởng nghi thức này sẽ ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp của con mình. Qua nhiều thế hệ, nghi thức chọn nghề vẫn được giữ lại đến tận bây giờ.
Để thực hiện nghi thức này, bố mẹ đặt các vật dụng như: bút, sách, máy tính, quả bóng... trên một cái mâm hoặc một tấm thảm. Sau đó đặt bé ngồi trước các vật dụng, bé đến lấy vật dụng mà mình thích. Theo quan niệm dân gian, vật nào được bé cầm đầu tiên là vật đại diện cho nghề nghiệp tương lai của bé.
Sau khi nghi thức chọn nghề tương lai kết thúc, khách mời trong bữa tiệc sẽ đến hôn và tặng bé quà.