Quỳnh Trần bắt buộc phải tuân theo luật bảo vệ trẻ em của YouTube từ 01/01/2020 nên không thể cho bé Sa xuất hiện trong các vlog nữa.
Quỳnh Trần JP là một YouTuber, Vlogger được khá nhiều mẹ bỉm sữa yêu thích bởi trong các video của cô còn có sự xuất hiện của con trai Sa vô cùng đáng yêu. Từ lâu cậu bé đã luôn có trong các video ăn uống của mẹ, mặc dù không làm gì nhưng lại chính là tâm điểm thu hút sự chú ý.
Tuy nhiên mới đây, Quỳnh Trần JP vừa thông báo một tin buồn, từ 13/1 trở đi, cậu bé đáng yêu Sa sẽ không xuất hiện trong các video trên kênh “Quynh Tran JP & Family – Cuộc sống ở Nhật” cùng mẹ nữa.
“Thông báo với mọi người một tin buồn. Kênh YouTube của Quỳnh đã bị tắt bình luận. Quỳnh cũng đã bị tắt luôn tab ‘Cộng đồng’ vì trong video của mình có bé Sa. Từ vlog này trở đi, Quỳnh chỉ quay video một mình mình thôi… Mọi người thông cảm cho Quỳnh”, Quỳnh Trần JP cho biết.
Trước kia, trong các video của Quỳnh Trần đều có bé Sa.
Hiện giờ, bà mẹ thông báo Sa sẽ ngừng xuất hiện cùng mẹ.
Nguyên nhân dẫn tới quyết định trên của Quỳnh Trần là xuất phát từ luật bảo vệ trẻ em của YouTube từ 01/01/2020 quá gắt gao.
Quỳnh Trần phải tuân theo “Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em” (COPPA) mà Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đặt ra cho nền tảng này.
Theo chính sách mới nhất từ YouTube, các quảng cáo nhắm mục tiêu giờ đây sẽ bị hạn chế hiển thị trên các video trẻ em. Những video này cũng sẽ bị vô hiệu hóa phần bình luận và một số tính năng cộng đồng khác.
Trên thực tế việc sử dụng hình ảnh của trẻ hoặc đăng tải các video có liên quan đến trẻ em lên mạng xã hội với bất kì mục đích gì, trong đó có mục đích kiếm tiền từ lâu đã được hạn chế tại Việt Nam.
Theo Nghị định 56/2017 có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, hình ảnh cá nhân, kết quả học tập, tình trạng sức khỏe trẻ em thuộc bí mật đời sống, muốn đăng trên mạng phải được phép của cha mẹ đứa trẻ.
Theo đó, để hợp pháp việc sử dụng hình ảnh, thông tin riêng tư của trẻ lên mạng xã hội, các bậc phụ huynh cũng cần thỏa mãn 2 điều kiện:
- Nhận được sự cho phép/ đồng ý từ trẻ 07 tuổi trở lên.
- Nội dung hình ảnh, video đăng tải đó không được vi phạm điều cấm pháp luật và chính sách riêng của Youtube (như mang tính khiêu dâm, đồi trụy hoặc ảnh hưởng khác đến việc quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em nói riêng hay các cá nhân khác trong cộng đồng nói chung).
Nếu không thỏa mãn 01 trong 02 điều kiện trên thì hành vi quay và đăng tải ấy được xem như đã vi phạm pháp luật.
Trách nhiệm pháp lý sẽ được đặt ra khi cha, mẹ, người giám hộ có những hành vi trái pháp luật để trẻ em tham gia kiếm tiền mà không xuất phát từ sự tự nguyện của trẻ, không vì lợi ích trẻ, lợi dụng hay có các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển, các quyền của trẻ em theo qui định pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi trái pháp luật nêu trên có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo pháp luật hiện hành.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia về tâm lý lứa tuổi thanh thiếu niên, đứa trẻ nếu tiếp xúc và biết đến tiền bạc từ sớm sẽ mất đi những nét ngây thơ, hồn nhiên sẵn có của trẻ. Từ đó, cha mẹ gặp khó khăn khi dạy dỗ, từ đó dẫn đến việc hình thành con người trong tương lai: có thể phát triển tốt nhưng cũng có thể trượt dài trong những thói hư tật xấu.
Tác hại nguy hiểm khi đăng hình con lên mạng xã hội
Trước đó, có một số bà mẹ đã nhận thấy được tác hại khi đăng tải hình ảnh của con tràn lan trên mạng xã hội và lên tiếng cảnh báo, đưa ra lời khuyên cho những bậc phụ huynh khác nhưng có vẻ, vẫn chưa nhiều người quan tâm.
Kate Schweitzer - một bà mẹ có hai cô con gái xinh xắn sống tại Chicago (Mỹ), làm việc ở nhà và tham gia nhiều hoạt động xã hội khác nhau đã chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Tôi đã thường xuyên đăng ảnh con lên mạng xã hội. Thành thật mà nói tôi không nghĩ gì nhiều vì việc đó rất khó tránh khỏi. Mạng xã hội là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi và nó sẽ không biến mất sau khi tôi làm mẹ, tôi đã thông báo về điều đó thông qua một bài đăng trên Instagram với hashtag mới dành cho em bé.
Nhiều năm trôi qua khi tôi có con, đó vẫn là cách tốt nhất để gia đình và bạn bè cập nhật về cuộc sống hằng ngày của chúng tôi. Tôi đã biến gia đình mình thành một cuốn sách mở và tôi không phải người duy nhất làm vậy. Hầu hết các bậc phụ huynh đăng khoảng 1.500 ảnh con trước khi chúng tròn 5 tuổi.
Mặc dù tôi vẫn chưa có kế hoạch dừng việc chia sẻ này, nhưng một chiến dịch mới đã giúp tôi biết được mình nên đăng ảnh trong giới hạn. Có những bức ảnh tôi không nên đăng vì chúng liên quan đến các con của tôi.
(Ảnh minh họa)
Liên minh Cứu hộ trẻ em đã giới thiệu một chiến dịch tên gọi là Kids For Privacy (Vì sự riêng tư của trẻ em) để nhắc nhở các bậc phụ huynh giống tôi rằng những gì tưởng như vô hại lại có thể để lại hậu quả nguy hiểm. Những bức ảnh về dạy bé đi bô, hay ảnh bồn tắm vui nhộn cho đến ảnh bé trần truồng phần dưới đều dễ dàng được tìm thấy với các hashtag phổ biến như #tậpđibô, #đitắm và #trẻkhỏathân.
Những bức ảnh này khiến sự riêng tư của bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng và khiến bé trở nên dễ bị tổn thương trước những kẻ ấu dâm và tội phạm tình dục – những kẻ chủ động tìm đến những bức ảnh trẻ em trong tình trạng khỏa thân. Việc thiết lập quyền riêng tư lỏng lẻo trên các trang mạng xã hội cũng không hề giúp bảo vệ được bé. Theo liên minh Cứu hộ trẻ em, có tới 89% cha mẹ đã không kiểm tra việc cài đặt quyền riêng tư trong hơn một năm.
Chiến dịch này mong muốn bố mẹ hãy nghĩ thật kĩ khi đăng tải ảnh con lên mạng xã hội. Một bước tiến xa hơn nữa, chiến dịch cũng yêu cầu phụ huynh hãy dùng 100 hashtags phổ biến hàng đầu của các bức ảnh xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em để đăng tải các bức ảnh sáng tạo với thông điệp “Hãy bảo vệ quyền riêng tư của con” giúp đòi lại quyền lợi cho trẻ em.
Chiến dịch cũng đã giới thiệu một video giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tác hại của việc đăng ảnh con trên mạng. Tôi đã cảm thấy sợ hãi và một chút tội lỗi khi tự hỏi mình có vô tình khiến con nguy hiểm hay không? Tôi nghĩ mọi phụ huynh đều cần phải xem video này. Dù con là của chúng ta nhưng quyền riêng tư thì là của riêng con”.