Những chi tiết liên quan đến Việt Nam xuất hiện trong phim Hollywood khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao.
Trailer Black Panther: Wakanda Forever.
Black Panther: Wakanda Forever (tựa Việt: Chiến binh Báo Đen: Wakanda bất diệt) đang là cái tên gây sốt phòng vé toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Không chỉ những cảnh quay trong phim, hình ảnh và thông tin bên lề cũng nhận được sự quan tâm từ đông đảo người hâm mộ.
Cụ thể mới đây, mạng xã hội Việt được phen xôn xao về bức ảnh hậu trường lấy bối cảnh Wakanda, khi mà đoàn quân của phản diện Namor đang tấn công theo đường thủy. Cư dân mạng tinh ý phát hiện một món đạo cụ được sử dụng trong cảnh phim có hình dáng giống hệt chiếc cân đồng hồ Nhơn Hoà màu xanh lá, vốn nổi tiếng gắn với văn hoá và đời sống sinh hoạt thường nhật của người Việt.
Một số bình luận thắc mắc liệu cảnh quay được thực hiện tại chợ nổi ở Cần Thơ không. Trên thực tế, khả năng này rất khó xảy ra vì phía nhà sản xuất từng tiết lộ phần lớn cảnh quay diễn ra ở Atlanta, tiểu bang Georgia, Mỹ. Số khác đưa ra lời giải thích hợp lý hơn là những thành viên người Việt thuộc bộ phận hậu kỳ cố tình cài cắm chi tiết thú vị này.
Đây không phải lần đầu tiên hình ảnh Việt Nam xuất hiện đầy ấn tượng trong phim Hollywood. Hồi tháng 8, nhiều người hâm mộ điện ảnh tỏ ra thích thú khi bắt gặp hình ảnh chiếc cầu xuất hiện trong phim The Sandman rất giống với Cầu Vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng.
Ngay từ tập 1, hình ảnh chiếc cầu uốn cong được nâng đỡ bởi hai bàn tay khổng lồ vươn ra khỏi mặt nước đã xuất hiện trước lâu đài của nhân vật Mộng Đế. Theo các fan của truyện tranh DC, cây cầu có hai bàn tay đỡ hoàn toàn không có trong tác phẩm truyện gốc. Vì vậy, nhiều người cho rằng các nhà sáng tạo của The Sandman đã lấy Cầu Vàng Việt Nam làm cảm hứng để kiến tạo nên cây cầu kỹ xảo trong phim. Cũng có người cho rằng đây có lẽ là một thỏa thuận ngầm giữa nhà sản xuất và đơn vị quản lý Cầu Vàng.
Trước đó, Hang Én, Ninh Bình, Vịnh Hạ Long cũng được chọn để minh họa cho xứ tiên trong bộ phim Pan. Thời lượng các thắng cảnh này xuất hiện trên màn ảnh khá dài và chân thực, đủ để bất kỳ ai từng biết hay đặt chân tới ba địa danh trên đều nhận ra. Từ những rặng núi đá vôi hùng vĩ, trùng điệp giữa mây trời, nước non xanh biếc Hạ Long; cho đến con sông trong veo uốn mình giữa cánh đồng xanh mướt và hang động hùng vĩ với tầng tầng thạch nhũ; tất cả đều là “tiên cảnh” có một không hai.
Ở thập niên 90 của thế kỷ trước, Người Mỹ trầm lặng và Chào buổi sáng, Việt Nam cũng là 2 tựa phim làm cầu nối đưa hình ảnh miền Nam Việt Nam tới gần hơn với công chúng quốc tế. Ở Chào buổi sáng, Việt Nam; khán giả vẫn có thể nhận ra hình thân quen của làng quê Việt Nam như cánh đồng xanh mướt, rặng dừa xào xạc hay cô gái Việt trong tà áo dài tha thướt, vành nón che nghiêng nụ cười dịu dàng.
Trong khi đó, đạo diễn Noyce chọn phố cổ Hà Nội để tái hiện lại khung cảnh Sài Gòn thập niên 50 ở Người Mỹ trầm lặng, với những biển hiệu bằng tiếng Pháp và các ngôi nhà cổ kính nhỏ xinh. Đoàn làm phim phải làm việc công phu, tỉ mỉ ở từng địa điểm trong thời gian 12 giờ mỗi ngày để thu lại khung hình đẹp nhất.