Một trong những nhược điểm chính của trần thạch cao chính là dễ nứt, dễ gây sụt, bể trần.
Khi trang trí một ngôi nhà mới, việc thiết kế trần nhà là rất quan trọng vì nó quyết định trực tiếp đến phong cách và đẳng cấp của ngôi nhà. Trước đây, nhiều người thích lắp trần thạch cao. Nhưng ngày nay, ngày càng ít người làm trần thạch cao vì nhận thấy loại trần này có nhiều vấn đề từ khi thi công cho đến sử dụng sau này.
Tại sao ngày càng nhiều người không làm trần thạch cao?
1. Quy trình thi công trần khá phức tạp
Để làm trần thạch cao, người thợ cần sử dụng khung xương bằng thép nhẹ hoặc gỗ, sau đó dùng súng bắn đinh để cố định các tấm ván và tấm thạch cao vào khung. Cuối cùng, họ sẽ tiến hành trát bột và sơn lớp sơn lót.
Quy trình này không chỉ phức tạp mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu thi công không đúng cách, trần có thể bị sụt xuống hoặc biến dạng. Thêm vào đó, thời gian thi công cũng khá lâu, thường mất ít nhất 2 tuần trở lên. Chính vì những lý do này, nhiều người đã quyết định không làm trần thạch cao.
2. Dễ bị nứt
Một trong những nhược điểm chính của trần thạch cao chính là dễ nứt, dễ gây sụt, bể trần. Có khả nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, chẳng hạn như thiết kế trần thạch cao không đúng tiêu chuẩn, sử dụng vật liệu trần thạch cao không tương đồng với nhau, thi công không đúng kỹ thuật.
Ngoài ra, tình trạng nứt trần thạch cao cũng có thể là do nhiệt độ và độ ẩm của mái nhà bị biến đổi liên tục. Do kê trần thạch cao gần với mái nhà hoặc không có giải pháp che chắn, chống nóng phù hợp, từ đó dẫn đến sự giãn nở của nhiệt độ và làm nứt trần.
Ngoài ra, có những nguyên nhân khách quan gây nứt trần thạch cao như trần nhà bị ngấm nước, treo vật trang trí quá nặng,… Những điều này sẽ tác động trực tiếp lên trần thạch cao và khiến chúng bị nứt.
3. Dễ bị ngấm nước, ẩm mốc
Nhược điểm lớn nhất của trần thạch cao là kỵ nước. Theo các chuyên gia, trần thạch cao có khả năng hấp thụ nước cao. Khi gặp phải độ ẩm, nếu không được xử lý kịp thời, thạch cao sẽ dần bị mục nát, dẫn đến việc trần nhà có màu ố vàng, mốc đen, thậm chí là hư hỏng hoàn toàn.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực phía Nam, nơi có nhiều mưa, làm tăng độ ẩm trong không khí. Nước có thể đọng lại trên bề mặt trần và từ từ thẩm thấu vào bên trong, gây ra hiện tượng ẩm mốc.
4. Chi phí thi công cao
Chi phí thi công trần thạch cao thường cao do quy trình thực hiện phức tạp. Đặc biệt, với những mẫu trần có thiết kế cầu kỳ, giá thành sẽ càng tăng.
Khi trần nhà bị biến dạng, nứt nẻ hoặc bị mốc, việc sửa chữa cần được thực hiện kịp thời để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, quá trình sửa chữa trần nhà thường yêu cầu phải tháo dỡ các tấm vật liệu, dẫn đến việc phát sinh nhiều rác thải và bụi bẩn.
Điều này sẽ gây khó khăn nếu gia đình đã chuyển vào ở. Ngoài ra, chi phí cho việc sửa chữa thường khá cao và liên quan đến nhiều công đoạn như tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt trần mới, trát bột và sơn lại.
Thiết kế thay thế trần thạch cao được ưu chuộng hiện nay
Ngày càng có nhiều phương pháp thay thế trần thạch cao, vừa cải thiện được tính thẩm mỹ, vừa nâng cao độ bền cũng như khả năng cách âm, cách nhiệt hoặc thậm chí là giảm trọng lượng cho công trình. Bạn có thể tham khảo những phương pháp sau khi làm trần nhà:
1. Trần nhôm (trần panel nhôm)
Trần nhôm sử dụng các tấm panel nhôm với đặc tính nhẹ, bền, có tuổi thọ cao, ít bị hư hỏng. Việc lắp đặt trần nhôm cũng tương đối đơn giản, nhanh chóng và không tốn nhiều công sức.
Đặc biệt, trần nhôm còn có khả năng chống ẩm mốc, dễ vệ sinh, không bám bụi. Chính vì thế, loại trần này rất phù hợp cho các không gian yêu cầu chống cháy, chống ẩm cao như phòng tắm, nhà bếp
Tuy nhiên, trần nhôm thường có một vẻ ngoài khá công nghiệp và có thể không phù hợp với các thiết kế sang trọng, cổ điển.
2. Trần vải căng
Là phương pháp sử dụng một tấm vải đặc biệt được kéo căng trên khung kim loại. Trần vải căng có ưu điểm là dễ dàng tạo hình theo nhiều phong cách, từ đó có thể tạo ra những thiết kế độc đáo, hiện đại với nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau, dễ dàng phù hợp với phong cách trang trí nội thất.
Bên cạnh đó, trần vải căng còn có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, giúp điều chỉnh nhiệt độ và tiếng ồn trong không gian. Vải căng có khả năng chống ẩm và dễ dàng vệ sinh, bề mặt trơn láng không bám bụi.
Tuy nhiên, vải căng có thể bị rách, hỏng nếu không được bảo quản tốt, nhất là khi chịu tác động mạnh hoặc môi trường có nhiệt độ và độ ẩm quá cao. Và nếu không được vệ sinh định kỳ, nó có thể gây ra mùi hoặc mất thẩm mỹ.
3. Trần gỗ hoặc vật liệu composite
Nhiều người cũng sử dụng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, thậm chí các vật liệu composite để thay thế trần thạch cao. Những loại trần này có tính thẩm mỹ cao và tạo ra không gian ấm cúng, sang trọng cho không gian nhà ở.
Độ bền của loại trần này được đánh giá cao. Gỗ có độ bền cao và khả năng chịu lực tốt. Vật liệu composite (gỗ + nhựa) cũng rất bền, không bị mối mọt và ít bị tác động bởi môi trường. Gỗ tự nhiên cũng là vật liệu có khả năng cách âm khá hiệu quả, giúp tạo không gian yên tĩnh.
Thế nhưng, loại trần này cần bảo trì kỹ càng vì dễ bị mối mọt, ẩm mốc, đặc biệt trong môi trường ẩm ướt. Gỗ cũng có thể bị trầy xước, mất màu theo thời gian, cần phải bảo dưỡng và sơn lại định kỳ để duy trì vẻ đẹp.
4. Trần bê tông lộ
Một xu hướng phổ biến trong các thiết kế hiện đại là giữ nguyên bề mặt bê tông của trần, không làm phủ lớp thạch cao. Trần bê tông lộ mang lại cảm giác mạnh mẽ, phong cách công nghiệp, phù hợp với các thiết kế hiện đại, cá tính.
Trần bê tông có độ bền rất cao, chịu lực tốt và không dễ bị hư hỏng. Vì không cần phải làm lớp trần thạch cao hoặc vật liệu khác, trần bê tông lộ giúp tiết kiệm chi phí thi công.
Tuy nhiên, trần bê tông lộ có nhược điểm là làm lộ ra các dây điện, ống nước, hệ thống điều hòa... điều này có thể làm mất thẩm mỹ hoặc gặp khó khăn trong việc sửa chữa sau này. Bề mặt bê tông có thể tích tụ bụi bẩn, rất khó vệ sinh nếu không có biện pháp bảo dưỡng tốt.