NTK Thủy Nguyễn chia sẻ về cảm hứng thời trang mới và những lời khuyên thẳng thắn cho người trẻ yêu thiết kế.
Khi Gấm và Denim về một nhà!
-Chị được coi là "người đàn bà của gấm" phần vì chị có công mang chất liệu cổ điển này hòa nhịp với đương đại. Phải chăng sau một thời gian chị đã thấy nhàm chán và tìm đến denim để "đổi gió"?
Tôi đang đầy hứng khởi để kết hợp những điều thú vị khác nhau vào các thiết kế của mình.
Vì Gấm là một chất liệu mang tính truyền thống nên khi nghĩ đến Gấm, mọi người thường nghĩ đến những giá trị xưa cũ. Do đó, việc kết hợp Gấm với Denim, một chất liệu hiện đại, mới mẻ và gần như đối lập với Gấm sẽ tạo ra được hiệu ứng mới trong thiết kế.
- Gấm và Denim là hai chất liệu được cho rằng rất xa khác, khó mà đến với nhau được. Chị thì đang nhập chúng làm một, chắc hẳn chuyện "mai mối" này rất khó khăn đúng không?
Tôi hy vọng là chuyện tình này sẽ có hậu! (cười)
Đúng là những khó khăn tôi gặp phải nằm ở tính chất của từng loại vải. Trong khi Gấm thường sử dụng cho các dịp sang trọng thì Denim lại là một chất liệu của những cuộc gặp mặt thường nhật, không trịnh trọng. Vì vậy, khó khăn nằm trong yếu tố thiết kế thời trang khi kết hợp hai chất liệu này.
Việc nhập chất liệu cũng là một khó khăn khác khi việc tìm được chất liệu đạt chất lượng như ý muốn là không hề dễ dàng. Ở Việt Nam chưa có nhiều lựa chọn cho Gấm nên việc nhập khẩu chất liệu đã đẩy giá thành cao và chưa thỏa đáng với túi tiền người mua.
NTK Thủy Nguyễn tham gia vào từng công đoạn cắt may, tạo hình sản phẩm với những người thợ của mình.
Câu chuyện của Gấm được tiếp nối cùng Denim.
- Sự kết hợp lần này có thể được xem là chị tìm khách hàng mới cho mình?
Tôi muốn chinh phục thêm những khách hàng khó tính hơn.
Tôi đã quen thuộc với việc làm đẹp cho phụ nữ ở độ tuổi 30+. Họ là những người trẻ trung và có định hình về phong cách riêng cho mình. Khách hàng đã quen với phong cách của những bộ sưu tập trước nên việc thay đổi quan điểm của khách sẽ là một bước khó khăn. Đôi khi, việc thay đổi quan điểm của bản thân trong từng thiết kế cũng là một khó khăn khác.
Với thể nghiệm lần này số lượng khách có thể sẽ giảm xuống, tuy nhiên tôi thật hào hứng được nhìn thấy những khách hàng mặc đồ mới lần này. Như một cái duyên mà mình tạo ra từ thời trang để được gặp nhiều người cá tính, mới mẻ hơn.
- Chị hãy dành vài từ để mô tả về cặp đôi mà chị đang xe duyên: Gấm và Denim được không?
Mạnh mẽ, Cá tính, Phá cách (hoặc năng động, do khách hàng tuy có độ tuổi trên 30 nhưng là người hiện đại và linh động).
Dù giấu thân thể, người phụ nữ quyễn rũ vẫn gây tò mò...
- Là một họa sĩ trước khi làm nhà thiết kế thời trang, chị thường đặt các yếu tố nghệ thuật nào vào trong từng sản phẩm?
Lần này tôi nhấn mạnh các họa tiết mây cổ bồng bền xen lẫn thiết kế cách điệu và hình khối cùng với màu sắc truyền thống của Gấm.
Những hoạ tiết trong các bộ sưu tập trước cũng được dùng để kết hợp với Denim như một phương thức cách điệu, dù hoạ tiết cổ xưa nhưng không cổ hủ. Ngoài ra tôi cũng kết hợp mảng miếng trên vải, cấu trúc lệch, những đường cong và kỹ thuật thêu tay tinh xảo.
- Vẻ đẹp đường cong chuẩn mực của phụ nữ có truyền cảm hứng sáng tạo cho chị không? Bởi các thiết kế trước đây của chị thường theo đuổi phom suông, dập dìu, phóng khoáng. Những thiết kế Gấm-Denim lần này chị có dành tặng cho người phụ nữ cụ thể nào không?
Cảm hứng thiết kế của tôi không chỉ đến từ đường cong của phụ nữ mà còn được đúc kết từ vẻ quyến rũ của họ. Vẻ quyến rũ của người phụ nữ nằm ở ánh mắt, hình tượng, thần thái và cách họ thể hiện sự tự tin của bản thân minh.
Các thiết kế lần này tôi muốn dành tặng cho tất cả những người phụ nữ tự tin, những người dám đổi mới quan điểm cá nhân và bản thân. Khi họ khoác quần áo lên người cũng là lúc họ kể lại câu chuyện của mình, thể hiện tâm trạng và cho phép người đối diện cảm nhận được những sắc thái mà họ đang mang.
Đối với tôi, một người phụ nữ quyến rũ là một người phụ nữ năng động, mạnh mẽ, dù giấu thân thể của mình trong một bộ váy những vẫn làm cho người đối diện tò mò.
Phác thảo họa tiết mây cổ bồng bềnh...
...Đã chạm đều trên mặt vải.
- Có chi tiết nào trong các thiết kế Gấm - Denim lần này khiến chị lấn cấn, chưa hài lòng?
Tôi lo lắng phần họa tiết trong các kết hợp lần này sẽ khó đáp ứng như cầu của khách hàng do mỗi người đều có sở thích khác nhau về họa tiết hay màu sắc. Tuy nhiên, chỉ có thể biết được mọi người nghĩ gì sau khi tất cả được ra mắt.
Tôi luôn muốn được làm việc thêm với nhiều chất liệu khác và biến hóa kỹ thuật nhưng vì có một số hạn chế như việc khách thích và không thích gì. Đôi khi tôi tự hỏi mình có tự tin vào lựa chọn của mình, rằng mình đã làm đúng hay chưa?!
- Vừa thành công trong nghệ thuật hội họa, vừa phát triển tốt công việc kinh doanh thiết kế, vậy chị có ý định lấn sân sang lĩnh vực khác trong thời gian tới không?
Tôi đã dành rất nhiều tâm huyết của mình vào hai lĩnh vực thời trang và hội hoạ. Hoạ sĩ là nghề và thiết kế thời trang là đam mê. Vì vậy, việc lấn sân lĩnh vực khác hãy để thời gian trả lời vì con người ai cũng tham lam, tuy nhiên sức mình lại có hạn.
- Nếu không chọn lĩnh vực thời trang, chị có nghĩ mình sẽ hướng đến lĩnh vực nào ngoài hội họa?
Tôi có rất nhiều sở thích, như làm phim, âm nhạc hay dạy vẽ cho trẻ em. Mọi thứ tôi làm, đa phần mang mục đích nâng cao chất lượng sống, cải thiện và kiểm soát được cuộc sống của mình hơn, giúp bản thân tự chủ và trau dồi nhiều kỹ năng sống hơn.
Tôi quan niệm rằng, để cải thiện cuộc sống không có nghĩa là phải học những thứ quá to lớn. Dù cơ thể là vật chất hiện hữu nhưng tinh thần của bản thân cũng quan trọng không kém.
Thủy Nguyễn luôn muốn được làm việc thêm với nhiều chất liệu khác và biến hóa kỹ thuật.
Hãy luôn làm việc có tâm!
- Điều đáng nhớ nhất trong suốt quãng thời gian làm nhà thiết kế thời trang của chị là gì?
Điều tôi nhớ nhất và tự hào nhất gắn với cái tên Thuy Design House: đây là ngôi nhà mà tất cả thành viên đều yêu quý nhau và cùng làm việc thân thiết, cho dù nhân viên từ xưa không còn làm việc với tôi nữa. Mỗi năm đến ngày sinh nhật, mọi người vẫn đều đặn gửi bánh. Điều này thể hiện rằng nhân viên vẫn còn tình cảm với tôi, và tôi xem đây như một ngôi nhà thứ hai của mình.
Có một câu chuyện cụ thể về điều này. Một lần, một nhân viên của tôi xin nghỉ việc. Tối đó khi đi làm về, tôi nhận được một chiếc bánh đặt sẵn trên bàn kèm 1 thiệp với lời nhắn nhủ thân tình từ bạn nhân việc nọ.
Đây chính là tình cảm thật sự mà tôi luôn trân trọng.
Tôi muốn thay mặt bố mẹ để nâng đỡ thế hệ trẻ, tôi muốn nhân viên ra đời được nâng đỡ, dạy dỗ từ những thứ nhỏ bé như sự quan tâm chia và chia sẽ trong công việc. Điều này làm tôi thấy tự hào vì tình người. Và tôi biết rằng mình không thể tự xây dựng "ngôi nhà thiết kế" mà không có mọi người. Thành công lớn nhất và đáng nhớ nhất với tôi chính là những thứ tình cảm này chứ không phải những điều mà mọi người đang thấy.
- Chị có lời khuyên nào dành cho những người trẻ yêu nghệ thuật và thời trang không?
Tôi thấy các bạn hiện giờ chưa biết vượt khó. Các em làm việc không có tâm, các em sống nhanh, sống ảo, không nhìn thấy sự thật vấn đề và không biết mình muốn gì.
Thêm nữa, khi các bạn biết mình muốn gì, các bạn liền đòi hỏi do các bạn không tự đánh giá mình. Các bạn dễ bị lung lay, sống thiếu thực tế, làm việc không có tâm và lùi bước khi gặp khó khăn thay vì tìm cách vượt qua.
Mặc dù tôi lớn tuổi hơn các bạn và tôi biết xã hội bây giờ khác với xã hội của tôi ngày xưa, nhưng tôi vẫn hiểu được các bạn. Tôi hi vọng các bạn làm việc có tâm hơn và luôn biết áp sát thực tế, hiểu rõ bản thân và giá trị của mình.
Cám ơn chị về những chia sẻ thú vị!
Từ một họa sĩ tới nhà thiết kế thời trang là trải nghiệm tuyệt vời của Thủy Nguyễn.