Để chuẩn bị hành trang bước vào môi trường học tập mới, các sĩ tử cùng phụ huynh có thể thực hiện những típ dưới đây để chủ động tìm hiểu về ngành học, nâng cấp kỹ năng.
Trước khi điểm chuẩn xét tuyển được trường đại học, cơ sở giáo dục công bố, các học sinh không nên lo lắng, suy nghĩ quá nhiều. Thay vào đó, hãy tận dụng thời gian ngắn ngủi trước khi bước vào một hành trình mới, để trau dồi kỹ năng sống hoặc học thêm ngoại ngữ, rèn luyện bản thân, sẵn sàng bước vào giảng đường đại học.
1. Nghiên cứu, tìm hiểu về ngành học
Để chuẩn bị hành trang, sẵn sàng nhập học bạn có thể dùng khoảng thời gian này để tìm hiểu rõ hơn về ngành học tương lai. Đặc biệt, hãy tìm hiểu về chuẩn đầu ra, cơ hội nghề nghiệp của ngành sau khi tốt nghiệp. Tìm hiểu kỹ về ngành học giúp bạn nắm bắt được nội dung, phương pháp học tập và các kiến thức kỹ năng cần thiết để thành công trong lĩnh vực đó.
Việc tìm hiểu về phương pháp giảng dạy và quá trình học tập giúp sĩ nhìn trực diện vào hiện thực của ngành, nghề đang quan tâm.
Ngoài ra, khi tìm hiểu tất tần tật thông tin về chương trình học, bạn sẽ nhanh xác định phương hướng, đặt ra lộ trình thăng tiến trong học tập và dần chinh phục cột mốc mới.
2. Tham gia khóa học ngắn hạn
Bước vào môi trường đại học, sinh viên cần phải tự trang bị những kiến thức, kỹ năng chuyên môn để phục vụ công tác học tập tại giảng đường. Vì thế, để tận dụng tối đa thời gian nghỉ trước khi bắt đầu bước vào môi trường đại học, các bạn học sinh có thể học hỏi, trau dồi kỹ năng liên quan như giao tiếp, khả năng thuyết trình trước đám đông hoặc sử dụng các phần mềm công nghệ như Word, Excel, Photoshop…
3. Chuẩn bị hồ sơ cá nhân, giấy tờ có liên quan
Hồ sơ cá nhân cùng các giấy tờ liên quan giúp nhà trường xác minh thông tin của sinh viên, bao gồm thông tin cá nhân, học lực và các thông tin có liên quan. Đây là một việc làm đặc biệt quan trọng mà thí sinh không nên bỏ qua, nó là yếu tố để giúp thí sinh đủ điều kiện để theo học tại trường sau khi trúng tuyển.
Các sĩ tử có thể công chứng giấy tờ, hồ sơ cá nhân trong khoảng thời điểm này để sẵn sàng nhập học khi có quy định từ các trường đại học.
Vì thế, các loại giấy tờ, thông tin cá nhân cần được chuẩn bị kỹ càng để không mất nhiều thời gian khi bước vào thời điểm cần hoàn thành hồ sơ nhập học và gửi về trường. Khi chuẩn bị trước từ sớm, sĩ tử sẽ tránh tình trạng gấp rút, căng thẳng vào thời điểm nhập học và có thời gian kiểm tra lại nhiều lần, đảm bảo không thiếu sót giấy tờ.
4. Chuẩn bị khả năng ngoại ngữ
Hiện nay, các trường đại học đều yêu cầu chuẩn ngoại ngữ riêng, phải có bằng chứng chỉ ngoại ngữ, minh chứng được năng lực và khả năng sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt của sinh viên. Vì thế, trong thời gian trước khi nhập học, các bạn học sinh có thể tìm hiểu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường đại học dự định xét tuyển.
Sau đó, hãy sử dụng khoảng thời gian hiện tại để lên kế hoạch học tập, chủ động tìm kiếm tài liệu có liên quan và trau dồi khả năng ngoại ngữ mà bạn yêu thích.
5. Liên hệ với sinh viên các khóa trước
Sinh viên các khóa trước có kinh nghiệm thực tế về chương trình học, phương pháp giảng dạy và yêu cầu của ngành. Vì vậy, để không khỏi bất ngờ, bỡ ngỡ với chương trình học mới ở giảng đường đại học, bạn có thể tham khảo, hỏi ý kiến từ những anh chị sinh viên đi trước.
Bên cạnh đó, trong quá trình liên hệ cùng các sinh viên khóa trên, bạn có thể giao lưu, mở rộng mối quan hệ và học hỏi kinh nghiệm học tập. Từ những lời khuyên này có thể giúp bạn thích nghi nhanh chóng và đạt kết quả tốt hơn.
6. Tham khảo câu lạc bộ tại trường đại học
Bước vào môi trường đại học, chắc chắn sinh viên cần phải nâng cấp bản thân, mở rộng nhiều mối quan hệ. Vì thế, không chỉ miệt mài sách vở cùng giảng viên, sinh viên cần tham gia các câu lạc bộ để trau dồi kỹ năng khác.
Từ các câu lạc bộ, sinh viên có thể học hỏi kiến thức về đa lĩnh vực, học cách hoạt động, làm việc nhóm và trau dồi kỹ năng giao tiếp trước đám đông.
Ngày nay, ở các trường đại học đều có nhiều câu lạc bộ, đội nhóm được chia theo chuyên ngành, sở thích về thiện nguyện hoặc văn thể mỹ. Có những trường đại học mạnh về hoạt động phong trào, công tác xã hội… sở hữu hàng chục câu lạc bộ khác nhau. Vì thế, trong khoảng thời gian đợi điểm chuẩn, sĩ tử có thể tìm kiếm, tham khảo một số câu lạc bộ ở các trường đại học dự định xét tuyển. Từ đó, bạn tìm ra câu lạc bộ phù hợp, chuẩn bị kỹ năng để ứng tuyển và trở thành thành viên của các tổ chức tương ứng với khả năng của bản thân.
7. Dành thời gian tìm hiểu bản thân mình
Trước khi nhập học, bạn nên dành thời gian để trò chuyện với chính mình. Bạn cần hiểu rõ sở thích cá nhân để lựa chọn các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ hoặc nhóm bạn có cùng đam mê. Từ đó, giúp cân bằng giữa học tập và cuộc sống cá nhân.
Hiểu rõ sở thích cá nhân còn giúp lựa chọn ngành học phù hợp, không bị nặng nề, áp lực. Khi học tập trong một lĩnh vực mà bạn đam mê, bạn sẽ có động lực phấn đấu, cảm thấy hứng thú, dễ dàng đạt được thành công.
8. Đọc sách, tìm thêm tài liệu chuyên môn
Ở môi trường đại học chủ yếu kiến thức sẽ đến từ giảng viên hoặc được tích luỹ trong quá trình tự học, miệt mài tìm kiếm tài liệu, mở rộng kiến thức với các đầu sách chuyên ngành. Vì thế, khi bạn đã xác định được mục tiêu ngành học, mục tiêu nghề nghiệp hãy tìm kiếm, tham khảo các tài liệu chuyên môn.
Khi tập trung đọc sách, bạn có thể trau dồi kiến thức, giảm stress và tăng khả năng lập luận, diễn đạt thông qua những trang sách bổ ích.
9. Lập kế hoạch tài chính
Khi bước vào môi trường đại học, gần như sinh viên sẽ có một cuộc sống mới độc lập và không còn phụ thuộc nhiều vào gia đình. Vì thế, các chi phí sinh hoạt, học tập, đòi hỏi sinh viên phải biết cân bằng tài chính, sử dụng tiền bạc phù hợp.
Vì thế, trong khoảng thời gian trước khi biết điểm chuẩn, các sĩ tử có thể tham khảo ý kiến từ người thân, bạn bè hay anh chị đi trước để giải bài toán sinh hoạt phí và cách để tiết kiệm tiền khi chuẩn bị đặt chân vào môi trường mới.
10. Vui chơi thư giãn, không áp lực điểm số
Trong thời gian nghỉ ngơi này, bạn cần thoải mái về tâm lý sau kỳ thi căng thẳng. Điểm thi đã thể hiện rõ sự nỗ lực, cố gắng trong suốt 12 năm đèn sách. Có thể điểm số vẫn chưa đạt như kỳ vọng nhưng bạn hoàn toàn có quyền tự hào về thành tích vừa qua.
Hãy dành thời gian nghỉ trước ngày công bố điểm chuẩn đại học để thực hiện sở thích, tham gia hoạt động vui chơi lành mạnh để giảm căng thẳng, gạt bỏ lo âu, muộn phiền.