Theo các chuyên gia, việc phẫu thật lấy nội tạng vô cùng khó khăn và cần phải nhiều loại dung dịch đặc biệt, vì thế thông tin bắt cóc, mổ lấy nội tạng ở Hà Giang là hoang đường.
Trong những ngày qua, dư luận tỉnh Lào Cai, Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung vô cùng hoang mang, lo lắng trước cảnh báo về việc xảy ra việc bắt cóc người già, trẻ em để mổ lấy nội tạng. Thông báo trên không chỉ mang tính cảnh báo mà còn có dẫn chứng về 16 trường hợp đã xảy ra, đồng thời có dấu đỏ đóng dấu của công an khiến người dân càng lo lắng hơn.
Thông báo của công an huyện Si Ma Cai - Lào Cai.
Hiện tại các những người đứng đầu cơ quan công an của 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang nơi được cho là xảy ra sự việc bắt cóc trẻ con đều đã phủ nhận thông tin xảy ra vụ việc trên địa bàn, đồng thời cho biết sẽ xử lý nơi đã đưa ra thông báo.
Về phía chuyên môn y tế, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên GĐ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho biết, đó là thông tin gây hoang mang dư luận, không đúng sự thật. Theo PGS Quyết, việc phẫu thuật lấy nội tạng vô cùng phức tạp và trải qua rấy nhiều khâu với nhiều loại dung dịch, thuốc đặc biệt để rửa và giữ tạng, đặc biệt là điều kiện bảo quản ngoài môi trường cũng vô cùng kỹ lưỡng và được theo dõi bởi nhân viên y tế.
Khi tạng đã được lấy ra ngoài cơ thể rất dễ nhiễm khuẩn nên mọi trang thiết bị phải đảm bảo vô trùng hoàn toàn. Vì thế việc bắt cóc mổ tạng ở nơi hoang vắng rồi mang đi nơi khác là không thể thực hiện được.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên GĐ Bệnh viện Việt Đức.
Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, chuyên gia đầu ngành về ghép tim, trưởng khoa Tim mạch – Lồng ngực (BV Việt Đức) cho rằng, thông thường sau khi lấy tạng ra khỏi người hiến, có thể bảo quản trong vòng 6-8 tiếng trước khi ghép vào người nhận. Tuy nhiên, thời gian lý tưởng nhất tùy thuộc vào loại tạng được hiến và ghép. Ví dụ như ghép tim là từ 4-6 tiếng, gan từ 6-8 tiếng, thận từ 8-10 tiếng.
Do ghép tạng ở Việt Nam là ứng dụng công nghệ của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam, nên so với các nước trên thế giới, công nghệ bảo quản tạng tại Việt Nam về cơ bản là hoàn toàn giống với các nước phát triển có những quy trình hiện đại nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Cuối cùng các chuyên gia nhận định: “Việc phẫu thuật lấy tạng và ghép tạng được thực hiện trong phòng mổ với ê kíp hàng chục người tham gia còn gặp khó khăn nhất định, nên việc bắt cóc mổ lấy nội tạng để bán như thông tin xuất hiện trên mạng là điều không tưởng”.
Liên quan đến thông tin trên Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an khẳng định thông tin bắt cóc lấy nội tạng tại Hà Giang là bịa đặt, không có thật và ông cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2016 và những năm trước đây, chưa có tình trạng bắt cóc trẻ em, người già mổ bụng lấy nội tạng bán sang trung Quốc”.