Ngay khi vừa nhìn thấy chiếc kẹp tóc trên đầu bé gái, chuyên gia đã hốt hoảng đề nghị tháo ngay xuống.
Trong thời cổ đại của Trung Quốc, những chàng trai, cô gái đến độ tuổi 15-20 tuổi sẽ được tổ chức lễ trưởng thành. Con trai đến 20 tuổi cử hành Quán lễ (tức lễ đội mũ), con gái đến 15 tuổi cử hành Kê lễ (tức lễ cài trâm). Những chàng trai, cô gái được trao những chiếc mũ hoặc trâm cài tóc sẽ ngầm hiểu rằng mình đã lớn, phải thực hiện những trách nhiệm và nghĩa vụ như một người trưởng thành.
Cho đến nay, một số gia đình tại Trung Quốc vẫn duy trì truyền thống tặng mũ, trâm hoặc kẹp tóc cho con cái để chúc mừng họ đã lớn khôn. Một bé gái người Trung Quốc cũng được bà nội tặng cho một chiếc kẹp tóc vô cùng đẹp. Vì tò mò với nguồn gốc của chiếc kẹp tóc này, cô bé đã đem nó tới chương trình "Kiểm định cổ vật" của đài truyền hình trung ương CCTV, với mong muốn nhờ các chuyên gia thẩm định nó.
>> Xem thêm:
Nhặt được viên đá sáng choang trong công viên, cặp vợ chồng choáng váng khi đem đi kiểm định
Đi chặt tre phát hiện bên trong có chất lỏng thơm ngọt, người đàn ông bất ngờ khi nếm thử
Cô bé nói với chuyên gia rằng chiếc kẹp tóc này được truyền lại từ bà nội, sau đó khi cô làm lễ trưởng thành đã được bố tặng lại như một món đồ gia truyền. Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc kẹp tóc này, cô bé vô cùng thích thú. Hơn nữa, bố của bé gái còn nói với mẹ của em rằng đây là một bảo bối. Vì tò mò, cô bé đã đem nó tới cho các chuyên gia kiểm định.
Sau khi nghe xong câu chuyện, các chuyên gia đã mời bé gái xuất hiện. Cô bé cũng nói rằng chiếc kẹp tóc này đang nằm ngay trên đầu mình. Không thể ngờ, khi vừa xem qua chiếc kẹp tóc, chuyên gia đã hốt hoảng nói với bé gái: "Mau tháo nó xuống ngay!".
Trước sự bàng hoàng vô cùng khó hiểu của chuyên gia, bé gái cũng trở nên bối rối, liền nhanh chóng gỡ chiếc kẹp tóc xuống một cách cẩn thận. Những khán giả có mặt trong chương trình hôm đó cũng cùng chung tâm trạng với bé gái, tỏ ra bất ngờ và khó hiểu, không biết tại sao chuyên gia lại có thái độ nóng nảy như thế.
Sau khi đã xem xét kỹ càng, chuyên gia giải thích rằng chiếc kẹp tóc này được làm từ lông của chim phỉ thúy. Người tạo ra chiếc kẹp này đã mạ bạc khung bên ngoài, sau đó đính lông chim phỉ thúy lên. Kỹ nghệ này được gọi là "điểm thúy", vô cùng tinh vi và phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao, chỉ những người chuyên nghiệp mới làm ra được. Lông chim phỉ thúy có màu thúy lam, không chỉ mịn màng mà còn tỏa sáng lấp lánh, gần như không bị phai màu theo thời gian. Hơn nửa, chim phỉ thúy là một loài chim quý và đang ngày càng hiếm dần, được đưa vào danh sách động vật cần được bảo vệ, do đó trang sức làm từ nó cũng vô cùng quý hiếm.
Loại thủ công "điểm thúy" trên xuất hiện từ thời nhà Minh đến thời Trung Hoa Dân Quốc, lên đến đỉnh cao ở thời vua Càn Long nhà Thanh, hiện nay gần như không còn nữa. Chuyên gia nhận định rằng chiếc kẹp tóc mà bé gái mang đến có từ thời nhà Thanh.
Lý do khiến chuyên gia hốt hoảng muốn bé gái gỡ chiếc kẹp tóc xuống là vì nó đã rất cũ, tuổi đời có thể lên đến hàng trăm năm, do đó lông chim phỉ thúy rất dễ bị bong ra. Đây là một đồ vật rất quý, nếu bị hỏng sẽ vô cùng tiếc nuối. Vì vậy, chuyên gia mới khuyên bé gái nên giữ gìn và nâng niu cẩn thận, biết đâu sau này có thể truyền lại cho đời sau để họ cũng biết tới một nghề thủ công vô cùng tinh tế đã bị mai một này.