Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Vừa làm vừa 'mò'

Ngày 31/12/2014 09:47 AM (GMT+7)

Trong chương trình giáo dục mầm non có 5 lĩnh vực nhưng trong bộ chuẩn chỉ có 4 lĩnh vực phát triển (thiếu lĩnh vực phát triển thẩm mỹ) khiến các trường gặp khó khăn.

Nội dung bộ chuẩn phát triển phát triển trẻ 5 tuổi đã có nhưng bộ công cụ theo dõi đánh giá lại chưa có; nội dung chương trình giáo dục mầm non và nội dung bộ chuẩn còn “vênh” nhau… là thực tế sau khi TPHCM thí điểm áp dụng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi tại một số trường mầm non.

Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi: Vừa làm vừa mò - 1

Khuyến khích trẻ hay hạ chuẩn?

Cô Thu Thảo (Trường Mầm non 19/5) cho biết, khi áp dụng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi vào chương trình, giáo viên phải tự thiết kế các phương tiện để thực hiện. Đơn cử như để đo chỉ số yêu cầu trẻ bật xa tối thiểu 50cm, giáo viên cắt miếng đệm bằng cao su kích thước 50x50cm.

Tuy nhiên, khi áp dụng, có một số học sinh không thể bật qua lá sen có chiều rộng 50cm nên giáo viên cắt lại lá sen với 3 loại kích thước 40x50cm, 45x50cm và 50x55cm để khi cho trẻ thực hiện có thể hạ bớt yêu cầu cho trẻ vận động kém và nâng yêu cầu cho trẻ giỏi.

Nhiều trường mầm non khác thắc mắc: Chuẩn yêu cầu trẻ bật xa tối thiểu 50cm, tại sao trường lại hạ chuẩn xuống thấp hơn? Mặc dù trường lý giải rằng đó không phải là hạ chuẩn mà chỉ là một phương pháp để khuyến khích, khích lệ trẻ, tránh cho trẻ không tự ti khi không làm được như các bạn.

Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non Sở GDĐT TPHCM khẳng định, các trường không thể làm bộ công cụ theo phương pháp đó. Đối với những trẻ không thể thực hiện được yêu cầu tối thiểu của chuẩn, giáo viên cần có biện pháp khác để giúp trẻ tập luyện cho đến khi trẻ đạt chuẩn hoặc gần chuẩn, còn bộ công cụ đã làm ra thì phải đảm bảo đúng yêu cầu của chuẩn.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu phó Trường Mầm non Bé ngoan (Q.1), khi mới áp dụng, giáo viên còn rất nhiều lúng túng, không nắm được cách thức lập bảng biểu theo dõi, xác định, hình thức, phương pháp đánh giá, lựa chọn công cụ để đánh giá.

Chính vì thế, nhiều giáo viên có cảm giác sợ và có khuynh hướng né tránh, không hứng thú khi thực hiện, trong khi đây là một công việc phức tạp, cần sự hứng thú của giáo viên để từ đó có sự chủ động và đánh giá trẻ với cái tâm thực sự nhằm giúp trẻ phát triển tốt hơn.

Vì thế, công tác định hướng, tuyên truyền và tập huấn cho giáo viên là vô cùng quan trọng. Giáo viên có hiểu, nhận thức được thì mới làm tốt được. Mặc dù vậy, khó khăn đối với giáo viên vẫn còn chồng chất.

Cô Đinh Thị Ngọc Thảo (giáo viên Trường Mầm non Thành phố) cho biết, với số lượng 20 trẻ/cô giáo khiến giáo viên khá vất vả khi phải phân bổ thời gian, cách thức để theo dõi sự phát triển của trẻ cũng như điều chỉnh kế hoạch giáo dục, tránh bỏ sót các chỉ số phát triển.

Thêm vào đó, giáo viên cũng chưa linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm, hình thức để đưa các chỉ số vào kế hoạch giáo dục dẫn đến vẫn còn trùng lặp các chỉ số trong quá trình dạy học.Tự xây dựng bộ đánh giá riêng

Sau 3 năm thực hiện thí điểm đã bộc lộ một số bất cập mà các trường mầm non gặp phải. Đó là Bộ GDĐT ban hành bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có bộ công cụ theo dõi đánh giá sự phát triển của trẻ, đặc biệt đối với các chỉ số khó theo dõi, quan sát.

Vì thế, các giáo viên đã rất khó khăn khi phải tự xây dựng bộ công cụ đánh giá, nhất là khi giáo viên phải tự xác định minh chứng cho các mục tiêu. Một số nội dung chương trình không có trong chuẩn và ngược lại khiến giáo viên mất nhiều thời gian để soi, đối chiếu.

Trong chương trình giáo dục mầm non có 5 lĩnh vực nhưng trong bộ chuẩn chỉ có 4 lĩnh vực phát triển (thiếu lĩnh vực phát triển thẩm mỹ) khiến các trường gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình lựa chọn các mục tiêu thực hiện.

Đứng trước thực tế này, Sở GDĐT TP.HCM xác định tiếp tục kết hợp bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi vào hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non qua việc bổ sung, cụ thể hóa một số mục tiêu phát triển mà chương trình chưa có hoặc chưa thể hiện rõ;

Khuyến khích các giáo viên, nhà trường thành lập các ngân hàng hoạt động giáo dục sáng tạo theo các lĩnh vực của bộ chuẩn, từ đó Sở sẽ hoàn thiện bộ công cụ đánh giá các chỉ số khó để có thể áp dụng rộng rãi cho các trường mầm non khác trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GDĐT TP.HCM khẳng định, không dùng bộ chuẩn để đánh giá trẻ mà đây chỉ là công cụ để hỗ trợ trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ.

Vì thế, phụ huynh không nên coi các chuẩn này là cái gì đó nặng nề, mà chỉ cụ thể hóa những mong đợi đối với trẻ, là cái đích để giáo viên và bố mẹ hướng con đến, từ đó biết cách giáo dục để trẻ phát triển đúng hướng.

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực: Phát triển thể chất: Trẻ em 5 tuổi có thể ném và bắt bóng bằng hai tay từ khoảng cách xa 4 m; tự mặc và cởi được áo; cắt theo đường viền thẳng và cong của các hình đơn giản; nhảy lò cò được ít nhất 5 bước liên tục, đổi chân theo yêu cầu; đập và bắt được bóng bằng 2 tay; biết rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi tay bẩn; tự rửa mặt, chải răng hàng ngày; nhận ra và không chơi 1 số đồ vật có thể nguy hiểm; biết kêu cứu và chạy khỏi nơi nguy hiểm;...

Phát triển tình cảm và quan hệ xã hội: Trẻ 5 tuổi phải nói được một số thông tin quan trọng về bản thân và gia đình; nói được khả năng và sở thích riêng của bản thân; bộc lộ cảm xúc của bản thân bằng lời nói, cử chỉ và nét mặt; thích chăm sóc cây cối, con vật quen thuộc; có thói quen chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi và xưng hô lễ phép với người lớn...

Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp: Yêu cầu bé biết kể về một sự việc, hiện tượng nào đó để người khác hiểu được; kể lại được nội dung chuyện đã nghe theo trình tự nhất định; Không nói leo, không ngắt lời người khác khi trò chuyện; nghe hiểu nội dung câu chuyện, thơ, đồng dao, ca dao dành cho lứa tuổi của trẻ; biết kể chuyện theo tranh; nhận dạng được chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt...

Phát triển nhận thức: Trẻ 5 tuổi có thể gọi tên nhóm cây cối, con vật theo đặc điểm chung; nói được một số đặc điểm nổi bật của các mùa trong năm nơi trẻ sống; Kể được một số địa điểm công cộng gần gũi nơi trẻ sống; Kể được một số nghề phổ biến nơi trẻ sống; hát đúng giai điệu bài hát trẻ em; nhận biết con số phù hợp với số lượng trong phạm vi 10; gọi tên các ngày trong tuần theo thứ tự; nói được ngày trên lốc lịch và giờ trên đồng hồ...

Theo Bạch Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan