Dù mới lấy chồng và được cả gia đình nhà chồng yêu thương, quý mến nhưng người vợ trẻ vẫn luôn cảm thấy lo lắng, bất lực và chán nản… Kết quả cô đã phát điên, phải nhập viện tâm thần điều trị.
Bệnh nhân Hoàng Thị Phương Thúy (25 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) là một trong số những ca mắc bệnh tâm thần đặc biệt. Chưa đầy 2 tháng Thúy đã phát điên và phải nhập viện tâm thần điều trị, dù cô gái trẻ được chồng, nhà chồng hết mực yêu thương, chiều chuộng.
PGS.TS.BS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học (khoa Tâm thần, Học viện Quân y 103), người trực tiếp điều trị cho ca bệnh này chia sẻ, đây là trường hợp bệnh nhân mắc chứng tâm thần đặc biệt - rối loạn sự thích ứng. Nữ bệnh này này mắc bệnh chỉ sau một thời gian ngắn chung sống cùng nhà chồng.
Được biết, trước khi nhập viện, Thúy rơi vào tình trạng rối loạn với việc luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: "Mình đã làm tốt hay chưa? Liệu cách cư xử đã vừa lòng mọi người? Mọi người đang nghĩ gì về mình, liệu có nói xấu mình không?...".
Sự thay đổi môi trường sống khiến nhiều người bị rối loạn thích ứng dẫn đến mắc bệnh tâm thần.
Cứ vòng vo với những câu hỏi đó, Thúy đã bị rơi vào trạng thái trầm cảm và buộc phải đưa đến bệnh viện chuyên khoa điều trị trước khi tái nhập cuộc sống gia đình nhà chồng.
PGS Đức cho biết, đây chỉ là một trường hợp điển hình của chứng rối loạn sự thích ứng - một bệnh lý tâm thần tương đối phổ biến trong xã hội hiện nay, bao gồm các rối loạn xảy ra do căng thẳng hoặc thay đổi trong đời sống. Người bệnh luôn có triệu chứng như khí sắc trầm, lo âu, phiền muộn.
Theo bác sĩ Đức, tác nhân gây nên chứng rối loạn là do sự thay đổi đáng kể trong đời sống mà cá nhân không thích ứng được như tang tóc, ly hôn, có con đầu lòng, thất bại nghề nghiệp, gặp rắc rối tài chính, sự thay đổi môi trường sống (ở riêng, lập gia đình)… Điển hình như trường hợp bệnh nhân Thúy ở trên.
Khi mắc hội chứng này, người bệnh luôn có cảm giác không thể đối phó với hoàn cảnh, đôi khi tự thấy mình lâm vào tình trạng bi đát và các cơn bùng nổ thô bạo. Riêng ở đối tượng thanh thiếu niên còn kèm theo rối loạn hành vi, công kích hoặc chống đối xã hội như trốn học, đánh nhau, lái xe ẩu, phá hoại công trình…
“Những người dễ bị tổn thương cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, trạng thái này không xảy ra nếu như không có tác nhân gây căng thẳng”, PGS Đức nhấn mạnh.
PGS Đức cho biết, rối loạn thích ứng chỉ xảy ra trong vòng một tháng sau khi diễn ra sự kiện gây căng thẳng hoặc thay đổi trong đời sống và thường kéo dài không quá 6 tháng trừ trường hợp phản ứng trầm cảm kéo dài.
Cuối cùng, PGS Đức khuyến cáo, khi người thân có các dấu hiệu tâm lý thay đổi cần phải sớm đưa đi khám và nghĩ đến bệnh tâm thần. Bởi nhiều người mắc bệnh lý nguy hiểm có căn nguyên từ sức khỏe tâm thần nhưng lại được chỉ định điều trị sang hướng khác. Chính sai lầm này khiến bệnh nhân gặp biến chứng trầm trọng hơn, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm kéo dài.