Thời tiết giao mùa, đặc biệt là đang chuẩn bị đón không khí lạnh, vì thế các bậc phụ huynh cần phải chú ý để trẻ không mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa…
Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, hiện bộ phận không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, đêm 30/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông và nhiệt độ xuống thấp.
Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, việc thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, đặc biệt là ở thời điểm thời tiết giao mùa như hiện nay rất dễ khiến trẻ mắc các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa.
Phụ huynh sếp hàng lấy số khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo đó, tại bệnh viện Nhi Trung ương trong những ngày thời tiết giao mùa, số lượng bệnh nhi đến khám tăng khoảng 300 người bệnh/ngày, so với những ngày thường. Chia sẻ với phóng viên, anh Hoàng Văn Mạnh (Mê Linh – Hà Nội) cho biết: “Tối hôm trước đi ngủ con tôi vẫn bình thường, nhưng hôm sau ngủ dậy thấy mồ hôi lưng và đầu nhễ nhại, cháu rơi vào trạng thái li bì.
Lo lắng quá, tôi đưa thẳng con lên BV Trung ương khám, hiện bác sĩ đang chẩn đoán là cháu bị viêm phổi. Tuy nhiên, may mắn là chưa phải nhập viện điều trị”.
Để giúp phòng bệnh cho trẻ hiệu quả trong thời điểm giao mùa, cũng như nhằm đối phó với không khí lạnh, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại virus hợp bào rất phát triển.
Virus này trong không khí và khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh, nhất là hệ hô hấp. Đây là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho bé bị viêm phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng.
Theo PGS Dũng, trong thời gian giao mùa như hiện nay, cha mẹ cần lưu ý viêm phổi ở trẻ sơ sinh vì bệnh diễn tiến nặng rất nhanh và biểu hiện không rầm rộ như trẻ lớn nên dễ bị bỏ qua. Bệnh ở trẻ lớn có những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi, đây không phải là dấu hiệu quan trọng. Nhiều bé thậm chí không sốt, không ho, nhưng đã bị viêm phổi rất nặng. Đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 30 ngày tuổi khi bị viêm phổi thậm chí thân nhiệt còn hạ một chút.
Rửa tay bằng xà phòng giúp phòng bệnh cho trẻ.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ trong giai đoạn này, bác sĩ Dũng khuyến cáo, trong thời điểm này phụ huynh cần phải chú ý giữ ấm đầy đủ cho con, nên để trẻ trong nhà với nhiệt độ phòng khoảng 28-29 độ là vừa. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn phải mở cửa để thông gió, thay đổi không khí trong phòng.
Riêng về vấn đề trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, trao đổi với phóng viên Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết, đa số nguyên nhân trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa phải nhập viện là do các bậc phụ huynh.
“Tôi lấy ví dụ, khi phụ huynh đưa con đi chơi buổi tối, con đòi ăn xúc xích hoặc kem, bánh …bán dạo là bố mẹ sẵn sàng mua chon trẻ ngay. Đó là nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa, các loại vi rút gây bệnh phát triển nhanh”, BS Thường phân tích.
Để phòng các bệnh tiêu chảy, các bậc phụ huynh và các cơ sở nuôi dạy trẻ cần phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn chin, uống sôi. Đặc biệt, phải vệ sinh cho trẻ, thường xuyên rửa thay bằng xà phòng cho trẻ…