Gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng sinh sống tại khu tập thể số 16 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong thời gian ông công tác tại Tạp chí Cộng sản. Cả gia đình sống trong căn hộ 25 m2 trong 10 năm.
Đó là khu tập thể cũ, cao 3 tầng, diện tích mặt sàn khoảng 100 m2 với 8 phòng và 8 hộ sinh sống. Căn hộ mà gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng sinh sống ở tầng 3, hiện thuộc sở hữu của ông Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1962), từng là hàng xóm Tổng Bí thư. Căn hộ có một chiếc tủ sách lớn, vài chiếc ghế tre, trần và sàn đều được lát bằng gỗ. Mở ra ban công là bộ cửa 4 cánh đặc trưng của những căn hộ Pháp cổ tại Hà Nội xưa. Ban công được ôm trọn lấy bởi tán lá của những hàng cây xanh mát trên phố Nguyễn Thượng Hiền.
“Trước đây, sau mỗi giờ làm việc mệt mỏi, chú Trọng thường ra ban công đứng hóng mát, ngắm cây cảnh, đường phố và trò chuyện với hàng xóm. Vì rất bận nên thời gian chú tiếp xúc với mọi người không nhiều, nhưng ai cũng cảm nhận được sự thanh lịch, nho nhã và tinh tế trong cách chú nói chuyện và cư xử”, ông Cường kể.
Căn hộ 25 mét vuông của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Tổng Bí thư còn công tác ở Tạp chí Cộng sản (Ảnh: Việt Khôi)
So với những người hàng xóm khác, gia đình ông Cường có mối quan hệ thân thiết hơn với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thỉnh thoảng ông lại được Tổng Bí thư mời lên nhà để cắt tóc. “Mình chỉ là tay nghiệp dư thôi, nhưng chú Trọng rất thích để mình cắt tóc, rồi hai chú cháu cùng nhau nói về những chuyện thường ngày trong cuộc sống”, ông bồi hồi.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, gần như toàn bộ không gian của căn hộ mà gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ở đã được ông tu sửa, tôn tạo, trừ khu vực ban công cùng bộ cửa 4 cánh. Ông muốn giữ lại không chỉ vì nét đẹp cổ kính, mà còn vì những kỷ niệm. |
Chị Nguyễn Hà Phương (sinh năm 1988, con gái ông Cường) cũng có những kỷ niệm đẹp về gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Mỗi lần được gặp ông, mình đều cảm nhận được sự hiền hoà, giản dị ở con người ông. Ông không nói chuyện nhiều mà chỉ lặng lẽ cười rồi quan sát mọi thứ xung quanh”, chị Phương kể. Điều chị Phương mong muốn nhất bây giờ là có cơ hội được chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình Tổng Bí thư và có cơ hội được nhìn thấy Tổng Bí thư lần cuối…
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ
Ở tầng 2 của khu tập thể là gia đình ông Vũ Xuân Kiều và bà Nguyễn Thị Thảo. Khi còn công tác ở Tạp chí Cộng sản, ông Kiều là Trưởng ban Kinh tế, bà Thảo làm ở bộ phận thư ký biên tập, đều là đồng nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Kiều kể lại, trước đây, ông thường xuyên có cơ hội đi công tác cùng Tổng Bí thư. “Anh Trọng về Tạp chí Cộng sản (khi đó còn gọi là Tạp chí Học tập) công tác năm 1967, tôi về tạp chí công tác năm 1968. Thời kỳ ấy, hai anh em gắn bó với nhau lắm. Anh Trọng hay bảo tôi tổ chức những chuyến công tác địa phương cùng anh. Sau này, khi anh làm Trưởng ban Xây dựng Đảng, rồi làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, thỉnh thoảng anh vẫn sang bảo tôi rằng “Hai anh em mình lại đi với nhau một chuyến đi”.
Bà Thảo chia sẻ, trong công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất chăm chỉ, nhiệt thành và quyết liệt khi cần; đối với đồng nghiệp, Tổng Bí thư cư xử rất hoà đồng, không bao giờ to tiếng. Sau giờ làm việc, Tổng Bí thư cũng hay chơi các môn thể thao như bóng bàn cùng đồng nghiệp.
“Anh Trọng đã đạt được rất nhiều thành tựu trong cuộc đời của mình. Và điều tôi khâm phục nhất ở anh Trọng là cách anh ấy xây dựng một gia đình hạnh phúc và mẫu mực. Suốt bao nhiêu năm ở cùng anh trong khu tập thể này, tôi chưa một lần nghe hai vợ chồng anh to tiếng với nhau. Các con, các cháu của anh cũng đều là những người ngoan ngoãn, học giỏi, có ý thức tự phấn đấu vươn lên, chứ không ỷ lại vào cha mẹ. Để giữ gìn nền nếp, gia phong là điều không hề đơn giản. Các cụ đã nói tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, nên phải chăm lo cái gốc là bản thân, gia đình trước. Tôi tin rằng anh Trọng đã làm rất tốt việc đó”, ông Kiều nói.