Cả trăm hành khách, trong đó có không ít trẻ em đã phải nằm vật vờ, la liệt tại sân bay Đà Nẵng do máy bay của Vietnam Arlines liên tục báo hoãn chuyến.
"Nạn nhân" chậm chuyến của Vietnam Arlines trong ngày 26/6 có không ít trẻ em.
Bức xúc, bực bội, thất vọng... là cảm xúc của cả trăm hành khách khi bị Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Arlines) “hành” ở sân bay Đà Nẵng tối 26/6 do máy bay của hãng này liên tiếp đến muộn phải hoãn chuyến.
Hành khách chán ghét nội dung trên bảng điện tử vô hồn của hãng này.
Theo phản ánh của hành khách Vietnam Arlines, số hiệu của chuyến bay làm khổ hành khách là VN7190, bay tuyến Đà Nẵng – Hà Nội. Thời gian khởi hành được báo đến hành khách là 18h25 sau đó hoãn sang 22h25, 23h và kết cục là 23h40 thì hành khách mới được lên máy bay.
Những cảnh tượng xót xa ở sân bay và nạn nhân vẫn là những cháu nhỏ.
Những giấc ngủ ám ảnh trong mỏi mệt của một bé trai trên ghế chờ của sân bay Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 25/6, chuyến bay VN7189 bay tuyến Hà Nội – Đà Nẵng cũng chậm chuyến mất 30 phút.
Một hành khách bay chuyến VN7190 bức xúc: “2h sáng mới về đến nhà, VN Airlines deley dã man, từ 18h25 sang 22h25 rồi lại hơn 23h và rốt cục là 23h40.
Tối hôm trước cũng trễ chuyến làm chuyến đi hai ngày có cảm giác như 4-5 ngày. Trong 2 ngày chứng kiến rất nhiều chuyến khác cũng bị trễ.
Người lớn cũng rơi vào trạng thái chờ đợi, thất vọng.
Chỉ khổ bọn con nít, vạ vật đến thương. Đã thế việc chậm trễ cũng không được báo tử tế, chỉ thấy bảng điện tử tự nhiên nhảy giờ và lời nói thản nhiên trên loa phát thanh”.
Không chỉ bức xúc với tình trạng chậm chuyến, hoãn chuyến khách hàng của hãng hàng không này sau khi đối chiếu các quy định của Bộ GTVT thì đưa ra nghi vấn hãng này không chấp hành quy định của Bộ chủ quản. Coi thường quyền lợi của hành khách.
Theo thông tin hành khách cung cấp dù hoãn chuyến đến gần 5 giờ đồng hồ nhưng họ không được bố trí suất ăn như quy định của Bộ GTVT.
Theo thông tư 36/2014/TT-BGTVT Quy định chất lượng dịch vụ hàng không tại cảng hàng không có hiệu lực từ ngày 01/12/2014 thì trường hợp chuyến bay bị chậm chuyến theo kế hoạch 15 phút, hãng hàng không phải thông báo cho hành khách thông tin liên quan đến chuyến bay như số hiệu chuyến bay và chặng bay, lý do chậm chuyến, thời gian cất cánh dự kiến và kế hoạch bay thay thế, kế hoạch phục vụ hành khách. Đồng thời phải xin lối hành khách.
Nếu được chứng kiến cảnh tượng này chắc lãnh đạo Bộ GTVT cũng sẽ không khỏi mủi lòng.
Trường hợp thời gian chậm chuyến từ 02 giờ hãng hàng không phải phục vụ nước uống nhẹ, chậm chuyến 03 giờ phải phục vụ ăn uống.
Cụ thể, nếu chậm chuyến trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ phải phục vụ ăn sáng, từ 12 giờ trưa đến 14 giờ chiều phải phục vụ ăn trưa và nếu chậm chuyến từ 19 giờ đến 21 giờ hãng hàng không phải phục vụ bữa tối cho hành khách.
Theo các hành khách, chuyến bay nêu trên chậm giờ từ gần 18h đến gần 24h nhưng hành khách chỉ được phục vụ nước nhẹ và không có đồ ăn như quy định.
Lo âu, thấp thỏm, ngóng chờ là tâm trạng chung của cả trăm hành khách.
Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, tình trạng lùi giờ bay của hãng này thời gian gần đây xảy ra khá nhiều. Thậm chí các chuyến bay trong vài ngày tới cũng bị báo lùi chuyến.
Chiếc vé chứa nhiều kỉ niệm buồn của hành khách.
Cụ thể, chuyến bay VN 254 bay chuyến Sài Gòn – Hà Nội ngày 28/6 bị đẩy lùi từ 14h45 sang 15h30. Như vậy, với những chuyến bay dạng này thì khó có thể nói lý do từ thời tiết. “Liệu có điều gì bất ổn mà hãng hàng không này đang phải đối diện dẫn đến khách hàng bị khổ lây? – một hành khách lo lắng.