Lan Anh (chị) và Ngọc Yến (em) ngủ chung giường, ăn chung mâm, học chung lớp, có chung cha mẹ. Nhưng lại mang dòng máu của hai dân tộc khác nhau. Vì sao lại thế?
Câu chuyện hy hữu này xuất phát tự sự cố Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước) trao nhầm con xảy ra 5 năm trước. Con của một sản phụ dân tộc S’tiêng lại trao cho sản phụ người Kinh và ngược lại.
Sau 3 năm trời, hai gia đình mới tá hỏa khi biết mình đang nuôi nhầm con. Lúc này, do đã "mến tay mến chân", "quen thuộc đến từng hơi thở" nên không thể con ai về nhà nấy. Giải pháp được đưa ra là cho hai bé sống chung, xem nhau như chị em ruột. Nay hai cháu sống nhà này, mai hai cháu sang nhà kia!
Năm 2013, tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, chị Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi, dân tộc Kinh) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (26 tuổi, người dân tộc STiêng) . Chị Trang sinh bé Lan Anh nặng 3kg. 15 phút sau, chị Liên sinh bé Ngọc Yến cũng nặng 3kg. Sau đó, không hiểu vì sao, nhân viên bệnh viện lại trao nhầm con giữa hai gia đình.
Nuôi con khoảng 1 năm thì chị Trang và chồng là anh Vũ Đình Khiên bắt đầu nghi ngờ khi thấy Ngọc Yến không giống cả ba lẫn mẹ. Anh Khiên nói: "Hai vợ chồng tôi người kinh nhưng con bé có nước da, màu mắt, kiểu tóc xoăn giống người dân tộc". Nghi ngờ mình đang nuôi con của cô gái người dân tộc sinh cùng phòng nên thời gian sau đó, anh Khiêm lùng sục tìm cô gái này để làm rõ thực hư nhưng không gặp.
Đầu tháng 5-2016, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên thuộc xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, bố chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên càng nghi ngờ. Chị Trang và anh Khiên đưa bé gái mình đang nuôi đi xét nghiệm ADN thì phát hiện cháu không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại của anh Khiên, Bệnh viện Đa khoa Bình Long đã đưa hai bé đi xét nghiệm ADN và đối chiếu với ADN của hai đình thì sự thật mới sáng tỏ.
Ngày 25-7-2016, hai bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau ba năm bị trao nhầm. Tuy nhiên, cả hai gia đình và 2 cháu bé đều sốc. Khi nhận "đứa con ruột nhưng lạ lẫm", chị Liên ngất xỉu tại bệnh viện. Ngày đầu về ở với chị Liên, con ruột của chị sợ hãi, lạ lẫm, chỉ biết ôm cây cột nhà khóc rã người, miệng cứ thều thào đòi về nhà "Ba Khiên mẹ Trang". Trong khi đó, vợ chồng anh Khiên và chị Trang cũng bấn loạn, không dỗ dành được đứa con ruột mà mình chưa từng nuôi một ngày nào. Anh chị trào nước mắt mỗi khi nhớ tới lời của "đứa con cũ": "Con thương ba mẹ sao ba mẹ bỏ con?"
Hai gia đình buộc phải ngồi lại bàn cách và quyết định cho hai bé sống chung với nhau, được hai bên luân phiên chăm sóc. "Hai nhà cách nhau chừng 10km. Hôm nay tôi chăm hai con thì hôm sau chở hai con đến nhà mẹ Liên. Khi các cháu thân thiết hơn thì một tuần ở bên này, tuần sau ở bên kia. Giống như mỗi nhà đều sở hữu 2 con gái" – anh Khiên chia sẻ.
Hiện nay, 2 bé đều đi học mẫu giáo nên từ thứ 2 đến thứ 6, hai bé ở với vợ chồng anh Khiên để đi học chung lớp. Cuối tuần. hai bé về sống bên nhà chị Liên. Chị Liên tâm sự: "Bây giờ tôi thương 2 con bằng nhau. Bảo tôi chọn một trong hai con để nuôi thì tôi không chọn được. Bây giờ cứ sống vậy là vui. Sau này các con lớn sẽ có suy nghĩ, quyết định riêng".