Chỉ trong một tháng đầu năm học, hàng loạt vụ lạm thu xảy ra, từ việc cô giáo xin tiền mua laptop tới trường vận động góp tiền bảo trì tivi, di chuyển điều hòa... Phải chăng lạm thu vẫn là vấn đề nhức nhối nhưng chưa có "thuốc chữa"?
Năm học mới vừa được một tháng, nhưng tình trạng lạm thu đã xảy ra ở nhiều trường học và đang là chủ đề nóng được những người quan tâm tới giáo dục bàn luận. Những vụ lạm thu này gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh và có thể làm giảm uy tín của giáo viên, nhà trường cũng như ngành Giáo dục.
Vụ việc thu hút chú ý nhiều nhất gần đây diễn ra tại Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM, khi cô giáo Trương Phương Hạnh bị hơn 20 phụ huynh lớp 4/3 đưa đơn lên hiệu trưởng xin đổi chủ nhiệm sau vụ việc xin tiền mua laptop.
Cụ thể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm hôm 14/9, cô Hạnh đề nghị được hỗ trợ một số khoản phục vụ giảng dạy, bao gồm một laptop trị giá 4-5 triệu đồng. Sau khi phụ huynh lớp đóng góp tiền, nữ giáo viên nói xin 6 triệu đồng để mua laptop trị giá 11 triệu (5 triệu còn lại cô tự bỏ ra) và muốn chiếc laptop này là của riêng cô. Khi có 26 phụ huynh đồng ý, 3 người không đồng ý, còn 9 phụ huynh không nêu ý kiến, cô giáo đã “dỗi” và nói sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học trò.
Cô Trương Phương Hạnh. Ảnh: Lê Huyền
Chia sẻ sau vụ việc, cô Hạnh cho biết mình nghĩ hành động kêu gọi mua laptop là “xã hội hóa giáo dục” và vụ việc xảy ra do cô không nhận tiền từ phụ huynh. Ngày 30/9, Trường Tiểu học Chương Dương đã quyết định tạm đình chỉ công tác của cô Hạnh trong 15 ngày để điều tra, làm rõ phản ánh và ổn định tình hình lớp học. Nhà trường cũng cử Phó hiệu trưởng làm chủ nhiệm tạm thời lớp 4/3 trong thời gian xử lý vụ việc.
Sau sự việc này, Phòng GD-ĐT quận 1 và các đơn vị liên quan cũng được giao tham mưu việc kiểm tra thu chi đầu năm học của các trường trên địa bàn.
Không chỉ tại TP.HCM, lạm thu còn diễn ra ở nhiều nơi khác. Tại Bình Định, phụ huynh đã phản ánh việc Ban phụ huynh Trường THPT số 3 Phù Cát thu tiền mua tivi cho lớp học và Trường THPT Nguyễn Hữu Quang thu tiền xây nhà để xe cho học sinh.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Sở GD-ĐT Bình Định đã yêu cầu các trường khắc phục và chấm dứt việc thu tiền sai nguyên tắc tự nguyện, đồng thời ban hành công văn chống lạm thu.
Trường THPT số 3 Phù Cát đã hoàn trả 5 chiếc tivi cho Ban đại diện phụ huynh, còn Trường THPT Nguyễn Hữu Quang yêu cầu dừng quyên góp và trả lại tiền cho những người đã đóng góp xây dựng nhà xe.
Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Phù Cát cho biết việc thu tiền không do nhà trường triển khai mà xuất phát từ Ban phụ huynh và mong muốn của phụ huynh học sinh.
Tại Hà Nội, Trường Tiểu học Đức Giang (huyện Hoài Đức) cũng khiến phụ huynh bức xúc khi thông báo thu 131 nghìn đồng mỗi học sinh để vận chuyển điều hòa từ cơ sở cũ sang cơ sở mới cách đó 2 km.
Ảnh chụp màn hình bài viết của phụ huynh Trường Tiểu học Đức Giang.
Cụ thể, Trường Tiểu học Đức Giang tiến hành chuyển điều hòa ở 30 lớp (trung bình mỗi lớp 2 chiếc) sang cơ sở mới với số tiền là 142 triệu đồng, tức chi phí vận chuyển trung bình gần 2,5 triệu/1 chiếc, gồm 570 nghìn đồng cho công tháo lắp. Nhiều phụ huynh cho rằng chi phí này quá cao so với thực tế.
Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang, ông Nguyễn Vĩnh Sự, giải thích rằng việc vận chuyển điều hòa diễn ra gấp rút vào thời điểm chuyển giao cơ sở, trong lúc học sinh nghỉ hè chưa thể họp phụ huynh để thông báo và xin ý kiến tất cả cha mẹ học sinh. Do vậy, ban phụ huynh đã đại diện mời thầu và chọn đơn vị thi công. Về chi phí vận chuyển, ông nói do phụ huynh tự tìm hiểu, mình chỉ làm việc gián tiếp nên không đánh giá được đắt rẻ.
Vị Phó Hiệu trưởng khẳng định: "Nếu phụ huynh nào thực sự khó khăn, không đóng được khoản này, chúng tôi sẽ làm việc với ban liên lạc để có hướng tháo gỡ, hỗ trợ".
Tình trạng lạm thu không chỉ dừng lại ở các khoản vận động, quyên góp không rõ ràng, mà còn diễn ra qua các hình thức như bảo trì thiết bị. Tại Trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, phụ huynh đã phản ánh về việc thu 100 nghìn đồng/học sinh để bảo trì tivi.
Khi nhận được những ý kiến không đồng tình của phụ huynh và rà soát các văn bản liên quan, Trường TH-THCS-THPT Hồng Bàng đã quyết định không tiếp tục vận động khoản tiền trên. Với trường hợp học sinh đã nộp số tiền này, nhà trường sẽ trừ vào học phí tháng tiếp theo.
Đa số các ý kiến bình luận liên quan tới các vụ việc trên cho rằng đầu tư cho giáo dục thông qua các khoản tài trợ và quyên góp để cải thiện cơ sở vật chất và hỗ trợ giảng dạy là cần thiết và có ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, nếu không có quy định rõ ràng và minh bạch, việc thu các khoản đóng góp này có thể bị lạm dụng, gây bức xúc cho phụ huynh và ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Chính vì vậy, cần có quy định cụ thể, triển khai một cách chuyên nghiệp và công khai để tránh những hệ lụy không đáng có. Điều này không chỉ giúp tăng cường lòng tin giữa phụ huynh và nhà trường mà còn đảm bảo rằng mọi đóng góp đều được sử dụng đúng mục đích và hợp lý, từ đó hỗ trợ thực sự cho giáo dục.
Thực tế, Bộ GD-ĐT đã có nhiều quy định về việc quản lý các khoản thu đầu năm học, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra để tránh tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, những trường hợp vừa qua cho thấy việc giám sát và thực hiện vẫn chưa triệt để.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý giáo dục, cũng như sự đồng thuận và hợp tác của phụ huynh trong việc phản ánh kịp thời. Các trường học cũng cần minh bạch, công khai các khoản thu chi và đảm bảo rằng mọi khoản đóng góp của phụ huynh đều là tự nguyện và hợp lý.