Chủ tịch UBND TP Hà Nội ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Mê Linh phong tỏa ngay xóm Bàng và thôn Hạ Lôi (Mê Linh) nơi ở của bệnh nhân 243 nhiễm Covid-19.
Hà Nội phong tỏa thôn Hạ Lôi nơi ở của bệnh nhân 243
Chiều 7/4, trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 và liên quan đến ca bệnh số 243, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp đột xuất với các quận huyện, phường xã, ngành y tế và Giám đốc các bệnh viện.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) Đoàn Văn Trọng cho biết, ngày 6/4, nhận được thông tin tại địa phương có người nhiễm Covid-19, huyện đã cử 1 đội phản ứng, cùng với phó chủ tịch huyện đến chỉ đạo trực tiếp tại xã Mê Linh về vấn đề cách ly, rà soát.
Theo ông Trọng, lý do không cách ly ngay bệnh nhân 243 là bởi bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/3, nhưng ngày 28 mới khai báo, qua thời hạn 14 ngày nên không đưa vào cách ly tập trung. Trung tâm y tế xã chỉ yêu cầu bệnh nhân ở nhà tự theo dõi.
Lực lượng chức năng thực hiện cách ly nơi bệnh nhân 243 nhiễm Covid-19 sinh sống.
Tại điểm cầu xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội), Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh Quách Sỹ Dũng cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 xã đã họp triển khai các biện pháp rà soát, cách ly trường hợp tiếp xúc F1 với bệnh nhân.
Theo đó, trên địa bàn xã có 67 trường hợp F1, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển đi cách ly; hơn 100 trường hợp F2, đã được ra quyết định cách ly.
Hiện tại, xã Mê Linh đã triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch, khử khuẩn tại chỗ. Ban Chỉ đạo xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân bình tĩnh, ở trong nhà.
Thế giới gần 75.000 người tử vong, số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ vượt mức 10.000
Tính đến 8h00 sáng nay 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.346.035 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 74.654 ca tử vong và 278.534 người đã bình phục. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.Tính đến 8h00 sáng nay 7/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 1.346.035 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 74.654 ca tử vong và 278.534 người đã bình phục. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong vòng 24h qua, đã có thêm 1.255 người Mỹ đã thiệt mạng. Quốc gia này ghi nhận thêm 30.331 ca nhiễm mới đưa tổng số người mắc lên 366.979, tổng số người chết vì COVID-19 là 10.871 người. Mỹ dường như bất lực khi để dịch bệnh leo thang trong suốt 15 ngày qua.
Đây được coi là dấu mốc đáng lo ngại, trong bối cảnh các quan chức Mỹ cảnh báo một tuần đầy khó khăn còn ở phía trước.
Nhân viên y tế bên ngoài bệnh viện Brooklyn ở New York.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thừa nhận “còn nhiều ca tử vong được phân loại là do viêm phổi vì chưa kịp xét nghiệm Covid-19.
Ở New York, New Jersey và Detroit, các chuyên gia nhận định số ca nhập viện và tử vong sẽ đạt “đỉnh” ngay trong tuần này. Các thành phố khác rải rác trên nước Mỹ cũng lần lượt đạt “đỉnh” dịch trong vài tuần tới, theo NBC News.
Tại New York, số ca tử vong tăng lên tới 4.758, so với con số 4.159 của ngày hôm trước. “Đây chưa phải tin tốt dù chúng ta có thể thấy mức tăng số ca tử vong đã chậm lại”, thống đốc bang New York, Andrew Cuomo nói.
Thủ tướng Anh cần thở oxy, vào phòng điều trị tích cực
Theo Daily Mail, ông Johnson được chuyển tới ICU ở bệnh viện St Thomas, London vào lúc 7 giờ tối (giờ địa phương) – 11 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19.
2 giờ sau, thông điệp từ Phố Downing khẳng định ông Johnson vẫn nắm quyền lãnh đạo chính phủ. Thủ tướng Anh đã chính thức đề nghị Ngoại trưởng Dominic Raab nắm quyền thay mình khi cần thiết.
Ảnh chụp Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 2.4.
Tình trạng của ông Johnson được thông báo xấu đi ngay sau cuộc họp báo lúc 5 giờ chiều ở Anh. Thủ tướng Anh gặp vấn đề khó thở và cần đến thiết bị hỗ trợ thở oxy.
Trả lời họp báo, Ngoại trưởng Raab khẳng định ông Johnson vẫn tỉnh táo và chưa cần đến máy thở. Ông Raab khẳng định chính phủ Anh vẫn hoạt động như bình thương và mọi người có “tinh thần mạnh mẽ” cổ vũ Thủ tướng.
Các chuyên gia y tế nhận định việc ông Johnson được chuyển tới ICU là dấu hiệu Thủ tướng Anh đang “rất ốm”.
Số người mắc Covid-19 ở Indonesia tăng kỷ lục, 24 bác sĩ tử vong
Theo Straits Times, tại Indonesia có 218 ca mắc COVID-19 trong ngày 6/4 đã nâng tổng số trường hợp nhiễm lên 2.491. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày tại Indonesia kể từ khi quốc gia này phát hiện ca bệnh đầu tiên cách đây một tháng. Ngoài ra,có thêm 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 209.
Đến nay, nước này có 24 bác sĩ đã tử vong vì COVID-19. Con số tử vong trong đội ngũ nhân viên y tế đã tăng gấp đôi kể từ tuần trước, sau những chỉ trích về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ tại Indonesia.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi khử khuẩn tại Manila, Philippines
Điểm nóng COVID-19 ở Đông Nam Á: Philippines có 3.660 ca nhiễm
Tại Philippines, có thêm 414 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tính đến cuối ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 3.660. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 11 ca lên 163. Theo tờ Philstar, Tổng thống Rodrigo Duterte nhiều khả năng sẽ gia hạn phong tỏa trên đảo Luzon cho đến ngày 30/4.
Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh
Nhật Bản ngày 7-4 ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh (gồm vùng thủ đô Tokyo) trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19).
Bên ngoài Bệnh viện Đa khoa Eiju đóng cửa ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo hôm 6-4 cho biết tình trạng khẩn cấp kéo dài khoảng 1 tháng nói trên cho phép chính quyền các tỉnh/vùng bị ảnh hưởng (Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo, Fukuoka) được quyền yêu cầu người dân ở nhà và đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trường học. Tuy nhiên, họ không được ra lệnh phong tỏa giống như những gì được thực thi tại một số nước khác trong lúc nhà chức trách hầu như không có chế tài để xử lý người vi phạm.
Bản thân ông Abe cũng thừa nhận việc phong tỏa cả một thành phố là chuyện không thể ở Nhật Bản. Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura kêu gọi người dân tại các tỉnh sắp được ban bố tình trạng khẩn cấp không cần phải chuyển đến nơi khác, vốn đe dọa làm dịch bệnh thêm lây lan.
Theo thống kê, hơn 3.500 người cho kết quả dương tính với virus gây Covid-19 (SARS-CoV-2) trong lúc 85 người tử vong vì bệnh này tại Nhật Bản. Số ca mắc Covid-19 hiện không quá cao nếu so với một số điểm nóng khác trên thế giới nhưng nỗi lo ở đây là nó không ngừng gia tăng, dẫn đến nỗi lo hệ thống y tế bị quá tải. Riêng số ca mắc tại thủ đô Tokyo đã tăng lên hơn 1.000.
Việt Nam chế tạo thành công robot chống dịch Covid-19
Sáng 7/4, nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng đã đưa vào sử dụng hệ thống robot hỗ trợ y tế, được chế tạo hoàn toàn trong nước. Robot Vibot phiên bản 1a nghiên cứu và chế tạo chỉ trong vòng 2 tuần. Robot có thể tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.
Mọi hoạt động của hệ thống robot được điều khiển, giám sát bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết. Hiện robot đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội (nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân COVID-19 khi dịch bùng phát).
Thêm 1 bệnh viện phải các ly 12 y bác sĩ liên quan đến bệnh nhân 243 ở Mê Linh
Bác sĩ Hoàng Văn Chiến, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hiện bệnh viện đang tiến hành cách ly 12 y bác do do liên quan đến ca bệnh 243. Trong đó, 2 người thuộc diện F1 và 10 người F2. Hiện kết quả xét nghiệm 12 y bác sĩ trên đều âm tính lần 1 với COVID-19.
Ông Chiến cho biết, ngay sau khi nhận đưcọ thông báo về ca bệnh 243 vào chiều ngày 6/4, bệnh viện đã chủ động rà soát và phát hiện BN 243 có vào viện vì có người nhà đang điều trị tại đây.
Qúa trình ở tại bệnh viện, BN 243 có nói chuyện với 1 bác sĩ và 1 nhân viên hành chính để lấy giấy chuyển viện lên BV Phụ sản Hà Nội.Trong quá trình tiếp xúc, cả người bệnh và y bác sĩ đều đeo khẩu trang và mặt nạ.
Ngoài BV Đa khoa Phúc Yên, ngày 6/4 đã có 63 y bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phải cách ly vì liên quan đến bệnh nhân 243. Theo đó, BN 243 tới bệnh viện trong 2 ngày 4 và 5/4 do có cháu dâu đang được thăm khám và điều trị tại viện.
Lãnh đạo BV Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện có 17 trường hợp F1 và 46 trường hợp F2 đang được cách ly tại cơ sở 2 của bệnh viện.
Trước đó, tối 6/4, Bộ Y tế công bố 4 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó có bệnh nhân 243 là nam (47 tuổi, Quốc tịch Việt Nam, trú tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội).
Ngày 12/3, bệnh nhân đưa vợ đi khám bệnh tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng (BV Bạch Mai) và về trong ngày, ăn uống tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng bệnh viện. Từ đó đến nay chưa quay lại bệnh viện.
Ngày 30/3, bệnh nhân khai báo y tế và được cách ly tại nhà ở Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Hà Nội), không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và bạn kinh doanh. Ngày 4/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội ngày 6/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.