Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang rơi vào cảnh không chỉ bệnh viện, mà dịch vụ tang lễ cũng quá tải, với dãy dài các thi thể bệnh nhân COVID-19 chờ đợi nhiều ngày để được chuyển đi hỏa táng, Reuters ngày 6/4 đưa tin.
7 diễn biến
Thi thể chồng chất từ bệnh viện đến nhà xác tại Hong Kong
Lok Chung, Giám đốc một nhà tang lễ tại Hong Kong, mệt mỏi chia sẻ sau nhiều ngày làm việc không nghỉ: “Tôi chưa bao giờ thấy nhiều thi thể chồng chất lên nhau như vậy. Khoảng 40 đám tang đã được tổ chức vào tháng 3, cao hơn nhiều so với con số 15 đám mỗi tháng trước đây".
"Tôi cũng chưa bao giờ thấy các thành viên trong gia đình buồn bã, thất vọng và bất lực đến thế", vị giám đốc 37 tuổi trong bộ vest xám nói với Reuters.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 vào một kho đông lạnh bên ngoài nhà tang lễ. Ảnh: Reuters
Kể từ khi làn sóng COVID-19 mới tấn công Hong Kong trong năm nay, thành phố này đã ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm với hơn 8.000 ca tử vong. Cảnh tượng thi thể chồng chất trong phòng cấp cứu bên cạnh các bệnh nhân COVID-19 khiến người ta không khỏi ám ảnh.
Theo Lok Chung, việc chờ đợi quá lâu để xử lý hồ sơ tử vong đã khiến quá trình hỏa táng kéo dài hơn. Anh lấy ví dụ về một phụ nữ đã tử vong vì COVID-19 hôm 1/3, nhưng cho đến nay gia đình vẫn đang chờ đợi hoàn tất giấy tờ để nhận thi thể, tiến hành hỏa táng.
Hong Kong cũng đang rơi vào tình trạng thiếu quan tài và các vật dụng thường được hỏa táng cùng với người đã khuất. Thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, nơi cung cấp nhiều mặt hàng phục vụ tang lễ cho Hong Kong, hiện cũng đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19. Vì thế, việc vận chuyển đến Hong Kong càng trở nên chậm trễ hơn.
Hades Chan, giám đốc tang lễ của Công ty Tang lễ YuXiang, cầu nguyện bên cạnh quan tài của một bệnh nhân tử vong vì COVID-19 trước khi hỏa táng. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, một giám đốc nhà tang lễ khác có tên Hades Chan chia sẻ: "Gần 1/4 số nhân viên hiện không thể làm việc vì nhiễm COVID-19. Do đó, một số nhà tang lễ đã phải kết hợp nhân viên để tiếp tục hoạt động".
Irene Young, quan chức vệ sinh và thực phẩm thành phố cho biết, Trung Quốc cung cấp hơn 95% trong số 250 đến 300 quan tài mà Hong Kong cần mỗi ngày. Hiện, 6 lò hỏa táng tại Hong Kong đang hoạt động gần như suốt ngày đêm, thực hiện gần 300 lượt hỏa táng mỗi ngày.
Các nhà chức trách thành phố cũng cho biết, các kho đông lạnh công cộng đã được mở rộng để chứa 4.600 thi thể so với sức chứa 1.350 thi thể trước đây, phục vụ việc lưu trữ thi thể người mất vì COVID-19 trong khi chờ làm thủ tục hỏa táng, chôn cất.
Trong một nỗ lực giải cứu Hong Kong, tổ chức phi chính phủ Forget Thee Not đã hợp tác với một nhà sản xuất quan tài thân thiện với môi trường, LifeArt Asia, để cung cấp các quan tài bìa carton và 1.000 hộp chất bảo quản cho 6 bệnh viện công.
"Chúng tôi đang thúc đẩy tổ chức tang lễ thân thiện với môi trường và đúng theo mong muốn cá nhân. Giờ chúng tôi nhận thấy Hong Kong cần lượng quan tài nhiều hơn. Hiện không có đủ quan tài cho người chết trong bệnh viện", Albert Ko, giám đốc hội đồng quản trị của Forget Thee Not, nói.
Mỗi quan tài, được làm từ bìa cứng với sợi gỗ tái chế, có thể chịu trọng lượng lên tới 200 kg. Khi được đặt trong quan tài hoặc túi đựng thi thể, chất bảo quản dạng bột sẽ chuyển thành khí, để giữ thi thể ở trạng thái tự nhiên trong tối đa 5 ngày.
Nguồn: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/thi-the-chong-chat-tu-benh-vien-den-nha-xac-tai-hong-k...
Trẻ từ 5 -12 tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin
Cũng theo ông Nguyễn Trường Nam ngoài việc cập nhật thông tin, các cơ sở tiêm chủng phải thực hiện ký số ngay trong ngày để cập nhật lên hệ thống, Cục Y tế dự phòng tiến hành ký số tập trung để cấp hộ chiếu vắc xin. Trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin như đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khác.
Hộ chiếu vắc xin được cung cấp thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; ứng dụng PC-COVID. Đối với người dân không sử dụng hai ứng dụng trên, có thể tra trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân (hoặc mã định danh), ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu. Người dân có thể in hộ chiếu ra giấy để sử dụng.
24 giờ, thế giới ghi nhận thêm gần 1,2 triệu ca mắc mới COVID-19
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/4 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận 493.690.963 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.182.295 ca tử vong.
Số ca COVID-19 mắc mới trong 24 giờ qua là 1.182.286 và 3.068 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 429.170.871 người, 58.337.797 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 55.398 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca mắc mới với 265.995 người; Pháp đứng thứ hai với 203.021 ca; tiếp theo là Đức (187.256 ca). Anh đứng đầu về số ca tử vong, với 368 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Nga 316 ca và Đức với 256 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đến nay là 81.888.185 người, trong đó có 1.009.094 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận 43.030.767 ca nhiễm, bao gồm 521.518 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.040.129 ca bệnh và 660.528 ca tử vong.
Nguồn: https://tienphong.vn/tre-tu-5-12-tuoi-tiem-vac-xin-phong-covid-19-se-duoc-cap-ho-chieu-...
Hướng dẫn tiêm chủng cựu F0
Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, đến nay, chưa có đầy đủ bằng chứng để hiểu rõ về các biến chủng của SARS-CoV-2, tuy nhiên việc áp dụng các biện phòng chống đặc biệt là tiêm chủng là rất quan trọng. Thống nhất chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin cho trẻ; các đối tượng trên 12 tuổi đã mắc thì tiêm chủng sau khi hồi phục 3-6 tháng.
Trước đó, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã mắc COVID-19 sẽ được tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách li y tế theo quy định, thay vì đợi 6 tháng như trước.
Lưu ý khi tiêm cho trẻ nhỏ
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nêu rõ, có 2 loại vắc xin là Moderna và Pfizer sẽ được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, liều tiêm mỗi mũi của 2 loại vắc xin sẽ khác nhau, lứa tuổi tiêm cũng có sự khác biệt. Pfizer tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, có hàm lượng là 10mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều vắc xin sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên. Liều tiêm là 0,2ml (mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg vắc xin mRNA COVID-19), dùng tiêm bắp. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần. Đặc biệt, không sử dụng vắc xin Pfizer của người lớn để tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đối với vắc xin Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (> 80%), kiệt sức (> 50%), đau đầu (> 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%), đau cơ và ớn lạnh (> 10%). "Phản ứng này cũng gây ra với đối tượng trẻ từ 12-17 tuổi khi tiêm vắc xin phòng COVID-19", bà Hồng cho biết.
Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000). Tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận phản ứng này đối với trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong hệ thống.
Bộ Y tế ngày 31/3 phê duyệt vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Vắc xin được tiêm bắp, liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vắc xin cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Đối với vắc xin Moderna, các phản ứng rất thường gặp là: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp,đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp. Phản ứng thường gặp là: tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là: chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng hiếm gặp là: giảm cảm giác, sưng mặt ở người có tiền sử tiêm chất làm đầy da. Phản ứng rất hiếm gặp là: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Nguồn: https://tienphong.vn/huong-dan-tiem-chung-cuu-f0-post1428643.tpo
Sau chỉ trích, Thượng Hải đã để trẻ mắc COVID-19 ở cùng cha mẹ
Theo South China Morning Post, nhiều nguồn tin cho hay các quy định về cách ly trẻ em mắc COVID-19 đã được nới lỏng sau khi chính sách cứng rắn cấm cha mẹ âm tính ở cùng con nhỏ bị chỉ trích gay gắt.
Trước đó, ông Wu Qianyu, một quan chức cấp cao của Ủy ban Y tế Thượng Hải, khẳng định là trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng hay không đều phải được cách ly với bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm âm tính.
Hình ảnh trẻ em bị cách ly một mình, không có cha mẹ tại Trung tâm Y tế công cộng lâm sàng Thượng Hải làm dấy lên làn sóng chỉ trích - Ảnh: Twitter
Điều này đã khiến nhiều trẻ rất nhỏ bị tách rời khỏi cha mẹ, nhập viện một mình. Tuy nhiên chỉ sau 1 ngày, việc nới lỏng quy định đã diễn ra.
Theo Tân Hoa Xã, từ thứ ba, trong bệnh viện dã chiến 1.000 giường dành cho trẻ em được thiết lập tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế mới ở Thượng Hải, đã có 177 em được nhập viện cùng với cha mẹ chúng, trong đó có một số phụ huynh vẫn âm tính khi xét nghiệm Covid-19, nhưng đã được chấp thuận sau khi ký cam kết.
Làn sóng chỉ trích đã trỗi dậy khi một đoạn phim được lưu hành trên mạng cho thấy cảnh những đứa bé mắc COVID-19 bị cô lập tại Trung tâm Y tế công cộng lâm sàng Thượng Hải.
Trung Quốc vẫn đang nỗ lực theo đuổi chính sách Zero-COVID-19 bằng việc cách ly tuyệt đối những người có kết quả xét nghiệm dương tính, bất kể họ có triệu chứng hay không.
Theo The Global Times, giới chức Thượng Hải đang gấp rút tìm thêm các địa điểm để mở bệnh viện dã chiến. Hiện tại Thượng Hải đang có 47.700 giường cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19. 30.000 giường nữa sẽ được đưa vào sử dụng ngay lập tức, theo tuyên bố từ một lãnh đạo Thượng Hải.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/sau-chi-trich-thuong-hai-da-de-tre-mac-covid-19-o-cu...
Trung Quốc báo cáo 20.000 ca mắc COVID-19 mới trong ngày, mức cao nhất kể từ đầu dịch
Ngày 6/4, Trung Quốc đã báo cáo hơn 20.000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong 24h qua, trong đó, tâm dịch hiện nay là thành phố Thượng Hải hiện đang bị phong toả.
Chiến lược "Zero COVID-19" của Trung Quốc đang gặp căng thẳng trong bối cảnh số ca mắc mới vẫn tiếp tục gia tăng.
Tính đến tháng 3, Trung Quốc vẫn duy trì số ca bệnh ở mức độ tương đối thấp với các biện pháp giãn cách cục bộ nhanh chóng, xét nghiệm diện rộng và hạn chế nghiêm ngặt đối với người nhập cảnh từ nước ngoài. Dù vậy, số ca mắc COVID-19 mới vẫn tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày trong thời gian gần đây khi các quan chức y tế ghi nhận sự xuất hiện của dòng phụ thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao ở Thượng Hải.
Trung Quốc đang trải qua ngày có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ đầu dịch. Ảnh: AFP
Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết Trung Quốc đã ghi nhận 20.472 ca nhiễm vào ngày 6/4, đồng thời thông tin thêm rằng "không có ca tử vong mới". Đây là con số lây nhiễm hàng ngày cao nhất từ trước đến nay của đất nước do các kể từ đầu dịch, ngay cả trong thời kỳ cao điểm của đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán cũng không cao như vậy. Tuy nhiên, phần lớn các ca bệnh hiện nay không có triệu chứng.
Tại Thượng Hải, các cơ sở kiểm dịch đang tràn ngập những người có kết quả xét nghiệm dương tính khi các quan chức thành phố kiên quyết tuân thủ các biện pháp phòng dịch, bao gồm việc cách ly trẻ sơ sinh dương tính với SARS-CoV-2, một chính sách khiến các gia đình lo lắng.
Các quan chức thành phố cho biết Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc, hiện đang là tâm dịch với hơn 80% tổng số ca mắc mới trên cả nước. Thành phố 25 triệu người đã đóng cửa theo từng giai đoạn hồi tuần trước.
Một quan chức hàng đầu của Thượng Hải đã thừa nhận rằng giới chức thành phố đã "không chuẩn bị đầy đủ" để đối phó với sự bùng phát dịch.
Sự tức giận về việc thiếu thực phẩm và các biện pháp hạn chế đang gia tăng giữa cộng đồng khi việc đóng cửa kéo dài.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là một trong số ít quốc gia còn lại trên thế giới kiên trì với chiến lược "Zero COVID-19".
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-bao-cao-20-000-ca-mac-covid-19-m...
Xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 4 trước 15-4
Bộ Y tế vừa giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ trì, phối hợp với Cục Y tế dự phòng khẩn trương xây dựng kế hoạch cung ứng vắc-xin Covid-19 để tiêm mũi 4 và báo cáo Bộ Y tế nội dung này trước ngày 15-4.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm vắc-xin Covid-19 đến chiều 6-4 cho thấy cả nước đã tiêm 207.235.119 liều vắc-xin Covid-19, trong đó tỉ lệ bao phủ vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên ở nước ta là: Mũi 1 là 100%, mũi 2 là 99,8%, tiêm mũi 3 đạt khoảng 50%. Đối với người từ 12 - 17 tuổi mũi 1 là 99,8% và mũi 2 là 95,1%.
Số liều vắc-xin Covid-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 189,8 triệu liều và số liều vắc-xin Covid-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là gần 17,2 triệu liều.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc-xin; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.
Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc-xin.
Hiện nhiều địa phương đã lên kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Theo Bộ Y tế, có 2 loại vắc-xin được sử dụng tiêm cho trẻ là Moderna và Pfizer. Dự kiến, lô vắc-xin đầu tiên để tiêm cho nhóm trẻ này sẽ về Việt Nam vào ngày 10-5 tới.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/xay-dung-ke-hoach-tiem-vac-xin-covid-19-mui-4-truoc-15-4-20...
Covid-19: Xuất hiện "siêu vắc-xin" chống Omicron và mọi biến thể?
Theo nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Allergy, "siêu vắc-xin" này được phát triển dựa trên một protein dung hợp có cấu trúc gấp lại, bao gồm 2 miền liên kết thụ thể (RBD) của virus SARS-CoV-2 và kháng nguyên PreS từ bệnh viêm gan siêu vi B.
Dường như kết hợp này - như một kiểu phối hợp giữa vắc-xin Covid-19 và vắc-xin viêm gan siêu vi B - đã tạo ra phản ứng miễn dịch chéo mạnh mẽ, từ đó tăng cường phản ứng miễn dịch.
Các vắc-xin Covid-19 hiện có chủ yếu tạo ra phản ứng IgG1 thoáng qua, trong khi "siêu vắc-xin" mới tạo được các kháng thể IgG4 đặc hiệu RBD, tồn tại lâu dài. Phản ứng của "siêu vắc-xin" tác động mạnh hơn đến thụ thể ACE2, được biết như "cổng xâm nhập" của SARS-CoV-2 vào cơ thể người.
Những yếu tố trên giúp "siêu vắc-xin" mạnh tới nỗi đã tạo được phản ứng miễn dịch ngay cả đối với những người không đáp ứng các vắc-xin Covid-19 trước đó, đồng thời chống lại mạnh mẽ cả những biến thể mang nhiều đột biến thoát miễn dịch như Omicron.
Dữ liệu tiền lâm sàng cũng cho thấy phản ứng rất tốt của "siêu vắc-xin" trên mọi biến thể khác lưu hành trước đây.
"Vắc-xin này có thể được sử dụng như mũi tiêm nhắc lại nhằm xây dựng khả năng miễn dịch bền vững và phù hợp cho mọi lứa tuổi, bao gồm nhóm nguy cơ. Nó có vẻ vượt trội hơn các vắc-xin hiện có về khả năng tạo ra kháng thể trung hòa" - tờ Medical Xpress dẫn lời tiến sĩ Rudolf Valenta từ Trung tâm Sinh lý bệnh, nhiễm trùng và miễn dịch học của Trường ĐH Y khoa Vienna, trưởng nhóm nghiên cứu.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-xuat-hien-sieu-vac-xin-chong-omicron-va-moi...