Lễ Táo quân nhiều người tay xách nách mang xô, chậu chứa cá chép đem ra sông, suối, ao hồ… phóng sinh cho cá hóa rồng chở các Táo cưỡi lên chầu Ngọc Hoàng. Nhưng rất nhiều người đã phóng sinh sai cách.
Phóng sinh là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng. Người dân chuộng dùng cá chép đỏ thật làm lễ tạ Táo, sau đó thả phóng sinh. Nhưng đã có nhiều người phóng sinh sai cách.
Sau đây là một số hình ảnh thả cá phóng sinh sai cách vào năm ngoái, khiến cá bị chết và ô nhiễm môi trường, để lại những hệ lụy cho xã hội.
Trong lễ cúng tiễn Táo quân chầu trời, người dân mua cá chép sống về thả vào chậu nước sạch, để bên mâm cỗ cúng Táo (chứ không bày cá sống vào mâm cúng).
Sau khi cúng Táo quân xong thì mang cá chép đó ra ao, hồ hoặc sông suối để thả phóng sinh, cho cá hóa rồng đưa các Táo lên thiên đình.
Có những người thả cá rất nhiều, họ đổ cả chậu cá, xô cá… từ trên cao xuống nước. Thả cá ở độ cao thế này nước không còn "mềm" để cá bơi lội mà sống.
Hoặc thả cá rất nhiều, với mong muốn phóng sinh càng nhiều càng tích được phước đức. Nhưng cách xúc cá đổ xuống nước từ trên cao thế này thì cá cũng khó sống.
Hoặc quăng, ném những con cá tội nghiệp xuống nước…
Bất biết phía dưới đó là nước, bê tông, hay chỗ không có nước cho cá thở hoặc bơi đi... Thả cá vào khối bê tông thế này thì cá nào sống nổi?
Khá nhiều người dân thả cá lấy lệ, tiện tay là quẳng luôn cả túi nilon, đồ chứa cá xuống nước… khiến cá không thoát được khỏi túi nilon và làm bẩn môi trường.
Và một sự thật là ngày 23 tháng Chạp năm nào cũng có nhiều người mang cá chép lên cầu rồi thả rơi tự do xuống lòng sông từ độ cao 5-20m xuống. Ở độ cao đó rơi xuống dù là mặt nước thì không cá chép con nào có thể sống được.
Phóng sinh không đúng đã gây thêm thảm hoạ cho cá: Cá đang sống ở ao nhà lại bị bắt sống ở nơi ao lạ; Cá sống ở nước ngọt lại đem thả ra vùng nước lợ (nhiễm mặn), hay ngược lại. Hoặc cá tung tăng bơi lội ở sông ngòi thì đưa vào ao nhà tù túng…
Chưa kể các hồ, hoặc sông trong nội thành (như sông Tô Lịch, Kim Ngưu ở Hà Nội, hay kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hủ... ở Sài Gòn), nước ô nhiễm tới mức sau ngày 23 tháng Chạp nhiều cá con ngửa bụng trắng. Thực tế, cá phóng sinh bé tí, thả xuống môi trường lạ, ô nhiễm thì chả mấy con sống nổi.
Và sau khi thả cá phóng sinh, các địa điểm thả cá đầy túi nilon do những người thả cá thiếu ý thức vứt lại, khiến nhân viên môi trường rất vất vả thu dọn.
Mục đích phóng sinh là là khởi lòng từ bi, tái tạo nguồn lợi bảo vệ môi trường... Nhưng cách phóng sinh bằng cách đổ, ném, quăng cá, hoặc ném luôn cả túi chứa nước và cá xuống ao hồ... thì là thiếu ý thức, không phải phóng sinh cá, mà còn là giết cá, làm ô nhiễm môi trường, sai ý nghĩa, chuẩn mực với phong tục cổ truyền thiêng liêng của dân tộc.
Thả cá chép sai cách sẽ không tỏ được lòng thành kính trọn vẹn, làm mất ý nghĩa tâm linh, còn thể hiện thái độ bất kính, còn kéo theo những hệ lụy môi trường bức xúc cho xã hội và làm mất nét đẹp của việc phóng sinh. Trước mùa lễ cúng Táo quân và phóng sinh, xin cảnh báo những cách thả cá sai để người dân nên biết những cách thả cá sai để thực hành đúng nghi thức ý nghĩa này.