Không chỉ những bạn trẻ mà còn nhiều đôi vợ chồng mới cưới, đã chung sống với nhau hàng chục năm cũng tìm đến chợ se duyên để cầu may mong tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng.
Trong không khí tưng bừng của ngày đầu xuân, cứ đến ngày mùng 3 tết, những cặp đôi trai gái, các bạn trẻ độc thân thuộc nhiều lứa tuổi từ khắp mọi nơi lại nô nức kéo về chợ se duyên ở thôn Đông Thượng, xã Trung Động, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, cầu mong sang năm mới sẽ tìm được hạnh phúc, tìm được một nửa tình yêu còn lại của đời mình.
Không biết chợ se duyên có từ bao giờ, nhưng theo các cụ già làng kể lại, từ xa xưa nơi đây đã có nét đẹp truyền thống dành cho các bạn trẻ cầu tình duyên mong muốn tìm người bạn đời trăm năm hạnh phúc của mình. Rồi từ đó đến nay, cứ đến ngày mùng 3 tết, tại sân đình của thôn Đông Thượng lại nhộn nhịp hơn hẳn.
Đường vào ngôi đình đế thắp hương cầu tình duyên quá đông khiến nhiều bạn trẻ khó khăn di chuyển. (Ảnh: Thế Anh)
Chợ se duyên diễn ra từ 6h đến 12h trưa ngày mùng 3. Bất chấp nắng mưa, giá lạnh hàng trăm bạn trẻ, trai, gái vẫn tìm đến đây từ rất sớm và coi đây như ngày hội đầu năm mới để cầu mong sẽ tìm được hạnh phúc, một người bạn tri kỷ trăm năm của đời mình.
Được biết, đây là nơi linh thiêng nên các bạn trẻ kéo nhau về, không kèn, không sáo, không có những câu hát đẩy đưa tình tứ, nhưng vẫn râm ran những câu nói tiếng cười giao lưu hoặc mua một món đồ để cầu cho đường tình duyên gặp may mắn trong năm mới sắp tới.
Đôi bạn trẻ vừa rút quẻ để cầu may dịp đầu năm mới. (Ảnh: Thế Anh)
Bạn Bùi Thị Huyền (24 tuổi) cho biết: “Năm nay, khi về quê ăn tết, ai cũng giục mình tìm người con trai của đời mình để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc trăm năm khiến mình lo lắm. Hôm nay, mình đến chợ se duyên từ rất sớm, để tìm mua một sợi dây tình duyên và một chút muối, gạo với niềm tin trong năm Đinh Dậu này sẽ không còn độc thân nữa".
Bạn Bùi Thị Huyền mua muối cầu may.
Không chỉ những bạn trẻ mà nhiều đôi vợ chồng mới cưới và cả những cặp vợ chồng đã chung sống hàng chục năm cũng tìm đến chợ để cầu mong tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng.
Đã từ rất lâu người dân nơi đây coi phiên chợ này như một nét truyền thống tốt đẹp của địa phương không thể thay đổi.