Sáng nay (24/9), giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh hơn nửa triệu đồng/lượng lên trên mốc 81 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay. Giá vàng nhẫn hiện chỉ thấp hơn giá vàng miếng SJC 800.000 đồng/lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 80,1 - 81,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 650.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 80,08 - 81,18 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn thấp nhất thị trường ở mức 79,5- 80,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn liên tục tăng trong 1 tuần trở lại đây và mỗi ngày lập một kỷ lục mới trong khi giá vàng miếng SJC sáng nay vẫn đi ngang, giá bán ra thị trường 82 triệu đồng/lượng. Hiện khoảng cách giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC giảm mạnh còn 800.000 - 900.000 đồng/lượng, tuỳ theo giá bán của từng doanh nghiệp.
Giá vàng nhẫn cao nhất từ trước đến nay (ảnh: Như Ý).
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.626 USD/ounce, tăng 4 USD/ounce so với sáng qua. Hiện, giá vàng thế giới tương đương hơn 77 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế, phí. Hiện, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới từ 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyên mọi người hãy cẩn thận và tự kiềm chế trong cơn sốt vàng. Ông Hiếu dự báo, chưa tới cuối năm nay, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 3.000 USD/ounce.
“Giá vàng đang rất sốt, không nên nóng vội bỏ hết vốn liếng đầu tư vào vàng. Nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các diễn biến mới nhất từ thị trường.Trong cơn sốt vàng, tuyệt đối tránh tình trạng vay tiền để mua vàng. Bởi khi vàng đột ngột rớt giá, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc mất tiền và trả nợ", ông Hiếu nói.
Trên thị trường tiền tệ, ngày 24/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.126 đồng/USD, giảm mạnh 22 đồng/USD so với sáng qua. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD quanh mức 24.430 - 24.800 đồng/USD mua vào - bán ra.