Sáng nay (8/12), giá vàng trong nước vẫn duy trì quanh mốc 84 - 85 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng nửa tháng qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 82,7 - 85,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Doji… cũng đồng loạt giảm về mức giá 85,2 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng miếng SJC giảm 1 triệu đồng/lượng sau 1 tuần và 2,7 triệu đồng/lượng sau 2 tuần liên tiếp chiều mua vào. Chiều bán ra giảm gần 2 triệu đồng/lượng và đây là mức giá thấp nhất trong vòng nửa tháng qua.
Giá vàng miếng giảm liên tiếp 2 tuần qua (ảnh: Như Ý).
Giá vàng nhẫn cũng trong xu hướng giảm theo giá vàng miếng SJC. Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82,98 - 84,08 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 83 - 84 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.633 USD/ounce. Giá vàng thế giới tương đương gần 81 triệu đồng/lượng chưa kể thuế phí. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng 3 - 4 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường tệ, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.255 đồng/USD.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại niêm yết giá mua - bán USD ở mức 25.134 - 25.467 đồng/USD.
Mới đây, trong phiên giao dịch 3/12, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, toàn bộ 10.000 tỷ đồng trúng thầu, trong khi có 20.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.
Trên kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở hai kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết quả có 1.300 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 3,95% và 3.500 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 4,0%. Trong khi đó, có 600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Tính chung, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 14.200 tỷ đồng từ thị trường thông qua kênh thị trường mở trong phiên 3/12. Trước đó, Nhà điều hành cũng đã hút ròng lần lượt gần 11.200 tỷ đồng và 28.480 tỷ đồng trong phiên giao dịch 2/12 và 29/11.
Tiếp đó trong phiên ngày 4/12, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Có 1.000 tỷ đồng trúng thầu. Có 3.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này. Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước ở 2 kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 5.325 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 4,0%; có 3.800 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 4,0%. Có 900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 10.225 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở.
Ngân hàng Nhà nước giảm dần lượng thanh khoản hỗ trợ hệ thống trong bối cảnh lãi suất liên VNĐ trên thị trường ngân hàng đã giảm mạnh những phiên gần đây.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ các công cụ để kiềm chế đà tăng của tỷ giá. Biện pháp đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước sử dụng là việc duy trì kênh phát hành tín phiếu trong suốt 1,5 tháng qua. Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẵn sàng cho vay qua kênh OMO với mức lãi suất 4%/năm.
Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.