Đến thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) hỏi về ba anh em mù lấy được ba người vợ mắt sáng, thì không ai là không biết. Tình thương yêu, ý chí, nghị lực phi thường của chính bản thân những chàng trai mù đã làm rung động trái tim của những người phụ nữ không chỉ mắt sáng mà còn rất đảm đang, hiền lành.
Đại gia đình này đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để vươn lên và trở thành những người có ích cho xã hội khiến cả làng nể phục. Đó chính là ba anh em ông Nguyễn Như Luân, Nguyễn Như Thanh, Nguyễn Như Hiền, những người đã viết nên một câu chuyện cổ tích về tình yêu, về nghị lực sống giữa đời thường.
Tuổi thơ cay cực
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ba anh em mù ở phố Yên Lã 1, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nhìn ngôi nhà khang trang, rộng rãi, chắc không ai nghĩ rằng nó được gây dựng nên từ tay của những người đàn ông mù. Thấy có giọng người lạ, anh Hiền, người em trai út nhanh nhẹn mời khách ngồi vào ghế uống nước. Sau phút chào hỏi, anh đứng dậy cua tay cầm phích nước nóng rồi pha trà mời khách một cách thành thạo. Ngồi nhấm nháp ly trà nóng, câu chuyện cảm động về cuộc đời của 3 anh em mù lần lượt được kể như một cuộn phim quay chậm, không thiếu một chi tiết.
Họ sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người mẹ là bà Nguyễn Thị Quỳnh mắt kém từ nhỏ, đến khi lấy chồng thì mù hẳn. Năm 25 tuổi, bà lấy ông Nguyễn Như Thảo và sinh hạ được 7 người con. Ba người chị gái đầu sinh ra và lớn lên bình thường, nhưng tai họa lại giáng xuống đầu ba anh em trai và cô con gái út. Khi chào đời, ba anh em trai và cô em gái út cũng khỏe mạnh như bao đứa bé khác. Anh Luân ban đầu được cắp sách tới trường, thế nhưng càng lớn mắt càng mờ đi. Đến khi học hết cấp một, vì mắt quá mờ nên đành phải nghỉ học. Thấy con mắc bệnh quái ác, dù nhà khó khăn, bố mẹ anh Hiền vẫn cố vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng tất cả đều vô ích. Thời gian trôi qua, người em trai là Nguyễn Như Thanh và Nguyễn Như Hiền mắt cũng mờ dần, không nhìn thấy gì. Riêng cô em gái út, ngoài bị mắt mờ, đã mất cách đây vài năm do bị tai biến mạch máu não.
“Với những thanh niên cùng trang lứa, lúc đến tuổi trưởng thành là lúc có thể đi làm, kiếm tiền, phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Vậy mà, với 3 anh em tôi, lúc lớn khôn lại là lúc cuộc đời rơi vào màn đêm tăm tối, không còn nhìn thấy bất cứ cái gì. Nhiều lúc tủi thân, mấy anh em chúng tôi ôm nhau khóc vì biết bố tôi, người đàn ông duy nhất mắt sáng và cũng là trụ cột của gia đình phải bươn chải, làm hết nghề này đến nghề khác để kiếm đủ tiền nuôi vợ và mấy đứa con mù lòa”, anh Hiền nói trong nỗi buồn thương.
Đội xe thồ của 3 anh em mù và 3 cô vợ mắt sáng (ảnh gia đình cung cấp).
Ba anh em mù đều lấy vợ tuổi 20
Khổ sở sống trong cảnh tối tăm là vậy nhưng với nghị lực của những thanh niên đang tuổi đôi mươi và nhờ sự động viên của người thân, làng xóm, hy vọng vẫn luôn le lói trong tâm hồn họ. Cả ba người luôn bảo nhau cố gắng sống tốt để không phụ công lao nuôi dưỡng của đấng sinh thành.
Đang trong độ tuổi thanh xuân, cũng giống như những chàng trai mới lớn khác, anh Luân cũng ôm mộng tương tư trong tim một bóng hình. Khẽ mỉm cười, anh Luân kể lại cho tôi nghe về chuyện tình lãng mạn của mình: “Năm đó, tôi vừa bước sang tuổi 20, được giới thiệu, tôi quen cô gái làng Tiên Du tên Nguyễn Thị Hào. Cô ấy vốn là thanh niên xung phong, hơn tôi 6 tuổi. Không hiểu mọi chuyện có phải do vận mệnh sắp đặt, nhưng sau thời gian đi lại tìm hiểu, tôi và cô ấy tâm sự rất hợp nhau, cả hai đều nghĩ rằng dường như chúng tôi sinh ra là để phải lòng nhau. Từ khi quen biết cho đến khi cưới chỉ ba tháng, cách một ngày, tôi lại đạp xe đến nhà người yêu, xa 7 cây số (thời gian này, mắt anh Luân ban ngày vẫn nhìn thấy hơi mờ, có thể tự đi xe đạp). Biết cô ấy đem lòng yêu thương, cảm thông và thấu hiểu hoàn cảnh của tôi, cả hai quyết định tổ chức đám cưới. Cả gia đình, họ hàng bà con làng xóm đều vui mừng thay cho tôi vì cưới được người vợ mắt sáng, nết na, hiền dịu”.
Chuyện tình của cậu út với vợ cũng như trong cổ tích. Anh Hiền kể: "Ngày trước tôi trẻ, đẹp trai hát hay lắm. Cũng giống như anh trai lúc trẻ, ban ngày mắt vẫn nhìn mờ mờ được, nhưng đến tối là không nhìn thấy gì. Tôi vẫn đạp xe đi đón người yêu, ngày rước dâu vẫn còn chở cô ấy về đến tận nhà. Sau khi lấy nhau được một thời gian thì mắt mù hẳn không nhìn thấy gì". Cho đến tận bây giờ, khi được hỏi lại, anh Hiền vẫn tin rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi lấy vợ mình là chị Đỗ Thị Hà, hơn anh 3 tuổi, một người phụ nữ tần tảo, hết lòng thương yêu chồng con và cha mẹ chồng. Từ khi anh lấy vợ ra ở riêng, mẹ anh đã về ở cùng vợ chồng anh đến tận bây giờ.
Chị Thuý, vợ anh Nguyễn Như Thanh, cười vang khi chúng tôi hỏi chuyện tình yêu của hai anh chị: "Ngày anh Thanh đến hỏi cưới, tôi cũng có một người nữa khá đẹp trai, cao ráo hết lòng theo đuổi. Có lẽ, số mệnh đã định sẵn, khi thấy anh Thanh tuy mắt kém nhưng hiền lành, chăm chỉ, tôi cảm động nên đồng ý gá duyên. Khi ấy, bố mẹ cũng khuyên bảo, hàng xóm nói ra nói vào ghê lắm nhưng tôi vẫn quyết tâm lấy anh bằng được”. Dù lấy người chồng mù lòa, nhưng chị Thúy không bao giờ phàn nàn nửa lời mà vững tâm cùng chống chọi với giông bão cuộc đời. Chị chia sẻ thêm: “Năm 2009 trong một lần kiểm tra ngôi nhà đang xây dang dở thì anh Thanh bị ngã từ tầng 2 xuống đất. Ngày ấy, gia đình tưởng anh không qua khỏi vì cả ba bệnh viện đều trả về, tôi buồn lắm chỉ biết hết lòng chăm sóc chồng. May sao, anh ấy dần tỉnh lại, một năm trở lại đây thì anh ấy còn tự đi lại, làm lụng được. Chỉ buồn là sau tai nạn, đôi tai anh không còn nghe thấy gì nữa”.
Ông Nguyễn Như Luân kể về mối tình lãng mạn với người vợ. Ảnh TG
Hạnh phúc được lao động mưu sinh
Ba anh em sau khi lấy vợ về rất vui mừng, nhưng thực tế cuộc sống rất khó khăn. Cùng ngồi họp nhau, ba chàng trai mù lòa hạ quyết tâm phải làm công việc mình có thể để kiếm tiền. Ban đầu, anh Hiền cùng hai người anh đi xay bột thuê, tuốt lúa, kéo trục… Sau đó, ba anh em bàn bạc mua xe thồ để chở vật liệu xây dựng. Gom góp tất cả vốn liếng, tài sản, ba cặp vợ chồng mới có được 500.000 đồng để mua được 3 chiếc xe đạp về đóng khung gỗ làm xe thồ.
Trong làng cứ nhà nào động thổ, xây dựng hay vận chuyển gạch, đá, cát sỏi, mấy anh em lại tìm đến để xin làm. Ban đầu, mọi người nghi ngại lắm. Nhưng nài nỉ mãi thì họ cũng bằng lòng cho ba anh em làm thử. Các cô vợ mắt sáng là người lái xe, còn những người chồng đằng sau đẩy theo. Khởi đầu rất khó khăn. Có những khi đẩy xe được dăm ba chuyến thì anh Thanh, anh Hiền phải ngã đến năm bảy lần, anh Luân luống cuống để rớt cả gạch vào chân. Nhưng càng về sau, công việc càng tốt dần lên. Kể về những năm tháng đẩy xe thồ thuê, anh Hiền rạng ngời nói: “Anh em chúng tôi làm tới đâu gọn tới đó nên khách họ tin lắm. Thậm chí có người còn giao trọn gói chuyên chở vật liệu cho công trình của họ”. Những người hàng xóm ở thôn Yên Lã thường hay nói đùa, ba anh em là ba ông giám đốc của “xí nghiệp” xe thồ mù. Khi xã có chính sách cấp đất cho những người nghèo, anh em họ cũng được một mảnh ao ở cuối làng. Sau mỗi đợt chở vật liệu thuê, có ít đất cát thừa nào, họ lại được dân làng cho để về đổ lấp ao. Hơn chục năm lam lũ, chật vật, cuối cùng đất ao cũng đầy, họ cũng dành dụm được tiền xây nhà cửa. Anh Luân, chị Hào cất được ngôi nhà khang trang trên đất ông bà để lại. Còn anh Thanh chị Thuý và anh Hiền chị Hà cũng có được ngôi nhà rộng rãi với nhiều tiện nghi trên mảnh đất xã cấp cho.
Vài năm gần đây, nhiều tuyến đường trong làng được bê tông hóa, nhiều xe công nông, xe ba bánh xuất hiện, nhiều gia đình có tiền đầu tư mua xe cơ giới. Công việc của đội xe thồ thưa vắng dần, họ đành ngậm ngùi “giải nghệ”. “Tưởng chừng cuộc sống của mấy anh em tôi lại trở về hai bàn tay trắng, nhưng may thay, Hội người mù thị xã Từ Sơn được thành lập, cả 5 mẹ con tôi được kết nạp vào Hội. Anh Luân được xã cử đi học nghề tẩm quất mát - xa; còn anh Thanh và tôi chuyển sang làm nghề vặt lông vịt”, anh Hiền vui mừng kể. Trung bình mỗi ngày, đại gia đình anh Thanh và anh Hiền cũng kiếm được từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng. Cuộc sống dần khấm khá… Dẫu biết vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ba cặp vợ chồng đều tự bằng lòng với hiện tại. Và điều chúng tôi cảm phục hơn cả là họ vẫn luôn dành cho nhau những tình cảm vợ chồng, tình anh em yêu thương, thân thiết.