Loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2020, ai cũng cần biết để tránh vi phạm

HÀ ANH - Ngày 01/09/2020 08:45 AM (GMT+7)

Bắt đầu từ tháng 9/2020, một số chính sách mới bắt đầu có hiệu lực, người lao động cần nắm rõ để tránh vi phạm.

Tăng mạnh mức phạt với người ngoại tình

Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản; doanh nghiệp, hợp tác xã.... chính thức có hiệu lực từ ngày 01/9/2020 sẽ thay thế cho Nghị định 110/2013/NĐ-CP. 

Trong nghị định mới này, một số hành vi "ngoại tình" sẽ thay đổi mức phạt. Theo đó, các hành vi "ngoại tình" sau đây sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng (hiện hành chỉ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng):

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

Loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2020, ai cũng cần biết để tránh vi phạm - 1

Một số hành vi ngoại tình bị tăng mức phạt (Ảnh minh họa)

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Ngoài ra, các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn cũng sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.

- Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn.

- Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

- Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Bãi bỏ 1 quy định tính thời gian công tác trước 01/01/1995 để hưởng BHXH

Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 20-9-2020), trong đó, bãi bỏ quy định tại khoản 7 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, cụ thể:

Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định".

Loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2020, ai cũng cần biết để tránh vi phạm - 2

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, quy định Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có trách nhiệm:

- Rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc và các phòng của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII;

- Sắp xếp giảm 63 đầu mối cấp phòng của 63 BHXH tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025;

- Sắp xếp giảm BHXH huyện theo Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã và Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt

Cũng tại Nghị định 82 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp, bố, mẹ đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt.

Trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, theo Nghị định 82 có hiệu lực vào 1/9 sẽ bãi bỏ quy định này.

Loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2020, ai cũng cần biết để tránh vi phạm - 3

Đăng kí khai sinh muộn cho con không còn bị phạt.  Ảnh minh họa.

Ngoài ra, Nghị định 82 cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như: Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh: phạt từ 01 - 03 triệu đồng.

Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh: phạt từ 03 - 05 triệu đồng.

Giáo viên phổ thông được nghỉ hè 8 tuần

Nghị định 84 quy định một số điều chi tiết của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/9/2020, Chính phủ đã có hướng dẫn mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp.

Cụ thể, giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 08 tuần bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Giáo viên trường trung cấp và giảng viên cao đẳng được nghỉ hè 06 tuần gồm cả nghỉ phép hằng năm.

Riêng trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.

Nâng mức hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp

Có hiệu lực từ ngày 15/9, nghị định 88/2020 tăng mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp lên tối đa 800.000 đồng thay vì 500.000 đồng như hiện nay. Với quy định này, mỗi người lao động được hỗ trợ tối đa hai lần, và mỗi năm được hỗ trợ một lần.

Về kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp, Chính phủ lần đầu quy định rõ số tiền hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 15 triệu đồng; hiện nay quy định không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở.

Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động trong trường hợp này là 2 lần và trong một năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

Từ 1/9/2020, cãi nhau với vợ rồi xé giấy kết hôn, chồng có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/9/2020 quy định về việc người có hành vi xé giấy đăng ký kết hôn sẽ bị phạt từ 10-20 triệu...
HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h