Bị đau bụng dữ dội, đi khám chị P. tá hỏa khi biết mình đang mang thai 8 tháng trong ổ bụng.
Suýt chết vì mang thai 8 tháng trong ổ bụng
Bệnh nhân là sản phụ H.T.P, 43 tuổi, ở xã Phú An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Được biết, cách đây nửa tháng chị P bỗng bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và mất ý thức. Gia đình vội chuyển bệnh nhân xuống cấp cứu tại BV Bạch Mai (Hà Nội). Sau khi sơ cấp cứu, chị P được chuyển sang khoa Tiêu hóa với chẩn đoán ban đầu là xuất huyết cổ chướng chưa rõ nguyên nhân vì chảy máu ổ bụng quá nhiều.
Tuy nhiên, cầm kết quả chụp cắt lớp trên tay, bác sĩ tá hỏa khi phát hiện bệnh nhân đang mang thai trong ổ bụng. Cái thai đã phát triển đến tháng thứ 8. Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển xuống khoa Phụ sản mổ cấp cứu.
TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Phụ sản, BV Bạch Mai – người trực tiếp tiến hành ca mổ cho biết, đây là một ca mổ rất khó khăn, do túi thai nằm trong ổ bụng nên có nguy cơ xảy ra nhiều tai biến trong lúc phẫu thuật. Rau thai bám vào rất nhiều nơi trong ổ bụng để lấy máu nuôi thai (bám vào thành bụng, ruột già, ruột non …), nếu xử lý không khéo sẽ gây tổn thương động mạch, bệnh nhân có thể tử vong vì mất máu.
Sau 3 tiếng đồng hồ, ca sinh nở bằng phương pháp mổ đẻ đã thành công. Sản phụ P sinh một bé trai, nặng 800gram. Các bác sĩ đã phải truyền hơn 3 lít máu – gần bằng lượng máu trong cơ thể của một người khỏe mạnh cho sản phụ.
Cháu bé sau khi được mổ cấp cứu đã được chuyển ngay xuống khoa Nhi, BV Bạch Mai nuôi dưỡng đặc biệt. Tuy nhiên, do cháu bé sinh non, nhẹ cân, có nhiều bất thường nên dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa bé vẫn không qua khỏi sau 8 ngày chào đời.
Sản phụ may mắn thoát chết sau 8 tháng mang thai trong ổ bụng (Ảnh HN)
Mang thai trong ổ bụng rất nguy hiểm
Theo TS Hùng, y văn thế giới đánh giá mang thai trong ổ bụng là một bệnh lý cấp cứu trong sản khoa, với tỉ lệ tử vong của mẹ khoảng 0,5 - 18%. Trong mọi trường hợp, khi đã phát hiện thai trong ổ bụng cần có biện pháp can thiệp ngay. Nếu không xử lý kịp thời, thai có thể phát triển ngày càng lớn làm khả năng tử vong ở người mẹ tăng cao. Với trường hợp mang thai ngoài ổ bụng, nếu thai chết lưu, người mẹ dễ bị biến chứng rối loạn đông máu.
Mang thai ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường. Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở ngoài tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển đến tử cung, dẫn đến mang thai ngoài tử cung. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như: vòi trứng (phổ biến nhất, chiếm 90%) hoặc trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí ngay trong ổ bụng như trường hợp của bệnh nhân trên. Nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng mang thai ngoài tử cung là viêm vùng chậu do chlamydia trachomatis; tổn thương ống dẫn trứng và gây thai ngoài tử cung; có tiền căn thai ngoài tử cung; phẫu thuật trên ống dẫn trứng trước đây; vô sinh; lạc nội mạc tử cung; nạo phá thai; hút thuốc lá...
Trong 3 tháng đầu, các dấu hiệu nhận biết, biểu hiện chung của tình trạng mang thai ngoài tử cung là trễ kinh, thử thai dương tính, đau bụng và ra huyết âm đạo (lượng máu ít, máu bầm đen); ra huyết dai dẳng; tử cung to mềm; cổ tử cung tím mềm, đóng; không thấy bất thường hai ống dẫn trứng; siêu âm không thấy túi thai trong lòng tử cung, cạnh tử cung có khối hỗn hợp kích thước vài milimet trở lên.
Trong 3 tháng giữa trở đi, các dấu hiệu xác định mang thai trong ổ bụng có sự hiện diện rõ ràng: đau bụng, đau tăng khi có cử động thai; nôn ói và ra huyết âm đạo; sờ bụng có thể đụng các phần thai nằm sát da bụng; thai suy dinh dưỡng hay dị dạng; kích thước thai nhỏ hơn tuổi thai. Chụp X-quang không có bóng mờ của tử cung bao quanh thai, bóng hơi của ruột nằm chồng lên các phần thai...
Khi đã chẩn đoán xác định mang thai trong ổ bụng, thai phụ sẽ được chỉ định phẫu thuật ngay tức thì. Lúc này cơ thể người mẹ có nguy cơ không an toàn do việc phát triển không bình thường của thai nhi. Mối nguy cơ trước mắt là việc bong nhau và chảy máu trầm trọng. Tuy nhiên, nếu thai kỳ tiến triển khoảng 22 - 24 tuần trở đi, người mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh, có thể theo dõi người mẹ tại bệnh viện với điều kiện có đủ máu cho đến khi thai nhi sống được.
Tuy nhiên, TS Hùng cũng khẳng định cơ hội sống sót của thai nhi trong trường hợp mang thai người tử cung là rất khó. Đối với trường hợp mang thai trong ổ bụng gặp trong 3 tháng cuối, cơ hội sống sót của thai nhi là 10 - 25%, tuy nhiên có 20 - 40% trẻ sống sẽ bị dị dạng, và chỉ có 50% sống sót trong một tuần. Hơn nữa dị dạng thai như: vẹo cột sống, bất xứng khuôn mặt, biến hình chi, đầu dẹt và dị dạng lồng ngực có thể xảy ra ở những trường hợp thiểu ối nặng trong môi trường ngoài tử cung.