Hôm nay (17/11), thời tiết ở miền Trung đã không còn những cơn mưa xối xả trắng trời như hai hôm trước. Thủy điện cũng đã bắt đầu giảm xả lũ nên nước ở các vùng hạ nguồn đang rút dần. Song, nước rút đến đâu thì cảnh xơ xác tiêu điều hiện hữu đến đó.
Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho biết, sau hơn một ngày đêm tàn phá, cơn lũ đã làm 32 người chết, 10 người mất tích và 16 người bị thương nặng.
Trong số 32 người gieo mình xuống dòng nước lũ, tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đau đớn nhất nhất với 13 người mỗi tỉnh; Quảng Nam 2 người; Gia Lai, 2 người, Kon Tum và Phú Yên mỗi tỉnh 1 người.
Trong số 10 người mất tích đến giờ vẫn chưa tìm thấy thì Quảng Ngãi có 4 người, Bình Định 2 người, còn lại 4 người ở 4 tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hoà và Gia Lai. Ngoài ra, còn có 16 người bị thương ở Quảng Ngãi (15 người) và Bình Định (1 người).
Tan hoang sau cơn lũ đi qua
Mưa lũ cũng đã gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Theo thống kê ban đầu đã có 53 nhà đổ, sập và trôi (Quảng Ngãi 32, Bình Định 06, Phú Yên 14, Khánh Hoà 01); 166 nhà tốc mái (Quảng Ngãi 82, Bình Định 84); 109.452 nhà bị ngập (Thừa Thiên Huế 11.141; Bình Định 98.094, Phú Yên 187; Ninh Thuận 30, Quảng Nam chưa có báo cáo cụ thể). Có đến 1.062ha lúa và 691ha hoa màu bị úng ngập, hư hỏng.
Dù nước đã rút nhưng nhiều xã ở huyện Hòa Vang nước vẫn còn mấp mé nhà
Tại Đà Nẵng lúc 6h sáng nay, nhiều điểm ở 3 xã Hòa Phong, Hòa Tiến và Hòa Khương (thuộc huyện Hòa vang) vẫn còn ngập sâu. Theo quan sát, nhiều thôn, nhiều nhà dân vẫn còn ngập nước, đường sá bị chia cắt.
Tại xã Hòa Tiến, nước lũ đã làm hư hại nặng tuyến đường liên xã ADB5. Nhiều đoạn sạt lở nặng, gần 10 trụ đèn chiếu sáng nằm nghiên ngã dưới nước. Một số tuyến đường từ đường ADB5 dẫn về các thôn bị chia cắt, nước còn chảy xiết. Mưa lũ cũng đã làm cho cầu Suối Đá (xã Hòa Tiến) bị sập gần 1/2 cầu. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương phải dùng cây cối để ngăn lại, chừa một phần đường để xe máy, người đi bộ qua lại.
Còn tại xã Hoà Nhơn, trong ngay hôm qua đã có 928 hộ bị ngập, trong đó khá nhiều nhà bị ngập hơn 2m. Địa phương đã sơ tán kịp thời 400 hộ. Hiện tại, nước chưa rút hết, thiệt hại ở địa phương này vẫn chưa thống kê hết.
Tại Quảng Nam, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP Hội An ngập trên diện rộng. Đến sáng nay, nhiều nơi thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc vẫn còn ngập nước. Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Nam Phước (Duyên Xuyên) bị ngập sâu hơn 0,6m.
Các tuyến đường ĐT 616, tuyến Trà My - Trà Bồng bị sạt lở 400-500m3. Theo thống kê của tỉnh này, đã có khoảng 34.000 hộ dân huyện Đại Lộc bị ngập sâu trong nước. Trong đó, có đến 1.200 ngôi nhà bị ngập từ 2m trở lên.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hơn 40 xã tại lưu vực Sông Vệ, các sông Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi đã bị ngập sâu, nhiều địa phương bị cô lập. Đến sáng 17/11, vùng hạ du sông Vệ, sông Trà Câu còn ngập, các khu vực khác giao thông đã trở lại bình thường.
Trong cơn lũ này, tỉnh Bình Định nước lũ tàn phá nặng nhất với 98.094 nhà (trên 41 xã/10 huyện) chìm sâu trong nước ngập. Trong đó, huyện Tuy Phước bị ngập 80% diện tích với 36.000 nhà/45.000 người. Nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Mưa lớn đã gây lũ quét tại các xã An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang (huyện An Lão). Hầu hết hệ thống đê Đông bị ngập (42/47km) trung bình 0,5m, thậm chí có nơi ngập đến 1m. Hiện vùng ngập đã giảm mạnh song vẫn còn ngập ở các vùng thấp trũng hạ du sông Côn, sông Lại Giang.
Tại Phú Yên cũng bị ngập khu vực dọc bờ sông Cầu, Đồng Xa, Kỳ Lộ tại 3 huyện gồm các huyện Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân. Đến sáng 17/11, trên địa bàn tỉnh này đã cơ bản hết ngập, chỉ còn ngập ở những điểm thấp trũng.
Hiểm nguy vẫn tiền ẩn
Trong một diễn biến mới, bản tin dự báo thời tiết phát đi lúc 10h sáng nay, Đài khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ cho biết, đêm qua, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa trong 12 giờ phổ biến từ 30 - 80mm; có nơi trên 100mm, như Giá Vực 149mm, Ba Tơ: 107mm. Lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định lên lại; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Phú Yên đang xuống chậm và còn ở mức từ BĐ1 - BĐ2, một số nơi trên BĐ2.
Cũng theo Đài khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ, hiện lũ ở các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định vẫn tiếp tục lên; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Phú Yên tiếp tục xuống chậm.
Giao thông ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang vẫn còn bị chia cắt
Đáng chú ý, đến trưa, chiều nay, lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định sẽ đạt đỉnh, riêng sông Kôn tại Thạch Hòa đạt đỉnh vào tối nay. Đỉnh lũ các sông có khả năng như sau: Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc đạt mức 5,9m, dưới báo động 3 0,6m; Sông Vệ tại trạm Sông Vệ đạt mức 5,6m, trên báo động 3 1,1m; Sông Kôn tại Thạch Hòa đạt mức 8,0m, ở mức báo động 3; Các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức báo động 2.
Đến tối nay (17/11), lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên xuống chậm và ở mức báo động 1 và báo động 2, có nơi trên mức báo động 2; riêng sông Vệ và sông Kôn trên mức báo động 3. Mặc dù nước đã giảm nhưng theo các chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, trong những ngày tới ở phía tây miền Trung và Tây Nguyên có nguy cơ sạt lỡ đất đá rất cao. Do đó, người dân và chính quyền sở tại không được phép chủ quan.