Năm nay nắng nóng sớm ở miền Bắc và miền Trung nhưng không gay gắt, sẽ có khoảng 5 – 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Đây là nhận định của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương về mùa nắng nóng, mưa và bão lũ năm nay.
Nóng sớm
Những ngày gần đây, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ đã tăng lên, nhiệt độ toàn miền phổ biến 32 độ C – 34 độ C. Chị em ở Thủ đô Hà Nội cũng cảm nhận rõ rệt nắng nóng sớm năm nay khi nhiệt độ ngày hôm qua lên tới 29 độ C – 31 độ C, trưa và chiều nắng nóng.
Nhiều điểm vùng núi cao ở miền Bắc, nền nhiệt độ tăng lên mức nắng nóng là 35 độ C – 37 độ C.
Còn tại TP.HCM và các tỉnh Nam bộ, nắng nóng vẫn đang duy trì diện rộng, nhiệt độ toàn khu vực phổ biến 33 – 36 độ C, có nơi 37 độ C.
Nắng nóng đến sớm (Ảnh minh họa)
Điều này đã báo hiệu về một mùa hè sẽ có nắng nóng đến sớm hơn so với mọi năm. Dự báo nền nhiệt độ cho tháng 4 tới, ông Bùi Minh Tăng cho hay: Tháng 4/2013, nhiệt độ sẽ ở mức xấp xỉ với trung bình mọi năm.
Tuy nhiên, nắng nóng ở Hà Nội, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện sớm hơn so với mọi năm. “Điều may mắn là cường độ và mức độ nắng nóng sẽ không quá gay gắt”, ông Tăng cho biết.
Về cuối mùa, nền nhiệt độ phổ biến sẽ cao hơn trung bình nhiều năm một chút.
“Đón” 5 – 6 cơn bão
Mùa mưa bão đang đến gần, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông sẽ rơi vào khoảng 11 cơn -13 cơn. Đây là mức cao hơn một ít so với mức trung bình của nhiều năm trở lại đây.
“Tuy nhiên, dự báo số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta khoảng từ 5 - 6 cơn, ở mức xấp xỉ mọi năm”, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương nói.
Mùa mưa cũng sẽ đến sớm hơn bình thường, ở các tỉnh miền Bắc, lượng mưa trong tháng 4/3013 tới sẽ cao hơn mức trung bình mọi năm một chút.
Để tiện sắp xếp kế hoạch cho những công việc quan trọng hay các dịp du lịch, nghỉ ngơi, chị em lưu ý, các đợt mưa lớn sẽ tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2013.
Ông Hải cũng đặc biệt lưu ý, ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt là ở Trung và Nam Trung Bộ, lượng mưa được dự báo cao hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến tháng 8 lượng mưa trung bình nhiều năm vẫn còn ở mức thấp, do vậy tình trạng khô hạn tại khu vực này đến khoảng cuối tháng 8/2013 mới dần được cải thiện.
Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên, tình trạng thiếu mưa và khô hạn có khả năng đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2013 mới giảm bớt.
Các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên, trong các tháng tiếp theo của mùa khô, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục giảm và luôn ở mức thấp hơn thấp hơn trung bình các năm từ 10-30%. Riêng Bình Thuận thấp hơn từ 40%-50% nên khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn. Ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Đak Nông, Gia Lai... khô hạn có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4/2013.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, thiếu nước và khô hạn tiếp tục xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến cuối tháng 8/2013.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay: “Đầu năm 2013, bão và ATNĐ xuất hiện rất sớm ở phía Nam Biển Đông. Vì vậy, trong mùa mưa, bão, lũ năm 2013, tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước sẽ có diễn biến phức tạp. Cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực, đặc biệt tại các khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ và Tây Nguyên.Tình hình khô hạn ở các tỉnh phía nam Trung Bộ có khả năng đến cuối tháng 8/2013 mới dần được cải thiện”. |