Trong một lần đi bán trái cây, bà Bậu bị chuốc thuốc mê và bị bán sang Trung Quốc làm vợ cho một người đàn ông. Sau 22 năm, bà tìm về nhà trong sự vui mừng của người thân.
Hơn 25 năm trước, bà Phạm Thị Bậu (SN 1966, thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) kết hôn và sinh hạ được hai đứa con. Từ ngày có con, cuộc sống càng thêm khắc khổ vì có rất nhiều thứ phải chi tiêu. Thế nhưng, chồng không chung sức xây dựng gia đình. Ông thích rượu chè, thường xuyên say khước. Bà chán nản trước một người chồng vô trách nhiệm nên quyết định bồng hai con về nương nhờ mẹ ruột.
Bà mưu sinh bằng việc vận chuyển trái cây từ Quảng Nam ra Huế bán. Ngày ấy, tất cả mọi di chuyển giữa tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) với Huế đều phải vượt đèo Hải Vân bằng cách đi bộ. Đường đèo đối với người phụ nữ càng thêm khó khăn. Thế nhưng, với hy vọng có tiền nuôi con và mẹ già, chị không nề hà vất vả.
Bà Bậu trở về hòa lẫn nụ cười và nước mắt
22 năm trước, một lần nghỉ chân giữa đèo Hải Vân, bà bất ngờ cảm thấy buồn ngủ. Bà cố gắng chống lại cơn buồn ngủ nhưng đôi mắt cứ nhắm díp lại. Lúc tỉnh, bà sợ hãi khi xung quanh, mọi người đều nói thứ tiếng kì lạ, không thể hiểu. Khi ấy, một người phụ nữ nói bằng tiếng Việt cho biết: “Mày bị bán sang Trung Quốc rồi”.
Người phụ nữ cho biết thêm, bà Bậu bị chuốc thuốc mê rồi đưa sang Trung Quốc. Gía bà bị bán là 20.000 nhân dân tệ. Nếu muốn quay về nước, bà phải trả lại số tiền này.
Lúc bị chuốc thuốc mê, trong túi vẫn còn ít tiền. Tuy nhiên, lúc bất tỉnh, túi bà đã bị lấy sạch. Không người quen, không tiền, bà chỉ biết câm nín đón nhận sự nghiệt ngã của cuộc sống.
Sau đó, bà Bậu được bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc. Mặc dù nghèo nhưng người này khá hiền lành. Biết bà sợ hãi khi sống ở nơi xa lạ, ông dùng tình thương để dỗ dành. Theo thời gian, bà bập bẹ biết nói tiếng Trung Quốc và chấp nhận cảnh sống vợ chồng với người đàn ông lạ. Bà sinh hạ được cho người này 2 đứa con.
Mặc dù được chồng yêu thương nhưng trong tâm thức của bà Bậu luôn nhớ về quê hương. Bà nhớ người mẹ già tóc đã bạc. Bà nhớ về hai đứa con khi mình đi vẫn còn non nớt. Bà nhớ bà con, người thân, chòm xóm… Bà ao ước, một ngày nào đó sẽ được trở về nơi chôn rau cắt rốn.
Theo thời gian, cuộc sống của bà Bậu trôi qua trong thinh lặng. Hai đứa con của bà với người chồng mới đã khôn lớn, tìm được việc làm ổn định. Bà thủ thỉ với chồng muốn được trở về Việt Nam tìm người thân. Chồng bà hiểu hết tâm ý của vợ nên chấp thuận nhưng đưa ra điều kiện phải để dành ít tiền. Bởi, ông biết, khi trở về, cần chi phí khá lớn.
Khi đã kiếm đủ tiền, ông theo chân vợ về tỉnh Quảng Nam tìm gia đình. 22 năm, quê hương, xứ sở đã thay đổi quá nhiều, bà Bậu không tìm thấy những điều quen thuộc của ngày xưa. Nhưng, bà cố lần tìm những thứ lưu lại trong ký ức cùng dò hỏi mọi người và cuối cùng cũng tìm đến nhà.
Bà rơi nước mắt khi nhìn thấy mẹ già lọm khọm trong nhà. Mẹ bà ngước lên vẫn không nhận ra đứa con thất lạc từ lâu. Bà vào nhà, trình bày, kể lại cuộc lưu lạc sau 22 năm thì mẹ con ôm nhau nưc nở.
Mẹ bà là cụ Lê Thị Ngữ kể, sau khi con gái mất tích đã đi tìm nhiều nơi. Tuy nhiên, càng tìm thì thông tin về bà Bậu càng trôi dạt. Từ đó đến nay, cụ tin rằng, con gái đã bị kẻ xấu sát hại để cướp tài sản.
Cụ Ngữ không ngờ con trở về sau 22 năm mất tích
Sau khi bà Bậu mất tích, cụ Ngữ do tuổi đã già yếu, không đủ khả năng nuôi cháu nên gửi vào một trung tâm nuôi trẻ mồ côi ở thành phố Đà Nẵng. Sau đó, cả hai đứa được một cặp vợ chồng người Canada nhận làm con nuôi và đưa ra nước ngoài. Từ đó, cụ không còn nhận được bất kì thông tin nào về hai cháu.
Bà Bậu chia sẻ, mong ước trở về quê hương đã trở thành hiện thực. Lúc đoàn tụ, nụ cười hòa lẫn nước mắt. Bây giờ, bà xót xa không được gặp hai đứa con đầu nữa. Bà hy vọng, thông qua bài báo, một ngày nào đó mẹ con sẽ được đoàn tụ.
Bà cũng cho biết, lần này sẽ ở lại Việt Nam khoảng 3 tháng rồi trở về Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian tới, bà sẽ còn nhiều lần về thăm quê.