Sau hơn 40 năm sống giữa rừng sâu, đến ngày 7/8 thì hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và người con là Hồ Văn Lang mới rời rừng trở về làng gặp lại người thân trong sự lạ lẫm, e dè, sợ hãi.
Nhưng không ai biết, những ngày tháng sau này, cha con “người rừng” có bỏ làng trở lại với rừng sâu nơi đã gắn kết hơn nửa cuộc đời của mình?.
Đưa cha con “người rừng” về làng
Nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương xã Trà Phong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) thì hẳn giờ phút này cha con “người rừng” vẫn còn ở trong rừng sâu, vẫn ngủ trên căn chòi lá chót vót trên ngọn cây. Thật ra thì cách đây chừng 30 năm, sau hơn chục năm biệt vô âm tín, dân làng ở Trà Kem, xã Trà Xinh đã phát hiện cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh. Nhưng mỗi khi thấy người lạ xuất hiện là cha con “người rừng” lại chạy trốn vào rừng. Về sau, đến khi dân làng phát hiện ra chỗ ở của cha con “người rừng” thì mới xác thực đó là ông Hồ Văn Thanh, người địa phương.
Anh Hồ Văn Tri (40 tuổi), đáng sống ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà – con ruột của Hồ Văn Thanh và là em ruột của “người rừng” Hồ Văn Lang kể là lúc nhỏ, đã từng được người bác ruột dẫn lên rừng thăm cha, thăm anh.
“Người rừng” Hồ Văn Lang đã khác sau khi rời rừng. Anh không còn mặc khố mà đã chịu mặc quần áo
Sau này Tri lớn lên thì mỗi năm cũng có vài chuyến vào rừng, gùi theo muối, mắm và nhiều thứ khác vào cho anh và cha. Nhưng mãi đến giờ, cha của Tri và anh của Tri vẫn chưa nhận ra đó là con, là em của mình. Năm này qua năm nọ, anh Tri vẫn vào rừng thăm và khuyên nhủ cha và anh về làng sống nhưng chẳng ai chịu về. Mới đây, khi anh Tri trở lại rừng thăm cha và anh thì cha anh đã yếu, không còn đủ sức đi lại, ngày nào cũng nằm co ro trên túp lều lá. Về nhà, anh Tri đã báo với chính quyền địa phương tìm cách đưa cha và anh mình về.
Sáng ngày 7/8 thì lực lượng của địa phương mới cắt rừng vào đưa cha con “người rừng” rời rừng. “Người rừng” Hồ Văn Thanh được cho lên võng để khiêng ra khỏi rừng sâu.
“Người rừng” Hồ Văn Thanh đang được chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện
Ngay sau khi đưa về đến làng, hàng trăm người dân vây kín xem “những người kỳ lạ” là cha con “người rừng”. “Người rừng” Hồ Văn Thanh cũng được đưa đến Trung tâm y tế huyện Tây Trà để thăm khám sức khỏe, truyền dịch nhưng vẫn đang rất yếu.
Nhớ rừng
Trước lúc rời làng vào sống biệt lập ở rừng sâu, “người rừng” Hồ Văn Thanh biết nói tiếng đồng bào dân tộc Cor của mình nhưng sau 40 năm trở lại bản làng, con người này giờ gần như đã quên đi mọi thứ, chỉ nói được vài câu nhưng không rõ ràng. Còn “người rừng” Hồ Văn Lang thì chỉ biết í ới, nói vài câu tiếng Cor cụt ngủn, không ai hiểu rõ.
Dụng cụ che mưa được làm từ lá cây, thân cây rừng của cha con “người rừng”
Hơn một ngày sau khi từ rừng trở về làng, hai cha con “người rừng” dường như chưa thể quen và thích nghi với cuộc sống trong làng. Cả hai đều rất ít nói, đôi mắt đợm buồn, tỏ ra sợ hãi đối với tất cả những người xung quanh mình. Đưa sữa, bánh ngọt cho “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang thì họ vẫn ăn uống bình thường.
Con dao được cha con “người rừng” mài nhẵn, sắt nhọn từ những mảnh bom tìm thấy trong rừng
Từ lúc về nhà, ở và ngủ trong nhà người em ruột là Hồ Văn Tri, “người rừng" Hồ Văn Lang gần như cả đêm mất ngủ vì lạ lẫm, nhớ rừng. Từ lúc về đến giờ, Lang hút hết điếu thuốc lá này đến điếu thuốc lá nọ, có lúc mắt nhắm nghiền. Ở trong rừng sâu, hai cha con “người rừng” tự trồng thuốc lá để hút nên quen cái mùi rừng đặc trưng ấy cho nên lúc có thuốc lá thì Lang hút lấy hút để như thể để bớt nhớ rừng sâu.
Lang được người nhà đưa lên Trung tâm y tế huyện Tây Trà thăm cha, khi vừa bước vào phòng cha, thấy cha đang nằm trên giường bệnh, tay đang truyền dịch, Lang í ới với những câu không rõ nghĩa tỏ vẻ lo sợ và ra hiệu đưa cha về. Sau một lúc trấn an thì Lang mới đồng ý để cha nằm lại bệnh viện còn mình trở về nhà của người em ruột. Lang ngồi bệnh xuống nền nhà rồi đưa mắt nhìn chăm chăm về hướng rừng sâu, núi thẳm khi đang nhai vội miếng trầu rừng.