Nhìn những học trò đầu không còn một cọng tóc, trên tay còn nguyên sợi dây truyền dịch, bên cạnh là chai thuốc treo lủng lẳng nhưng vẫn miệt mài viết từng con chữ hay ê a đọc một đoạn văn... khiến ai cũng cảm thấy nghẹn lòng.
Đặt chân tới tầng 3, khoa Nội nhi, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Những đứa trẻ đầu không còn một cọng tóc, nước da xanh bủng vì bệnh tật đang run rẩy cầm những đồ chơi. Cuối phòng là một cô bé xinh xắn, ánh mắt to tròn đang cầm bút chì tô tô vẽ vẽ nhưng bên tay trái lại bị “khóa” bởi sợi dây dịch từ một chai thuốc treo ở bên cạnh.
Thế nhưng, trên những khuôn mặt gầy gò, xanh xao nhờn nhợt ấy lại lại luôn ẩn chứa vẻ hồn nhiên, rạng rỡ trong sáng đầy hạnh phúc nhất của tuổi thơ.
Lớp học của cô Kim Phấn mở vào các buổi thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.
Lớp học của các cô giáo già và tình nguyện viên
Cô Kim Phấn, một trong những người thành lập lớp học cho biết, lớp học được thành lập từ năm 2009, dạy và học hai môn chính là toán và tiếng Việt. Lớp học ra đời là một hoạt động chăm sóc tinh thần cho bệnh nhi của "Chương trình Ước mơ của Thúy" và Khoa Nội 3 Bệnh viện Ung bướu dành cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại đây.
Ban đầu lớp học có 50 em đăng ký học với một lớp 1, bây giờ sau 7 năm, lớp học không ngừng phát triển, hiện đã dạy học cho hơn 300 lượt bệnh nhi với trình độ từ lớp 1 đến lớp 9.
Cô Kim Phấn tâm sự: "Mặc dù mắc căn bệnh ung thư quái ác nhưng các em nhỏ vẫn luôn khát khao được đi học. Thấu hiểu điều này, chúng tôi đã tập hợp một số giáo viên về hưu ở TP.HCM để cùng mở lớp học đặc biệt, nhằm thỏa ước mơ học tập của các em và góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật đang làm các em đau đớn từng ngày, từng giờ".
Các em bệnh nhi vui cười cùng những cô giáo và các tình nguyện viên.
“Các em học ở đây giờ có em đã mất, có em đã về nhà nhưng vài ba bữa lại phải quay vào viện để điều trị. Cũng có em coi bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của mình, bởi phải điều trị dài ngày. Chính vì thế, bản thân tôi cũng như các tình nguyện viên ý thức rằng, lớp học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi giúp các em vui chơi trong những chuỗi ngày dài chống chọi với bệnh tật”, cô Phấn cho biết thêm.
Để chắp cánh cho những ước mơ đến với ánh sáng tri thức, nhiều thầy cô và tình nguyện viên tiếp bước cùng cô Phấn. Cuối tuần, thay vì dành thời gian cho những ly cà phê hay tán gẫu với bạn bè, họ đem khoảng thời gian ấy vào BV Ung bướu, cùng nhau gieo chữ và nụ cười cho những thiên thần bất hạnh. Họ miệt mài thắp sáng niềm tin cho các em về một tương lai tươi sáng, các em được khỏe mạnh đến trường như bao bạn nhỏ khác.
Nụ cười vui tươi của các em khi đến với lớp học mặc dù đang mang trên mình căn bệnh quái ác.
Cô giáo Phạm Thị Tốt, gần 60 tuổi cho biết: "Khi đến lớp lần đầu tiên, nhìn thấy hình ảnh nhiều cô bé, cậu bé trên đầu không có tóc, tay đầy vết của kim tiêm truyền dịch, cầm bút viết bài, mắt tôi đã nhòe lệ. Chính những hình ảnh đó đã khiến tôi vượt qua được bệnh tật và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Tôi nghĩ mình chỉ đem đến cho các em con chữ, còn điều các em mang lại cho tôi rất lớn lao - đó là động lực giúp tôi sống có ý nghĩa hơn mỗi ngày, vượt qua nỗi đau bệnh tật của chính mình. Vì vậy, còn sức khỏe là tôi sẽ còn đến lớp với các em".
Suốt 7 năm qua, các thầy, cô giáo đã không quản ngại mưa gió để đến với lớp học. Cô Phấn, cô Tốt và nhiều cô giáo, thầy giáo tình nguyện khác vẫn miệt mài đứng lớp với mong muốn thắp sáng ước mơ cháy bỏng được đến trường, được học chữ, được sống trong thế giới học trò như bao trẻ em khác.
Nghị lực phi thường của các em bệnh nhi
Nhìn thấy con trai mình trên tay còn dính gạc bông vì vừa phải tiêm thuốc điều trị bệnh, đôi mắt vẫn trong veo, nụ cười vẫn hồn nhiên, rạng rỡ như thiên thần, chỉ có mái tóc đen óng ngày nào nay lơ thơ vài sợi chạy tung tăng liên tục gọi mẹ khi chị Hương đứng chờ để đón con học lớp “đặc biệt” khiến nhiều người không kìm được nước mắt vì xúc động.
Cậu học trò đang truyền dịch vẫn vô tư yêu đời đến với lớp học.
Chị Hương, quê Bình Định cho biết: “Hơn 2 năm trước, con trai tôi đang học lớp 3 đột nhiên đổ bệnh. Gia đình tôi khăn gói đưa cháu đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám, tôi đau đớn tột cùng khi nhận được tin cháu bị u não. Cũng từ đó việc học hành của cháu bị gác lại. Nhiều lần ngồi bên giường bệnh nói chuyện với con, nghe con nói muốn đi học mà lòng tôi như thắt lại. May mắn được chị y tá chỉ lớp học nơi đây, sau thời gian điều trị tôi dắt con đến xin vào học”.
Là chủ nhiệm, sau ngần ấy năm lên lớp, cô Kim Phấn cho biết vẫn còn giữ lại toàn bộ tập vở của học sinh để làm kỷ niệm. Trong số ấy, hơn 200 cuốn tập lưu giữ tại lớp học mãi mãi không thể được dùng đến vì nhiều bé đã vĩnh viễn ra đi.
Cô Phấn tâm sự: “Đã là lớp học dành cho các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo thì các cô giáo cũng không tránh khỏi nhận được tin dữ khi học sinh đã “ra đi mãi mãi”. Dù không ruột rà máu mủ nhưng mỗi em ra đi là nỗi mất mát lớn đối với các cô giáo ở nơi đây”.
Những bên cạnh nỗi buồn, mất mát thì nơi con chữ trong nghịch cảnh này đã tiếp sức cho những bệnh nhi ung bướu vui sống và vươn lên từ lớp đặc biệt này. Nhiều bệnh nhi khi khỏi bệnh về quê học tập xếp loại khá. Một giờ ở lớp học đặc biệt này thật ngắn ngủi nhưng ai cũng cảm thấy được nguồn hy vọng mãnh liệt để các em được tới trường, mai sau có một tương lai tươi sáng.