Từ một người đi trông trẻ để kiếm thêm thu nhập, bà Bình trở thành “mẹ” bất đắc dĩ khi một người phụ nữ trẻ đang tâm bỏ rơi đứa con ruột của mình.
Từ vú nuôi trở thành mẹ bất đắc dĩ
Từ một người đi trông trẻ thuê, bà Đặng Thị Bình (63 tuổi, hiện đang ở xã Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) bất đắc dĩ trờ thành “người mẹ” trong suốt 12 năm qua.
Bà Đặng Thị Bình hiện vẫn đang làm công việc trông trẻ để kiếm tiền nuôi cháu Thương ăn học.
Nhớ lại câu chuyện cách đây đã hơn chục năm về trước, bà Bình kể: “Năm 2002, tôi lên quận Long Biên thuê nhà ở với đứa con gái thứ 2. Khi đó, tôi có nhận trông trẻ để kiếm thêm thu nhập.
Ngày 8/1/2004, tôi nhận trông cháu Hoàng Huyền Thương (5 tháng tuổi) với mức lương chỉ 800.000 đồng/tháng.
Thời điểm cháu Thương bị mẹ bỏ lại cho vú nuôi.
Thời gian đầu bố mẹ cháu đưa đón rất đều, nhưng sau đó mẹ cháu có nhờ tôi trông cả buổi tối vì phải vào bệnh viện điều trị khối u. Thấy hoàn cảnh khó khăn tôi đã đồng ý, kể từ đó đến hết năm 2004 người mẹ này thỉnh thoảng vẫn đến thăm và mua sữa cho con.
Bà Bình kể lại hành trình cùng cháu Thương đi tìm mẹ.
Bà Bình kể lại giai đoạn khó khăn khi nuôi đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi.
Đến tháng 2/2005, mẹ cháu đến thăm cháu 1 lần. Kể từ đó đến nay đã 12 năm trời, người phụ nữ bỏ con lại cho tôi mà không nói lấy một lời, cũng như không một cuộc điện thoại hỏi thăm.
Theo bà Bình, trong những năm đầu khi mẹ cháu Thương bỏ con lại, bản thân bà luôn nghe ngóng thông tin với hy vọng sẽ tìm được lại được người mẹ cho đứa cháu tội nghiệp, nhưng kết quả vẫn là con số 0.
Tôi vẫn luôn mong có một cuộc điện thoại từ mẹ cháu, để tôi yên tâm rằng ở một nơi nào đó mẹ vẫn còn hướng về con, nhưng điều đó nhiều khả năng sẽ không xảy ra
- Eva.vn
”“Có lần tôi nghe nói mẹ cháu Thương đang làm ở Gia Lâm, tôi dùng xe đạp đèo cháu Thương đi đến tận nơi, đợi cả buổi chiều nhưng không gặp. Rồi cả lần tôi và cháu lên tận Bắc Ninh tìm nhưng cũng không có kết quả gì”, bà Bình nói.
Trong quá trình nuôi cháu Thương, không ít lần bà Bình lâm vào cảnh bi đát, thậm chí còn phải bán cả của hồi môn để nuôi bé.
“Khi vợ chồng con gái tôi chuyển nhà, tôi phải thuê ở trọ chỗ mới. Công việc thì không có, tiền thì hết, hai bà cháu sống lay lắt qua ngày.
Nhiều hôm ra ngoài chợ, tôi mua một lạng thịt, xong lại xin cả túi bì lợn về để lọc lấy mỡ thừa nấu canh.
Nghĩ lại thời điểm đó thấy mình cơ cực quá. Thậm chí tôi còn bán cả 1 chỉ vàng tích cóp bấy lâu nay để lấy tiền hai bà cháu cùng nhau trang trải lúc khó khăn”, bà Bình nhớ lại.
“Chưa một lần cháu Thương hỏi mẹ”
Ngoài những khó khăn về kinh tế, bà Bình cũng không ít lần ngược xuôi để lo giấy tờ cho cháu Thương. Thậm chí có những lúc chính quyền địa phương còn “dọa” vì nuôi trẻ mồ côi mà không khai báo.
“Tôi đâu có nhận con nuôi, là họ gửi tôi rồi họ bỏ đi. Tôi thì cứ nghĩ chắc gia đình gặp tai nạn hay đi nước ngoài nên không kịp báo và cứ thế tôi nuôi cháu đợi ngày cháu được đoàn tụ.
Không ít lần bà Bình rơi nước mắt khi kể lại hành trình khó khăn mà mình phải trải qua.
Giấy khai sinh của cháu Thương vẫn còn để trống ô tên cha, tên mẹ.
Đến năm 2010, khi Thương 7 tuổi mới làm được giấy khai sinh. Lúc làm thủ tục tôi cũng trình bày hoàn cảnh với chính quyền và phần bố, mẹ đẻ trong tờ giấy khai sinh tôi vẫn để trống, biết đâu sau này họ quay lại tìm con”, bà Bình vừa nói.
Còn về phía cháu Thương, suốt 12 năm sống chung với bà Bình, lúc còn nhỏ Thương luôn nghĩ bà Bình là mẹ của mình. Sau này khi biết chuyện, Thương buồn và sống thu mình hơn, nhưng cũng chưa bao giờ hỏi về mẹ.
Để có được giấy khai sinh cho cháu Thương, bà Bình phải mất nhiều năm ròng rã đi đủ mọi cấp chính quyền.
“Cháu muốn gặp người đã sinh ra cháu, nhưng chỉ là để xem mặt mũi như thế nào. Chứ cháu vẫn ở với bà, người ấy (người mẹ) bây giờ có về đón cháu cũng sẽ không về ở cùng nữa”, Thương nói.
Kể cả khi mẹ đẻ quay về, cháu Thương cũng sẽ không về ở cùng.
Khi chúng tôi hỏi về ước mơ sau này, Thương thỏ thẻ đáp: “Cháu chỉ ước mình mở được một cửa hàng bánh ngọt để kinh doanh. Lý do đơn giản là cháu thích kinh doanh và thích làm bánh”.
Trước tôi có treo thưởng cho cháu nếu được điểm 10 thì sẽ thưởng 10.000 đồng, nhưng có lúc cháu được 4 điểm 10 liên tục mà trong túi tôi chẳng có đủ tiền để thưởng cho cháu.
- Eva.vn
”Được biết, từ khi đi học tới nay Thương luôn là học sinh giỏi. Biết hoàn cảnh khó khăn của hai bà cháu, nhà trường cũng miễn tiền học phí, thậm chí khi đi học thêm các thầy cô ở trường cũng không lấy tiền.
Bà Bình giờ tuổi đã cao, người thuê việc ngày càng ít đi, nhưng nỗi lo thì còn mãi. “Giờ nếu mẹ cháu có về, thì cháu Thương sẽ là người quyết định ở với ai.
Còn tôi, tôi sẽ lo cháu cháu ăn học đến nơi đến chốn, để sau này có công việc ổn định, lấy chồng và sinh con. Như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi.
Còn nếu tôi có mệnh hệ gì, các con tôi dù nghèo cũng sẽ lo cho cháu Thương đàng hoàng. Vì từ lâu Thương đã là một thành viên không thể thiếu của gia đình tôi”.
Được biết, hiện bà Bình đang nhận trông trẻ cho một cặp vợ chồng làm công nhân ở Văn Lâm (Hưng Yên). Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi bà đi lau nhà thuê, nhặt rác để kiếm tiền trang trải cho việc thuê nhà, sinh hoạt và tiền học của cháu Thương.